Nhiều nỗi lo đến với Đảng Dân chủ Mỹ
Các cuộc thăm dò trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ cho thấy kinh tế là mối bận tâm hàng đầu của cử tri, hơn cả những vấn đề như tội phạm, nhập cư, phá thai và môi trường.
- 06-03-2021Đảng Dân chủ Mỹ đạt thỏa thuận về viện trợ thất nghiệp, gói cứu trợ 1,9 nghìn tỷ USD tiến về đích
- 21-01-2021Chứng khoán Mỹ tăng tốt hơn dưới thời Tổng thống Đảng Dân chủ
- 07-01-2021Thêm 1 chiến thắng ở Georgia, đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ
- 06-01-2021Đảng Dân chủ đang vượt Đảng Cộng hòa trong cuộc đua Thượng viện Mỹ
Cử tri Mỹ ngày 8-11 bỏ phiếu để bầu lại toàn bộ 435 ghế hạ viện và 35/100 ghế thượng viện. Kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ này sẽ quyết định xem đảng nào chiếm đa số tại lưỡng viện Quốc hội, từ đó tác động đến công việc của Tổng thống Joe Biden trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ.
Đảng Dân chủ hiện kiểm soát hạ viện khi nắm 220 ghế, Đảng Cộng hòa chỉ giữ 212 ghế và có 3 ghế trống. Còn tại thượng viện, 100 ghế được chia đều cho 2 đảng này. Tuy nhiên, Đảng Dân chủ vẫn đang kiểm soát cơ quan này nhờ lá phiếu quyết định của Phó Tổng thống Kamala Harris trong vai trò chủ tịch thượng viện.
Theo Reuters , Đảng Cộng hòa có nhiều cơ hội giành lại quyền kiểm soát hạ viện trong khi Đảng Dân chủ vẫn còn chút hy vọng duy trì thế đa số tại thượng viện. Tuy nhiên, chỉ cần Đảng Cộng hòa kiểm soát một trong hai viện Quốc hội cũng đủ làm khó chương trình nghị sự của ông Biden và Đảng Dân chủ.
Cuộc bầu cử giữa kỳ thường được xem là cuộc trưng cầu ý dân về nửa nhiệm kỳ của tổng thống và tỉ lệ ủng hộ ông Biden là điều khiến Đảng Dân chủ lo lắng. Theo cuộc thăm dò được hãng tin Reuters và Công ty Ipsos (Pháp) thực hiện từ ngày 31-10 đến 1-11, khoảng 40% người được hỏi tán thành công việc của ông Biden.
Cũng theo cuộc thăm dò này, 69% người tin rằng nước Mỹ đang đi sai hướng và chỉ 18% nhận định ngược lại. Nỗi lo khác đến từ yếu tố lịch sử khi đảng của tổng thống đương nhiệm thường mất ghế tại hạ viện trong các cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây.
Cử tri xếp hàng bỏ phiếu sớm tại TP Cleveland, bang Ohio - Mỹ hôm 6-11Ảnh: Reuters
Trong giai đoạn tranh cử, Đảng Dân chủ từng hy vọng hưởng lợi từ lá phiếu của những cử tri nữ bất bình trước việc Tòa án Tối cao đảo ngược phán quyết công nhận quyền phá thai. Đảng này cũng kỳ vọng cử tri trẻ đi bỏ phiếu nhiều hơn sau khi Nhà Trắng thông báo chương trình xóa nợ sinh viên.
Không những thế, họ còn kỳ vọng những rắc rối pháp lý của cựu Tổng thống Donald Trump sẽ khiến khối cử tri còn do dự chuyển sang "nói không" với Đảng Cộng hòa.
Để tăng sức thuyết phục, một số thành viên Đảng Dân chủ thậm chí còn mô tả đối thủ là những người ủng hộ vụ bạo loạn, tấn công Đồi Capitol hồi tháng 1-2021. Ngay cả ông Biden cũng phát đi thông điệp cảnh báo rằng nếu Đảng Cộng hòa giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ, nền dân chủ của Mỹ có thể bị suy yếu.
