Nhiều ngân hàng sụt giảm tiền gửi trong 6 tháng đầu năm
Đã có 6 ngân hàng ghi nhận tiền gửi của khách hàng sụt giảm trong 6 tháng đầu năm, trong khi đó dư nợ cho vay vẫn tiếp tục tăng.
- 23-07-2021Tiền gửi của doanh nghiệp vào ngân hàng tăng mạnh
- 21-07-2021Tiền gửi vào ngân hàng giảm kỷ lục, tiền đang ‘chảy’ vào đâu?
- 19-07-2021Tăng trưởng tiền gửi dân cư xuống thấp trong “lịch sử thống kê”
Theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi khách hàng tại các tổ chức tín dụng (TCTD) 5 tháng đầu năm tăng 2,9% đạt hơn 10,27 triệu tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi của dân cư tăng 2,6% lên hơn 5,27 triệu tỷ; tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng mạnh hơn với 3,3% và vượt mốc 5 triệu tỷ đồng.
Có thể thấy, so với cùng kỳ các năm trước, tốc độ tăng trưởng tiền gửi đang chậm hơn rõ rệt và cũng chậm hơn so với tín dụng. Tín dụng toàn nền kinh tế 5 tháng đầu năm đã đạt gần 5% và vượt 9,6 triệu tỷ đồng. Trước đó, trong năm 2020, tiền gửi của hệ thống cũng chỉ tăng 6,5% trong khi tín dụng tăng 12,17%.
Theo báo cáo tài chính quý 2/2021, bức tranh huy động tiền gửi khách hàng 6 tháng đầu năm có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng hút mạnh tiền gửi, tăng trưởng trên 10% thì nhiều ngân hàng khác lại ghi nhận tiền gửi sụt giảm, dù đầu ra tín dụng vẫn tăng.
Cụ thể, tại ABBank, số dư tiền gửi khách hàng tại ngày 30/6/2021 là 67.136 tỷ đồng, giảm hơn 5.300 tỷ so với đầu năm, tương đương giảm tới 7,4%. Tiền gửi có kỳ hạn của nhà băng này giảm 4.500 tỷ xuống còn 54.580 tỷ đồng, đồng thời tiền gửi không kỳ hạn cũng sụt giảm hơn 1.000 tỷ.
Trong khi đó, dư nợ cho vay khách hàng của ABBank vẫn tăng 5,9% trong nửa đầu năm và đạt trên 67.000 tỷ đồng, xấp xỉ với con số tiền gửi. Như vậy, tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi tại nhà băng này đã lên gần 100%, tăng mạnh so với mức 87% hồi đầu năm.
Tương tự, tại SeABank, tiền gửi của khách hàng sụt giảm hơn 5.200 tỷ đồng, tương đương giảm 4,7% xuống còn 107.984 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2021. Trong khi đó, dư nợ cho vay của nhà băng này vẫn ghi nhận tăng trưởng 2,5%, đạt 111.578 tỷ đồng.
Tại NCB, huy động tiền gửi khách hàng sụt giảm 4% trong nửa đầu năm xuống 68.903 tỷ đồng, trong khi dư nợ cho vay khách hàng tăng 4% lên 41.740 tỷ. VietCapitalBank ghi nhận tiền gửi giảm 4%, trong khi cho vay tăng mạnh 11%.
Một số nhà băng khác cũng ghi nhận tiền gửi sụt giảm nhẹ như: Saigonbank (giảm 0,3%), PGBank (giảm 0,2%).
Có thể thấy, những ngân hàng có tiền gửi sụt giảm chủ yếu là những ngân hàng nhỏ, vốn đã ngày càng khó cạnh tranh với những ngân hàng lớn. Không những vậy, trong bối cảnh lãi suất tiền gửi xuống thấp kỷ lục, nhiều khách hàng đã rút tiền ra để mang đi đầu tư vào chứng khoán, bất động sản khiến nguồn huy động vốn của các nhà băng bị ảnh hưởng.
Bị thiếu hụt nguồn vốn từ tiền gửi khách hàng, nhiều nhà băng bù đắp thanh khoản bằng việc vay mượn trên thị trường liên ngân hàng. Tại SeABank, tiền gửi và vay các TCTD khác tại ngày 30/6/2021 là hơn 52.000 tỷ đồng, tăng hơn 9.500 tỷ, tương đương tăng hơn 22% so với đầu năm. Ngoài ra, phát hành giấy tờ có giá cũng tăng hơn 1.100 tỷ (tăng 15,7%) lên 8.180 tỷ đồng.
Hay tại VietCapitalBank, tiền gửi và vay các TCTD khác tăng 39% lên 13.003 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 48% lên 7.736 tỷ đồng.
Diễn biến trên thị trường trái phiếu cũng phản ánh phần nào áp lực huy động tại một số nhà băng. Trong tháng 5, tháng 6, ngân hàng đã quay trở lại là nhóm phát hành nhiều trái phiếu nhất.
Theo công bố của Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ là 168.702 tỷ đồng; khối lượng phát hành ra công chúng là 15.375 tỷ đồng. Trong đó, các TCTD là nhà phát hành lớn nhất, chiếm 40,2% trong tổng khối lượng phát hành, trong khi trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm 55,5% so với cùng kỳ và chỉ chiếm 13,2% tổng khối lượng phát hành toàn thị trường.
Các chuyên gia cho biết, mặt dù tiền gửi vào ngân hàng có dấu hiệu tăng chậm lại nhưng thanh khoản hệ thống nhìn chung chưa rơi vào tình trạng eo hẹp do tín dụng có thể tăng chậm lại do tác động của đợt bùng phát Covid lần thứ 4, nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp có thể yếu đi trong thời gian này.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý, áp lực huy động có thể tăng lên nếu xu hướng người dân rút tiền khỏi hệ thống tiếp diễn. Lãi suất huy động cũng có thể tăng vào cuối năm khi đó là thời điểm ngân hàng đẩy mạnh giải ngân. Tuy nhiên, lãi suất huy động sẽ không tăng mạnh do NHNN duy trì định hướng mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp.