Nhiều người không có tiền vẫn đâm đầu vào hàng hiệu, xa xỉ phẩm: Sự tự ti là 1 lý do!
Cùng xem vì sao nhiều người lại sẵn sàng "thắt lưng buộc bụng" mua hàng hiệu tới thế.
- 05-03-2022Cách tỷ phú doanh nhân Mark Cuban đã dùng tiền thay đổi thế giới: Mua cả thị trấn với giá hơn 45 tỷ đồng, bán thuốc rẻ hơn 10 lần, giúp những người kém may mắn
- 05-03-2022Sống trong biệt thự 280 tỷ, Hoa hậu Phương Lê vẫn miệt mài trồng rau, nuôi gà
- 05-03-2022Phan Công Khanh xuất hiện tại 'show diễn' siêu xe đắt đỏ nhất Việt Nam cùng Lamborghini Aventador SVJ giá sau thuế không dưới 50 tỷ đồng
Đối với nhiều người, việc mua một chiếc túi xách sang trọng không phải là điều dễ dàng gì. Mặc dù sức hấp dẫn của hàng xa xỉ là không thể phủ nhận - da mềm, logo hào nhoáng, nhưng đồng thời giá cũng có thể cao ngất ngưởng. Trừ khi bạn sinh ra ở "vạch đích", hoặc đứng vào hàng ngũ thuộc "top" có thu nhập cao", việc mua hàng xa xỉ có thể là điều không mơ tới.
Song, thực tế nói lên rằng, dù vậy vẫn có nhiều cá nhân bị vẻ hào quang của xa xỉ phẩm hấp dẫn, không ngần ngại vay mượn để đắp lên mình những sản phẩm "sang chảnh" như vậy. Câu chuyện đằng sau việc dù có ăn uống "thắt lưng buộc bụng" hay trở thành "con nợ", nhiều người vẫn chấp nhận chỉ để mua hàng hiệu là gì?
Một số người tiêu dùng không hành động theo lý trí
Chúng ta đôi lúc sẽ nghe theo con tim mà bỏ qua lý trí, biết là sai nhưng vẫn đâm đầu. Một người thuộc trường phái lý trí sẽ luôn hành động theo sự phân tích của não bộ. Nói cách khác sẽ luôn hành động vì lợi ích tốt nhất của họ (bao gồm cả lợi ích tài chính).
Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu tâm lý học hành vi hiện đại đã tiết lộ rằng con người không phải lúc nào cũng hành động theo lý trí. Và nhiều người tiêu dùng không đủ điều kiện kinh tế để có thể mua được hàng xa xỉ. Theo Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, qua 9 tháng năm 2021, tỷ lệ nợ xấu đã tăng gấp đôi đạt mức 9 - 10% so với năm 2020. Tuỳ thuộc vào cách bạn nhìn nhận nó, hiện tượng này có thể là bằng chứng cho thấy chúng ta không phải lúc nào cũng hành động vì lợi ích tài chính tốt nhất của bản thân.
Mặc dù có thể mua một chiếc túi xách chất lượng cao, bền với giá khoảng 1-2 triệu. Nhưng một số người lại chọn chi hàng trăm triệu động cho chiếc túi xách hàng hiệu sang trọng có cùng chức năng và chất lượng tương đối.
Chẳng có gì đáng nói ở đây nếu họ có đủ khả năng chi trả và thấy vui vẻ với điều đó. Tuy nhiên, câu chuyện sẽ hoàn toàn khác với những người "cố sống cố chết" mua bằng được chiếc túi xách xa xỉ.
Hàng hoá có giá cao hơn có thực sự chất lượng hơn không?
Có thể giải thích cho điều này là xu hướng của con người quá đề cao các yếu tố tích cực của sản phẩm và bỏ qua các nhược điểm của nó. Ví dụ, trong trường hợp của Apple, người tiêu dùng chờ đợi qua đêm cho các bản phát hành iPhone, iPad và máy tính Mac mới.
Trên thực tế, nhiều tập đoàn sản xuất điện thoại thường có mức rẻ hơn ⅓ so với Apple. Tuy nhiên, khách hàng vẫn có mức độ trung thành với thương hiệu "táo" nên nhãn hàng dường như luôn phá vỡ kỷ lục bán hàng năm này qua năm khác.
Bởi vì một số người coi hàng hóa không cao cấp có giá trị thấp hơn chỉ vì chúng không sang trọng (và không dựa trên đặc điểm hoặc phẩm chất của chúng). Họ cũng đi đến kết luận phi lý rằng hàng hóa có giá cao hơn có chất lượng tốt hơn.
Sự tự ti có thể ảnh hưởng đến việc mua hàng xa xỉ
Trong một số trường hợp, sự tự ti có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng có mua hàng xa xỉ hay không. Điều đặc biệt là nó xảy ra với những người không dễ dàng chi trả cho những món hàng hiệu đó.
Đối với một số người tiêu dùng, món hàng xa xỉ có thể là con đường nhanh nhất để nâng cao sự tự tin của bạn thân hoặc mang lại cảm giác an toàn. "À! Mình sẽ 'on the next level'. Họ sẽ ngưỡng mộ và quý mến hơn khi khoác lên chiếc áo Chanel này."
Với sự gia tăng của mua sắm trực tuyến, chỉ cần một cú nhấp chuột bạn đã có thể mua một đôi khuyên tai chục triệu. Đối với một số người, hàng xa xỉ cũng là liệu pháp khiến bản thân vui hơn hơn (hay còn gọi là Retail Therapy ). Và may mắn thay cho các thương hiệu cao cấp, nhưng cũng tiếc thay cho người nghiện đồ xa xỉ, Internet đã giúp người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận để "có được" thói quen mua sắm bốc đồng.
Đã bao giờ bạn nhận lương sau một tháng OT liên tục, sau đó nghĩ rằng sẽ tự thưởng cho mình một món đồ xứng đáng. Sau đó "quẹo trái quẹo phải" thế nào, bạn lại vấp vào một đôi giày với giá cao hơn cả tháng lương đã bao gồm tiền OT của bạn.
Ôi, cảm giác "nghèn nghẹn" ấy, một phút vui vẻ đánh đổi bằng 30 ngày (và hơn thế nữa… vì đôi giày có thể đang bằng 2 tháng lương của bạn) làm việc vất vả. Liệu nó có xứng đáng không? Chắc bạn đã có cho mình đáp án cho câu hỏi này.
Cảm giác thành tựu khi khoe "chiến tích" của bản thân trên mạng xã hội
Tại sao những video "tóp tóp" hay các bài báo "bóc trần" đồ giả lại thu hút người xem đến vậy? Hay những video "đập hộp" đồ xa xỉ lại có hàng triệu lượt xem? Có lý do đằng sau việc một người bỏ qua một chiếc Rolex "fake" (không cổ xuý mua đồ giả) chỉ để mua một chiếc hàng "auth", ngay cả khi chúng trông giống hệt nhau.
Câu trả lời có lẽ chính là để "khoe" với mọi người, và có thể là bạn đang bị lạc vào vòng xoáy của việc muốn chứng tỏ bản thân trên mạng xã hội. Trào lưu "chỉ sống hạnh phúc" trên Instagram đang xâm nhập vào thế hệ trẻ hiện nay. Hình ảnh lung linh trên mạng xã hội với những món đồ xa xỉ khiến bạn "nghiện ngập" không dứt ra được. Từ đó ngày càng chi mạnh tay và nếu không có nền tảng kinh tế vững mạnh, chẳng mấy chốc mà bạn sẽ sa vào "vũng lầy" nợ nần.
Ngoài ra, đối với một số người, việc mua hàng hiệu như là cách trân trọng với bản thân (kể cả có cần vay nợ để làm vậy!).
Mọi người mua hàng xa xỉ vì nhiều lý do. Gần như tất cả đều liên quan đến những cảm xúc mạnh mẽ mà chúng ta gắn liền với việc mua sắm của cải vật chất đắt tiền.
Cho dù bạn có ở trong tình trạng tài chính cho phép hay không, hãy cẩn trọng trước khi "quẹt thẻ". Vì chắc chắn cảm giác vui vẻ khi mua xa xỉ phẩm không thể "lấn át" nỗi lo lắng nợ nần trong suốt thời gian dài đâu!
Ảnh: Tổng hợp
Pháp luật & Bạn đọc