Nhiều nước EU dự kiến ủng hộ áp thuế xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc
Thuế quan áp lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc vào Liên minh châu Âu (EU) có thể có hiệu lực vào tháng 11 sau cuộc bỏ phiếu của các nước thành viên vào cuối tháng 10 năm
- 24-07-2024EU áp thuế nhập khẩu tạm thời với dầu diesel sinh học Trung Quốc
- 10-07-2024Động thái đáp trả của Trung Quốc sau màn áp thuế bổ sung của EU đối với xe điện
- 07-07-2024EU áp thuế bổ sung với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc
Thông tin trên do ông Valdis Dombrovskis, Ủy viên thương mại châu Âu, đưa ra trong bài phỏng vấn đăng ngày 5/8 với tờ The Financial Times.
Theo ông, các quốc gia thành viên EU hiểu rõ sự cần thiết phải bảo vệ ngành công nghiệp ô tô nội khối vì rủi ro thương mại hiện hữu. Ông chỉ ra rằng thị phần xe điện chạy bằng pin của Trung Quốc đang tăng rất nhanh tại châu Âu. Số liệu từ công ty theo dõi thị trường Dataforce, tính đến tháng 6/2024, các thương hiệu xe điện Trung Quốc đã chiếm 11% thị phần trên thị trường xe điện châu Âu.
Đầu tháng 7, EU đã quyết định áp thuế quan tạm thời trong phạm vi từ 17,4% đến 37,6% đối với xe điện sản xuất tại Trung Quốc. Mức thuế này được áp dụng bổ sung mức thuế 10% trước đó với loại hàng hóa này.
Mặc dù động thái trên đã gây ra sự phẫn nộ ở Trung Quốc, nhưng những người ủng hộ cho rằng cần áp thuế để bảo vệ các nhà sản xuất EU khỏi sự cạnh tranh không lành mạnh.
Một cuộc điều tra do Ủy ban châu Âu tiến hành vào năm ngoái đã xác định rằng các khoản trợ cấp của Chính phủ Trung Quốc đang cho phép các công ty nước này giữ giá ở mức thấp. Phía Trung Quốc đã bác bỏ những tuyên bố đó, lập luận rằng ngành công nghiệp của họ đã phát triển một cách tự nhiên.
Ủy viên Dombrovskis nói rằng ông sẵn sàng tìm kiếm "một giải pháp có thể chấp nhận được cho cả hai bên" để giải quyết tranh chấp, mặc dù điều này đòi hỏi phía Trung Quốc phải thay đổi chính sách trợ cấp.
Tuy nhiên, một số quốc gia EU, đặc biệt là Đức, lo ngại rằng việc áp thuế lên ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc có thể gây tổn hại cho châu Âu khi đây là đối tác thương mại lớn thứ hai của khối này.
Nhiều tiếng nói khác cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ Trung Quốc đối với quá trình chuyển đổi xanh ở châu Âu. Họ lo lắng những động thái xa lánh hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ khiến các sản phẩm như tấm pin Mặt Trời và xe điện trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng châu Âu.
Tuy nhiên, mặc dù công khai chỉ trích việc áp thuế quan, Đức đã không bỏ phiếu chống lại các biện pháp này trong một cuộc thăm dò ý kiến vào tháng 7. Thay vào đó, Đức chọn cách bỏ phiếu trắng.
9 quốc gia khác cũng đã bỏ phiếu trắng, trong khi 4 quốc gia phản đối thuế quan và 11 quốc gia bỏ phiếu thuận. Để ngăn chặn việc áp thuế quan, cần có phiếu chống từ 15 quốc gia đại diện cho 65% dân số của khối.
Phản ứng của Trung Quốc với thuế quan của châu Âu vẫn chưa rõ ràng, mặc dù nước này đã đe dọa sẽ áp thuế lên hàng hóa của EU như thịt lợn và rượu mạnh.
Một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc cũng đã bắt đầu mở nhà máy tại EU để né thuế quan. Ông Dombrovskis cũng cảnh báo rằng để tránh phí nhập khẩu, một phần tối thiểu của hoạt động sản xuất xe điện Trung Quốc phải diễn ra tại EU.
Theo giới quan sát, lập trường của Ủy ban châu Âu vẫn nhẹ nhàng hơn so với lập trường của Chính phủ Mỹ. Trước đó vào tháng Năm, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp mức thuế lên tới 100% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.
VTV