Tuy nhiên, các cuộc thăm dò gần đây cho thấy kinh tế vẫn là mối bận tâm hàng đầu của cử tri, hơn cả những vấn đề như tội phạm, nhập cư, phá thai và môi trường. Dù tỉ lệ thất nghiệp giảm mạnh, kinh tế Mỹ vẫn đối mặt lạm phát leo thang, khiến giá lương thực và năng lượng gia tăng. Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã có những bước đi mạnh để kiểm soát lạm phát dù điều này đe dọa khiến tăng trưởng chậm lại.
Không gì lạ khi vấn đề lạm phát và nỗi lo kinh tế suy thoái được Đảng Cộng hòa nói đến nhiều khi cuộc bầu cử đến gần. Họ cho rằng các biện pháp của Đảng Dân chủ nhằm thúc đẩy kinh tế, trong đó có Đạo luật Giảm lạm phát trị giá 740 tỉ USD, chỉ khiến lạm phát thêm trầm trọng.
Đảng Cộng hòa cũng chi nhiều cho các quảng cáo đánh vào nỗi lo của cử tri về nguy cơ gia tăng tội phạm bạo lực bằng cách gắn kết đảng đối thủ với những nỗ lực "cắt ngân sách cho cảnh sát".
Giới đầu tư hồi hộp
Giới đầu tư đang hồi hộp chờ kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ vốn được xem là có tác động không nhỏ lên thị trường chứng khoán. Trong trường hợp Đảng Cộng hòa giành đa số ghế ở hạ viện và có thể ở cả thượng viện, chương trình nghị sự của Tổng thống Biden có thể gặp trở ngại.
Theo Reuters , một kết cục như thế có thể dẫn đến sự bế tắc chính trị, từ đó cản trở những thay đổi lớn về chính sách. Tuy nhiên, đây lại là kết quả được các nhà đầu tư đánh giá là sẽ có lợi cho giá cổ phiếu.
Trong quá khứ, các cuộc bầu cử giữa kỳ thường giúp mở ra một giai đoạn diễn biến tích cực của thị trường bất kể đảng nào chiến thắng. Các nhà đầu tư kỳ vọng kịch bản này sẽ tái diễn năm nay sau khi chứng kiến chỉ số S&P 500 giảm gần 21% kể từ đầu năm đến giờ.
Giới phân tích cũng dự báo về những tác động tiềm tàng của kết quả cuộc bầu cử lần này đối với nước Mỹ. Chẳng hạn như chi tiêu quốc phòng dự kiến tăng bất kể kết quả cuộc bỏ phiếu do những căng thẳng địa chính trị thời gian qua, như xung đột Nga - Ukraine.
Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định một chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng hòa sẽ tạo điều kiện cho chi tiêu quốc phòng tăng đáng kể, so với mức vừa phải nếu Đảng Dân chủ duy trì thế đa số tại một trong hai viện hoặc cả Quốc hội.
Bên cạnh đó, các nhà phân tích của Tập đoàn Tài chính Citigroup (Mỹ) cho rằng Đảng Cộng hòa sẽ thúc đẩy chính sách khuyến khích Mỹ sản xuất nhiều năng lượng hơn nếu kiểm soát lưỡng viện Quốc hội.
Còn theo Công ty Quản lý đầu tư State Street Global Advisors (Mỹ), Đảng Dân chủ sẽ ủng hộ các chính sách về năng lượng sạch nếu thắng cử. Nhóm cổ phiếu ngành dược phẩm và công nghệ sinh học có thể được hưởng lợi nếu chiến thắng thuộc về Đảng Cộng hòa.
Trong khi đó, kịch bản chính phủ chia rẽ đe dọa dẫn đến bế tắc về vấn đề nâng trần nợ công, dẫn đến nỗi lo Mỹ có thể vỡ nợ.
Xuân Mai
Người Lao động