Nhiều ngân hàng về đích sớm
Sacombank, HDBank, OCB, TPBank, LienVietPostBank, VIB đã "bùng nổ" trong khi ở nhóm ngân hàng lớn VietinBank là ngân hàng đầu tiên thông báo vượt kế hoạch đề ra.
- 21-12-2017Chuyên gia dự báo thế nào về cổ phiếu ngân hàng 2018?
- 08-12-2017Điều gì khiến nhà đầu tư nước ngoài chấp nhận bỏ giá 30.000 đồng/cổ phiếu để gom 5% vốn TPBank?
- 29-11-2017Cuộc rượt đuổi của các cổ phiếu ngân hàng
Chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2017, tuy nhiên tình hình hoạt động của các ngân hàng cả năm phải chờ sớm nhất đến khoảng tháng 2 năm sau mới có báo cáo tài chính. Dẫu vậy, một số ngân hàng mới đây, bằng nhiều cách khác nhau, đã tiết lộ về tình hình kinh doanh với con số lợi nhuận vượt kế hoạch và cao hơn nhiều so với năm 2016.
Sacombank, HDBank, OCB, TPBank, LienVietPostBank, VIB bùng nổ
Sacombank là điển hình đầu tiên. Kế hoạch năm nay ngân hàng lợi nhuận trước thuế khoảng 585 tỷ đồng, tuy nhiên qua 9 tháng đầu năm đã đạt hơn 1.025 tỷ, vượt gần gấp đôi so với chỉ tiêu và cao hơn gấp 5 lần cùng kỳ năm 2016. Một lãnh đạo của ngân hàng này thậm chí còn ước tính lãi cả năm sẽ cao hơn 200% so với kế hoạch. Và bởi vượt kế hoạch, cổ đông Sacombank đã đồng ý sẽ trích 20% phần lợi nhuận vượt kế hoạch đó để thưởng cho cán bộ công nhân viên ngân hàng.
HDBank qua 9 tháng đầu năm đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng và lãnh đạo ngân hàng này ước tính lãi cả năm sẽ không dưới 2.400 tỷ. Như vậy chỉ trong 9 tháng lợi nhuận ngân hàng đã vượt xa so với kế hoạch 1.300 tỷ mà cổ đông giao phó, và cả năm có thể vượt tới 80% so với kế hoạch.
OCB cũng là ngân hàng có kết quả kinh doanh rất tốt trong năm nay. Theo ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc OCB, ngân hàng ước lãi trước thuế 960 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm, tăng 200% so với cùng kỳ năm trước và vượt xa kế hoạch 780 tỷ đề ra cho cả năm. Ngoài kết quả kinh doanh tốt, OCB còn là ngân hàng tạo ấn tượng trên thị trường khi là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thành Basel II.
Tại LienVietPostBank, theo ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc ngân hàng, lợi nhuận cả năm sẽ đạt ít nhất là 1.700 tỷ đồng, tức cũng vượt ít nhất là 13% so với kế hoạch đề ra. Năm 2016, LienVietPostBank đã tăng gấp 3 lần lợi nhuận so với năm 2015 và đạt hơn 1.300 tỷ.
TPBank trong khi đó đã hoàn thành vượt xa kế hoạch từ tháng 10. Theo tổng giám đốc ngân hàng này, qua 10 tháng ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế 950 tỷ đồng trong khi cổ đông phê duyệt kế hoạch cả năm là 780 tỷ.
Thêm một trường hợp nữa là VIB. Hồi đầu năm ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế 750 tỷ đồng và các chuyên gia phân tích của BVSC hồi tháng 8 dự đoán ngân hàng sẽ đạt xấp xỉ con số đó. Tuy nhiên qua 11 tháng đầu năm, VIB đã báo lãi trước thuế tới 1.050 tỷ, vượt tới 41% so với kế hoạch đề ra.
Vietinbank là ngân hàng lớn đầu tiên báo vượt chỉ tiêu, Vietcombank có thể đạt hơn 10.000 tỷ
Bên cạnh những nhà băng đã về đích sớm thì cũng có những ngân hàng chắc chắn cũng sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra.
Ở nhóm 3 ngân hàng lớn nhất, Vietcombank sau 9 tháng đã đạt gần 8.000 tỷ đồng, tăng 25% so cùng kỳ 2016 và thực hiện được 81% kế hoạch 2017. Với đà tăng trưởng mạnh trong tháng cuối năm, cộng với việc vừa thoái vốn thành công với khoản lãi không hề nhỏ từ các tổ chức tín dụng là Saigonbank, Tài chính xi măng và OCB, lợi nhuận của Vietcombank khả năng đạt không dưới 10.000 tỷ trong năm nay.
Ngân hàng VietinBank trong 9 tháng đầu năm đạt lợi nhuận trước thuế 7.232 tỷ đồng, tuy nhiên lãnh đạo ngân hàng này ngày hôm qua (21/12) vừa tiết lộ đến thời điểm này cũng đã vượt kế hoạch đề ra cho cả năm là 8.800 tỷ.
Tại ngân hàng Quân đội (MB), lợi nhuận trước thuế hết 9 tháng đã đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước và cao hơn con số cả năm 2016. Với đà tăng trưởng đã có, con số hơn 4.500 tỷ đồng đặt ra cho cả năm chắc chắn cũng nằm trong lòng bàn tay.
Các ngân hàng khác như ACB, Techcombank, VPBank chưa có số liệu mới nhất nhưng với tình hình kinh doanh của 9 tháng đã ghi nhận thì kế hoạch mà cổ đông giao phó cho cả năm cũng chẳng khó khăn gì.
Thời hoàng kim trở lại
Hệ thống ngân hàng vừa trải qua thời kỳ tái cấu trúc mạnh mẽ. Trong giai đoạn 2012 – 2015, nhiều ngân hàng phải hi sinh lợi nhuận để trích lập dự phòng rủi ro nhằm giải quyết nợ xấu. Nhưng “sau cơn mưa trời lại sáng”, các ngân hàng đã tái cơ cấu thành công cũng đồng nghĩa với việc tạo được nền tảng vững chắc để sẵn sàng bứt phá.
Theo thống kê của Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia, lợi nhuận của toàn hệ thống 9 tháng đầu năm đã tăng 39% so với cùng kỳ năm trước. Các chuyên gia cho rằng kết quả kinh doanh của cả năm 2017 cũng sẽ tốt hơn rất nhiều và là ở mức đỉnh cao nhất kể từ năm 2011.
Thời hoàng kim của các ngân hàng dự báo sẽ trở lại rõ ràng hơn trong thời gian tới, như lời ông Nguyễn Văn Thắng, chủ tịch HĐQT VietinBank từng chia sẻ rằng, những kết quả từ việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng như sự bứt phá về hoạt động kinh doanh, dịch vụ của các ngân hàng sẽ được ghi nhận nhiều hơn vào lợi nhuận năm 2018.
Trí Thức Trẻ