Nhiều nhà vườn trồng tiêu thua lỗ nặng vì mất mùa, mất giá
Vụ tiêu năm nay ở Bà Rịa-Vũng Tàu rơi vào cảnh mất mùa, mất giá, thiếu nhân công do nhiều người về quê ăn Tết từ các tỉnh phía Bắc, Nam Trung bộ vẫn chưa quay lại.
- 31-01-2021Dự báo giá hạt tiêu sẽ tăng do nhiều nơi mất mùa
- 08-01-2021Nga tăng nhập khẩu hạt tiêu từ Việt Nam
Sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, nông dân trồng tiêu ở Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên vụ tiêu năm nay trên địa bàn rơi vào cảnh mất mùa, mất giá, thiếu nhân công do nhiều người về quê ăn Tết từ các tỉnh phía Bắc, Nam Trung bộ vẫn chưa quay lại.
Đầu năm gặp khó
Những ngày đầu năm, hầu hết vườn tiêu ở huyện Châu Đức bị thất thu, trái lác đác trên cây, giá lại rớt xuống thấp, nhân công lại khó kiếm, khiến nhiều nông dân muốn bỏ vườn. Ông Võ Công Tường, ấp Lộc Hòa, xã Bình Giã cho hay, vườn tiêu 8 sào của gia đình ông năm nay ước tính sản lượng giảm 50% so với năm ngoái, chỉ thu hoạch được khoảng 2 tấn. Ông Tường phải chạy khắp nơi, thuê được 4 nhân công hái tiêu với tiền công 300.000 đồng/người mỗi ngày.
Theo ông Tường, vụ tiêu này coi như lỗ nặng, nhưng chặt bỏ vườn thì không biết trồng cây gì. "Sau Tết công lao động rất khó kiếm vì người ta chưa đi làm. Còn những người khác thì đi làm công nhân, may mắn là nhà tôi có được 4 lao động nên tranh thủ trước Tết bắt đầu thu hoạch, hái cho đến hết tháng 2 mới xong. Tiêu năm nay giá cả, năng suất không được đạt như năm ngoái".
Cùng hoàn cảnh với ông Tường, ông Phạm Văn Phương, ở ấp Hiệp Thành, xã Quảng Thành, huyện Châu Đức như đang ngồi trên lửa. Nghỉ Tết Nguyên đán xong, từ mùng 4 Tết gia đình ông Phương phải hối hả ra vườn thu hoạch tiêu và cũng phải chạy đôn chạy đáo mới thuê được 4 nhân công.
Theo ông Phương, do giá tiêu xuống thấp nên phải giảm chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây, vì thế sản lượng tiêu cũng giảm, chỉ đạt khoảng 1,5 tấn/4 sào. Bên cạnh đó, do không thu hoạch kịp nên tiêu chín rụng đầy vườn, thất thoát khoảng 10 -15%.
"Năm nay nhân công thu hoạch tiêu đã khó mà đầu tư cây tiêu rất cao, giá cả tiêu lại thấp. Nếu chủ vườn có nhân công của nhà thì chỉ mới hòa vốn, không có thu lợi nên những người trồng tiêu năm nay rất là khó" - ông Phương bày tỏ.
Không chỉ các vườn tại "thủ phủ" tiêu Châu Đức gặp khó khăn mà các vườn tiêu trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, thị xã Phú Mỹ năm nay cũng đạt năng suất thấp, giá bán thấp, giá thuê nhân công cao… khiến nhiều nhà vườn lỗ nặng.
Hướng tới chuyên canh
Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, những năm trước, giá tiêu ở mức cao, người dân ồ ạt tăng diện tích trồng loại cây này. Tuy nhiên 2-3 năm qua, do mất giá (từ 200.000 đồng xuống còn 50.000 đồng/kg), năng suất kém khiến nhiều nông dân phải phá bỏ vườn tiêu.
Hiện toàn tỉnh chỉ còn trên 11.300ha trồng tiêu, giảm gần 2.000ha so với năm 2020, tổng sản lượng giảm hơn 1.750 tấn so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, “thủ phủ” trồng tiêu Châu Đức giảm diện tích nhiều nhất tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ hơn 7.500 ha năm 2016 đến nay chỉ còn khoảng 4.000 ha tiêu.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, huyện đang xây dựng đề án chuyển đổi cây trồng, khuyến khích nông dân có vườn tiêu đang cho thu hoạch thì tiếp tục chăm sóc để giảm chi phí giá thành, còn những nơi kém hiệu quả thì chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.
"Các vườn tiêu còn lại thì đẩy mạnh sản xuất theo quy trình chứng nhận truy nguyên nguồn gốc, còn đối với những vườn kém hiệu quả thì chuyển qua chuyên canh cây ăn trái, liên kết với những vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn, liên kết với các doanh nghiệp để sản xuất theo nhu cầu của doanh nghiệp" - ông Lê Thanh Liêm nói.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, vụ tiêu năm nay, năng suất ở hầu hết các vườn đều giảm khoảng trên 50% so với năm 2020. Nguyên nhân do giá tiêu giảm, nông dân phải bớt chi phí đầu tư, chăm sóc vườn, cộng với thời tiết không thuận lợi nên năng suất tiêu không cao. Ngành nông nghiệp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khuyến cáo bà con nông dân cân nhắc, không nên ồ ạt chuyển sang trồng các loại cây khác, tránh nguy cơ thất thu ở những mùa vụ tiếp theo.
VOV