Nhiều nước ASEAN muốn gia nhập BRICS: Cùng Nga, Trung Quốc 'thách thức' trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt
Một số quốc gia ở Đông Nam Á đã bày tỏ ý định gia nhập BRICS – tổ chức được coi là đối trọng với các thể chế do phương Tây lãnh đạo.
- Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim vừa tuyên bố ý định nộp đơn gia nhập BRICS.
- Thái Lan - một đồng minh hiệp ước của Mỹ - vào tháng trước đã tuyên bố nỗ lực gia nhập BRICS.
- Indonesia - được coi là quốc gia sớm được ưu tiên gia nhập BRICS vào năm ngoái - trước khi Tổng thống Joko Widodo cho biết ông sẽ không vội vã đưa ra quyết định.
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông Trung Quốc trước chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tới Malaysia (ngày 18-20/6), Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim đã tuyên bố ý định nộp đơn gia nhập BRICS sau khi khối này tăng gấp đôi quy mô trong năm nay bằng cách thu hút các quốc gia Nam bán cầu - một phần bằng cách cung cấp khả năng tiếp cận nguồn tài chính, và cả bằng cách cung cấp một môi trường chính trị độc lập với ảnh hưởng của Washington.
Thái Lan - một đồng minh hiệp ước của Mỹ - tháng trước đã tuyên bố nỗ lực gia nhập BRICS. Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Maris Sangiampongsa nói với các phóng viên vào tuần trước rằng, khối này "đại diện cho một khuôn khổ hợp tác phương Nam – phương Nam mà Thái Lan từ lâu đã mong muốn trở thành một phần trong đó."
Theo Bloomberg, đối với các quốc gia đang tìm cách giảm thiểu rủi ro kinh tế khi cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, việc gia nhập BRICS - được đặt theo tên của các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - là một nỗ lực nhằm giải quyết một số căng thẳng đó.
Nhưng đó cũng là một động thái báo hiệu sự bất mãn ngày càng tăng đối với trật tự quốc tế do Mỹ dẫn dắt và các thể chế chủ chốt vẫn nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ của các cường quốc phương Tây, như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Cựu Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nói với Bloomberg rằng: "Một số người trong chúng tôi, bao gồm cả những người như tôi, nghĩ rằng chúng tôi cần tìm giải pháp cho cấu trúc kinh tế và tài chính quốc tế không công bằng. Vì vậy BRICS có thể sẽ là một trong những cách để cân bằng một số thứ."
Theo Bloomberg, sự quan tâm của các nước khác đến BRICS cũng cho thấy sự thành công của Nga và Trung Quốc trong việc đẩy lùi những nỗ lực của Mỹ và các đồng minh nhằm cô lập họ trên phạm vi rộng hơn vì cuộc chiến ở Ukraine và các mối đe dọa quân sự đối với Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã phải vật lộn để thuyết phục các quốc gia châu Á ủng hộ Hội nghị thượng đỉnh hòa bình Ukraine ở Thụy Sĩ hồi đầu tháng này.
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong tuần này đã ký một hiệp ước quốc phòng với Triều Tiên, đồng thời cảnh báo rằng ông có quyền trang bị vũ khí cho các đối thủ của Mỹ trên khắp thế giới.
Theo Bloomberg, BRICS – một tổ chức trong nhiều năm chỉ bao gồm 5 thành viên - đã mở rộng lên 9 thành viên với sự gia nhập của Ả Rập Saudi, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Ethiopia và Ai Cập vào tháng 1 năm nay. Đó là một sự thúc đẩy phần lớn được tạo ra bởi Trung Quốc khi nước này cố gắng gia tăng ảnh hưởng trên toàn cầu.
Một quốc gia Đông Nam Á khác, Indonesia, được coi là quốc gia sớm được ưu tiên gia nhập BRICS vào năm ngoái, trước khi Tổng thống Joko Widodo cho biết ông sẽ không vội vã đưa ra quyết định.
Tuy nhiên, động lực để kết nạp thành viên mới vẫn tiếp tục. Bất chấp nỗ lực của Mỹ và châu Âu nhằm ngăn cản các nước kết giao với Moscow, đại diện từ 12 quốc gia không phải thành viên đã xuất hiện tại “Đối thoại BRICS với các nước đang phát triển” được tổ chức ở Nga trong tháng này. Họ bao gồm những đối thủ lâu năm của Mỹ như Cuba và Venezuela, cũng như các quốc gia như Thổ Nhĩ Kỳ, Lào, Bangladesh, Sri Lanka và Kazakhstan.
Bloomberg đưa tin, sau đợt mở rộng trong năm nay, BRICS có kế hoạch mời các quốc gia không phải thành viên tham dự hội nghị thượng đỉnh tiếp theo của khối tại thành phố Kazan (Nga) vào tháng 10 tới. Việc tổ chức sự kiện này sẽ giúp Moscow có cơ hội thể hiện với thế giới rằng họ không hoàn toàn bị cô lập bởi sự phản đối của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraine.
Scot Marciel - cựu Đại sứ Mỹ tại Indonesia, Myanmar và ASEAN - cho biết: "Không có gì bí mật khi Washington không thích BRICS, đặc biệt là với tư cách thành viên của Iran và Nga."
"Cảm giác của tôi là, Washington có lẽ không hoan nghênh động thái gia nhập của Thái Lan và Malaysia, nhưng tôi không nghĩ nó sẽ gây ra tình trạng nghiêm trọng", Marciel nói thêm.
Lợi ích tiềm tàng khi gia nhập BRICS vượt ra ngoài địa chính trị
Theo Bloomberg, các nước thành viên BRICS đã đồng ý góp 100 tỷ USD dự trữ ngoại hối để có thể cho nhau vay trong trường hợp khẩn cấp. Khối này cũng thành lập Ngân hàng Phát triển Mới - một tổ chức theo mô hình của Ngân hàng Thế giới, đã phê duyệt gần 33 tỷ USD cho vay chủ yếu cho các dự án về nước, giao thông và cơ sở hạ tầng khác kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2015.
Theo một báo cáo trong tháng này của Viện nghiên cứu Lowy có trụ sở tại Sydney, nguồn đầu tư đó sẽ hữu ích ở Đông Nam Á - nơi nguồn vốn đầu tư công đã giảm xuống mức thấp 26 tỷ USD vào năm 2022.
Cựu Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin cho biết, một điểm thu hút khác đối với tư cách thành viên BRICS là tâm lý tiêu cực còn sót lại đối với các tổ chức như IMF, vốn đã thúc đẩy các biện pháp thắt lưng buộc bụng mà đôi khi bị cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn kinh tế do cuộc khủng hoảng tài chính châu Á gây ra vào cuối những năm 1990.
"Ngày càng có ít không gian cho các nước nhỏ hơn hoạt động", Ong Keng Yong - cựu Tổng thư ký ASEAN nói với Bloomberg. "Bằng cách gia nhập các tổ chức như BRICS, các quốc gia đang báo hiệu rằng họ muốn thân thiện với tất cả các bên, không chỉ với Mỹ và các đồng minh của nước này."
Đời sống Pháp luật