Nhiều ông lớn BĐS tham vọng mở rộng quỹ đất tại Tp.HCM và các tỉnh thành lân cận
Bên cạnh chi khoản tiền lớn để sở hữu quỹ đất tại khu trung tâm Tp.HCM thì các doanh nghiệp BĐS còn ưu tiên “săn” quỹ đất đẹp tại thị trường vùng ven để phát triển dự án. Theo các doanh nghiệp, đây cũng là một xu hướng tất yếu của thị trường trước bối cảnh quỹ đất khu nội đô ngày càng khan hiếm.
“Mạnh tay” thâu tóm đất vùng ven
Ở thời điểm này, nhiều doanh nghiệp địa ốc ưu tiên săn quỹ đất để phát triển dự án tại các tỉnh thành lân cận Tp.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Bình Phước….
Theo thông tin từ Thuduc House (TDH), đơn vị này dự kiến dành 1.000 - 1.500 tỷ đồng để mở rộng quỹ đất ở địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành khác. Trong đó, chú trọng phát triển các dự án văn phòng, căn hộ dịch vụ tại các quận trung tâm TP.HCM. Bên cạnh đấy, doanh nghiệp này đang tiến hành thâu tóm đất ở Quảng Ngãi, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ… Dự kiến trong năm 2019, Thủ Đức House sẽ đầu tư khoảng 1.200 tỷ đồng cho phát triển, trong đó dự kiến giành 500 tỷ đồng để tiếp tục tìm kiếm và mở rộng quỹ đất, 700 tỷ đồng đền bù cho khu đất mới tại Cần Thơ.
Từ ông lớn trong làng BĐS đến các DN có quy mô vừa và nhỏ đều tìm đến thị trường tỉnh lân cận để tìm quỹ đất phát triển dự án
Tương tự, Tập đoàn Novaland tiếp tục tìm kiếm quỹ đất tại Tp.HCM và các tỉnh thành lân cận. Hiện đơn vị này sở hữu quỹ đất 2.700ha, trong đó nhóm bất động sản nhà ở chiếm khoảng 25%, nhóm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng chiếm khoảng 75%. Theo tập đoàn này, kế hoạch kinh doanh ở giai đoạn tới sẽ tiếp tục mở rộng quỹ đất ra các tỉnh lân cận, nơi có tiềm năng về du lịch biển để phát triển dòng sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng. Dự kiến năm 2019, đơn vị này sẽ giới thiệu khoảng 4.500 sản phẩm căn hộ, nhà phố, biệt thự…ra thị trường.
Bên cạnh đấy, các doanh nghiệp BĐS như Nam Long, Hưng Thịnh, Phú Long, DRH, LDG, Cát Tường, Phú Đông Group, Yeshouse….cũng cho hay năm 2019 và các năm tiếp theo sẽ ưu tiên săn quỹ đất tỉnh lân cận để phát triển dự án. Các thị trường quen thuộc như Bình Dương, Đồng Nai, Phan Thiết, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Quốc, Cam Ranh, Cần Thơ…tiếp tục là đích ngắm của những doanh nghiệp này.
Xu hướng tất yếu
Việc tìm kiếm và phát triển các quỹ đất lớn không chỉ nằm trong chiến lược lâu dài của doanh nghiệp địa ốc mà ở thời điểm này, đây đang trở thành một xu hướng tất yếu của thị trường trước bối cảnh quỹ đất trung tâm TP khan hiếm.
Đại diện một số doanh nghiệp BĐS cho hay, năm 2019 sẽ là năm bùng nổ phát triển BĐS ở các thị trường tỉnh lân cận Tp.HCM. Ngoài các thị trường quen thuộc lâu nay thì xu hướng tìm kiếm quỹ đất ở các vùng đất “xa xôi”, “mới mẻ” cũng được doanh nghiệp BĐS chú trọng. Rất nhiều doanh nghiệp tìm đến thị trường Phan Thiết, Cam Ranh, Quy Nhơn hay Quảng Ngãi để làm dự án. Đây là những thị trường chưa được khai phá trước đó, mở ra tiềm năng lớn cho những doanh nghiệp có nguồn lực tài chính tốt.
"Đánh bắt xa bờ" trở thành xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp địa ốc
Theo các doanh nghiệp, việc tăng cường tìm kiếm quỹ đất tