Nhiều nhà đầu tư vẫn cố “gồng” lãi ngân hàng trong tình trạng đuối sức
Mới đây, anh B (ngụ Tp.Thủ Đức, Tp.HCM) ngậm ngùi khi mảnh đất 60m2 của anh mua đầu tư đầu năm 2022 đã “tụt” giá thêm 200 triệu so với giá mua vào. Mặc dù đang gồng 1.7 tỉ đồng tiền vay ngân hàng đầu tư miếng đất, anh B vẫn quyết không bán ra lúc này.
- 03-11-2022Thực hư thông tin loạt dự án bất động sản bất ngờ giảm giá đến 50%, cam kết mức lợi nhuận mua lại lớn chưa từng có
- 02-11-2022Gian nan tìm mua nhà trong ngõ Hà Nội khi cả người mua ở lẫn nhà đầu tư cùng "săn lùng"
- 01-11-2022Bộ Xây dựng nói gì về hiện tượng bán nhà "hai giá" để trốn thuế
Dù mảnh đất anh B mua có vị trí khá đẹp, nhưng giá vẫn “down” cùng với tình hình chung của thị trường BĐS. Khá sốt ruột nhưng anh B vẫn cố “gồng lãi” và giữ đất.
Là nhà đầu tư mới vào thị trường BĐS hơn một năm nay, anh B đã từng lướt sóng thành công vài lô đất nền lân cận Tp.HCM. Dòng tiền này anh tái đầu tư vào đất, và gần như lô nào cũng sử dụng vốn vay ngân hàng. Gần đây, thị trường giảm thanh khoản khiến việc ra hàng của anh gặp khó hơn trước. Trong khi, mảnh đất hơn 3 tỉ đồng có diện tích hơn 60m2 tại quận 9 (cũ), Tp.HCM của anh (nợ ngân hàng 1.7 tỉ đồng) đang dần hạ giá. Lãi suất lại tăng đang khiến anh khá đau đầu.
“Mảnh đất 60m2 mua đầu tư đầu năm 2022 đã “tụt” giá thêm 200 triệu so với giá mua vào. Dù vậy, tôi vẫn không bán ra lúc này”, anh B ngậm ngùi chia sẻ.
Khi được hỏi về quyết định giữ đất, ôm ngân hàng, anh B cho hay: Sau giai đoạn này giá đất sẽ tăng. Nếu chấp nhận bán ra lúc này vừa lỗ, vừa khó bán. Thay vì vậy, cố gồng thêm đợi cơ hội mới.
Mặc dù khá tự tin về việc giữ BĐS với kì vọng giá sẽ tăng trong tương lai nhưng anh B tỏ ra khá lo lắng khi hàng ngày nhìn lãi suất ngân hàng tăng cao. Trong khi nguồn thu từ đầu tư đất của anh lâu nay gần như không có. Chấp nhận đợi thị trường tốt lên nghĩa là anh B chấp nhận gồng lãi và bản thân cũng không xác định rõ thời điểm BĐS hồi phục trở lại.
Khi được hỏi vui, liệu có “đuối sức”?, nhà đầu tư này chỉ cười và không nói gì.
Xuất hiện tình trạng đuối sức của giới đầu tư. Ảnh minh hoạ
Cũng như anh B, chị Hạnh Nguyên, hiện đang sống tại Q.Bình Tân, Tp.HCM, là một nhà đầu tư trẻ tham gia BĐS khoảng 2 năm nay. Hiện chị Hạnh sở hữu khoảng 4 BĐS nằm rải rác tại Tp.HCM và tỉnh lân cận. Trong số 4 BĐS, có 3 BĐS chị Hạnh vay ngân hàng với tỉ lệ vay dao động từ 40-60% giá trị tài sản. Dù đang chi trả hàng chục triệu đồng mỗi tháng tiền lãi ngân hàng, chị Hạnh vẫn tin rằng, số tiền lãi này không đáng là nhiêu so với tốc độ tăng giá đất trong tương lai. Vì thế, thay vì bán bớt BĐS để giải quyết khó khăn lãi suất lúc này, chị Hạnh vẫn giữ đất, dù các mảnh đất này của chị hiện đứng giá hoặc đã giảm giá nhẹ.
Không chia sẻ nhiều, nhưng nhà đầu tư này tỏ ra khá “đuối sức” lúc thị trường gặp khó thanh khoản. Theo chị Hạnh, nếu tình trạng này kéo dài, sức gồng tài chính có hạn, sẽ không rõ chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Ghi nhận cho thấy, thời điểm này thị trường BĐS xuất hiện nhiều trạng thái khác nhau. Bên cạnh các nhà đầu tư cố thoát hàng để thu dòng tiền thì khá nhiều nhà đầu tư khác lại đang cố “gồng” trong tình trạng đuối sức. Cùng với việc gồng này, nhiều người liên tục nghe ngóng thị trường, chờ thêm động thái để đẩy hàng đi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, trong thời gian tới, mức độ giảm giá BĐS sẽ tăng dần. Nhiều BĐS “ngộp” dự kiến sẽ chào sân mạnh nhất vào giữa năm 2023.
“Đây chính là cơ hội cho những nhà đầu tư có dòng tài chính mạnh. Nhóm này, hiện đang nghe ngóng, chờ đợi giá BĐS giảm sâu hơn để mua vào. Động thái gom hàng của nhà đầu tư cá mập vào cuối năm nay hoặc đầu năm 2023 sẽ rõ nét hẳn…”, một chuyên gia trong ngành nhận định.
Nhịp sống thị trường