Nhiều nước cũng giao dịch T+2 như Việt Nam (?!): Đừng nhầm...
Ở các thị trường chứng khoán phát triển, cơ chế giao dịch được tách bạch khỏi cơ chế thanh toán. Nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch trong ngày nhưng thời gian thanh toán (settlement cycle) thường là T+2 hoặc T+1.
Kể từ ngày 29/8/2022, nhà đầu tư có giao dịch mua, bán chứng khoán (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm) ngày T+0 (trade date) sẽ nhận được chứng khoán, tiền trước 13h ngày làm việc thứ hai liền kề sau ngày giao dịch (thường gọi là T+2) để có thể thực hiện mua, bán chứng khoán trong phiên chiều giao dịch buổi chiều cùng ngày.
Quy định mới đã nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, với kỳ vọng rằng việc rút ngắn chu kỳ thanh toán (settlement cycle) sẽ góp phần cải thiện thanh khoản của thị trường chứng khoán.
Việc rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 cho thấy sự bắt nhịp của thị trường chứng khoán Việt Nam với xu hướng phát triển của các thị trường chứng khoán khu vực và thế giới.
Cụ thể, Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ (SEC) đã áp dụng cơ chế thanh toán T+2 cho phần lớn các loại chứng khoán (bao gồm cổ phiếu, trái phiếu) kể từ năm 2017. Cơ quan này đặt mục tiêu tới năm 2024, sẽ giảm chu kỳ thanh toán xuống còn T+1.
Tương tự, Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (Singapore Exchange Limited) cũng bắt đầu áp dụng chu kỳ thanh toán T+2 từ tháng 11/2018 (thay vì T+3 như trước đó).
Trong khi đó, các thị trường chứng khoán ở Trung Quốc và Ấn Độ đã áp dụng chu kỳ thanh toán T+1.
Tuy vậy, cũng cần phải lưu ý rằng, ở các thị trường nêu trên, cơ chế thanh toán có sự tách bạch so với cơ chế giao dịch.
Có nghĩa rằng, thời gian thanh toán có thể là T+2 hoặc T+1 nhưng nhà đầu tư vẫn có thể giao dịch trong ngày (thường gọi là giao dịch T+0; hoặc intraday trading), miễn là cơ chế thanh toán – giao dịch vẫn đảm bảo việc một nhà đầu tư sau khi đã chuyển giao quyền sở hữu chứng khoán sẽ luôn nhận được một khoản thanh toán đối ứng và ngược lại.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có đôi chút khác biệt. Cụ thể, nhà đầu tư sau khi mua xong cổ phiếu sẽ không thể bán ngay mà phải chờ đến ngày T+2, sau khi cổ phiếu về tài khoản, mới được bán.
Ông Hoàng Tùng - chuyên gia tài chính tại Singapore
Chia sẻ với VietTimes, ông Hoàng Tùng – chuyên gia tài chính tại Singapore – cho biết, ở nhiều thị trường phát triển, khi áp dụng chu kỳ thanh toán "T+N", nhà đầu tư vẫn có thể mua bán trong ngày, mua xong bán ngay lập tức được.
Đến hết N ngày, nếu nhà đầu tư vẫn chưa bán cổ phiếu, sàn giao dịch sẽ thực hiện tất toán (settlement), chuyển tiền và chứng khoán từ tài khoản này sang tài khoản khác.
"Các thị trường khác sở dĩ duy trì cơ chế T+N nhằm giảm tải cho việc thanh toán bù trừ của các trung tâm lưu ký.
Vì nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu rồi bán ngay lập tức sau đó và sàn giao dịch cứ chuyển tiền/cổ phiếu qua lại liên tục như vậy sẽ tốn thời gian và dễ gây sai sót.
Vậy nên họ để N ngày sau đó mới tiến hành quá trình chuyển giao chính thức", vị chuyên gia này lý giải.
Khi mỗi người mua/bán cổ phiếu thì sàn sẽ có cơ chế kiểm soát khoản tiền/cổ phiếu đó lại để tránh việc N ngày sau tài khoản đó không có đủ tiền/cổ phiếu để tiến hành tất toán giao dịch.
Mở đường cho giao dịch T+0, bán khống
Ngày 31/12/2020, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 120/2020/TT-BTC (Thông tư 120) về quy định giao dịch cổ phiếu niêm yết, đăng ký giao dịch và chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, chứng quyền có bảo đảm niêm yết trên hệ thống giao dịch chứng khoán, trong đó có quy định về giao dịch trong ngày.
Cụ thể, giao dịch trong ngày (hay còn gọi là giao dịch T+0) được định nghĩa là giao dịch mua và bán cùng một mã chứng khoán nhà đầu tư chưa sở hữu với cùng một khối lượng giao dịch, thực hiện trên cùng một tài khoản và trong cùng một ngày giao dịch.
Hoạt động giao dịch trong ngày không được thực hiện trong khoảng thời gian năm 5 ngày, trước ngày đăng ký cuối cùng để chốt quyền cổ đông của chứng khoán đó.
Trong khi đó, quy chế hoạt động bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) được ban hành kèm theo quyết định số 109/QĐ-VSD (ban hành ngày 19/8/2022) quy định, việc thanh toán giao dịch được thực hiện theo nguyên tắc chuyển giao chứng khoán đồng thời thanh toán tiền (Delivery Versus Payment – viết tắt: DVP). Ngày thanh toán tiền, ở đây, là ngày làm việc thứ hai liền kề sau ngày giao dịch (T+2).
Thông tư số 120 của Bộ Tài chính cũng quy định về giao dịch bán khống có tài sản bảo đảm là giao dịch bán chứng khoán đã được vay trên hệ thống vay và cho vay chứng khoán của VSD. Người bán sau đó có nghĩa vụ mua lại số chứng khoán đó để hoàn trả khoản đã vay.
Được biết, thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2021./.
VietTimes