MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều nông sản cung đang vượt cầu

26-07-2021 - 15:40 PM | Thị trường

Theo Tổ Công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, TP phía Nam của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đến cuối tuần qua, đã có 367 đầu mối đăng ký cung cấp nông sản, thủy hải sản với khả năng cung cấp lớn.

Một số mặt hàng rau củ như khoai lang tím và dứa có sản lượng đăng ký tăng đột biến, dưa leo cung vượt cầu. Ở nhóm trái cây, nhãn đang vào mùa, lượng cung cấp lên đến 700 tấn/ngày đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhất là nhãn xuồng cơm vàng đã quá lứa, rụng nhiều; nhãn Ido tạm thời còn giữ lại trên cây.

"Dự báo những ngày sắp tới, các mặt hàng dưa leo, nhãn, dứa, chanh, khoai lang, gà lông trắng, cua và tôm nước mặn cung vượt cầu. Hầu hết các tỉnh, TP đã tạm hoàn chỉnh hệ thống cập nhật dữ liệu của các đầu mối cung cấp nông sản . Nhiều địa phương hình thành các điểm bán nhu yếu phẩm cho người dân, đáp ứng các biện pháp phòng dịch" - đại diện tổ công tác cho hay.

Khả năng cung ứng nông sản của các tỉnh rất lớn. Theo ước tính sơ bộ, nhóm rau củ khoảng 1.500 tấn/ngày, trái cây hơn 1.200 tấn/ngày, thủy sản 111 tấn/ngày, thịt gia súc gia cầm 114 tấn/ngày… và còn tiếp tục tăng trong thời gian tới khi tổ công tác tiếp tục cập nhật danh sách các đầu mối cung cấp.

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị chủ động rà soát kế hoạch sản xuất và cụ thể hóa danh mục vật tư nông nghiệp trong điều kiện dịch Covid-19. Cụ thể, UBND các tỉnh, TP cần rà soát tình hình, kế hoạch sản xuất các loại nông sản trên địa bàn để có phương án cụ thể, phù hợp đối với các loại cây trồng, vật nuôi, thủy sản bảo đảm thúc đẩy sản xuất.

Đối với các loại nông sản vào vụ thu hoạch, cần thiết huy động các lực lượng tham gia thu hoạch, vận chuyển, tiêu thụ, tuyệt đối không để đứt gãy các chuỗi cung ứng nông sản, hàng hóa nhằm bảo đảm ổn định nguồn cung lương thực, thực phẩm cho người dân, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16.

Nhiều nông sản cung đang vượt cầu - Ảnh 1.

Nông sản được thu mua hỗ trợ nhà vườn bán giá bình ổn cho người tiêu dùng tại quận Bình Thạnh, TP HCM.Ảnh: NGỌC ÁNH

Bộ NN-PTNT đề nghị thường xuyên rà soát, cập nhật danh mục các mặt hàng vật tư nông nghiệp (gồm nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu, trang thiết bị, thuốc, vắc-xin thú y…) phục vụ sản xuất chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, lâm nghiệp và chế biến nông sản, phòng chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch động thực vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm. Cần linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người và phương tiện vận chuyển các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất và chế biến nông sản.

Bộ NN-PTNT cũng lưu ý các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở có chuỗi sản xuất khép kín, đáp ứng các yêu cầu xuất khẩu như: Masan, Japfa, C.P…, bảo đảm nguồn cung ứng kịp thời các mặt hàng thực phẩm thiết yếu cho người dân.

Cũng liên quan đến đầu ra cho các mặt hàng nông sản tại ĐBSCL, các hệ thống bán lẻ tại TP HCM cho biết đã nhận được nhiều văn bản đề nghị hỗ trợ tiêu thụ nông sản từ Sở Công Thương nhiều tỉnh, TP khu vực này. Các hệ thống bán lẻ đang lên kế hoạch để tăng sản lượng thu mua, tiêu thụ các mặt hàng này.

"Tinh thần là trong thời điểm nhiều tỉnh, TP cùng thực hiện Chỉ thị 16, việc vận chuyển đi lại vẫn còn ách tắc cục bộ, việc tổ chức kinh doanh cũng trong điều kiện không bình thường nên tiêu thụ thủy sản tươi sống gặp nhiều bất tiện. Đó sẽ là bài toán khó mà các bên cần suy nghĩ để tìm giải pháp phù hợp" - đại diện một hệ thống siêu thị cho hay.

Theo Ngọc Ánh - Thanh Nhân

Người lao động

Trở lên trên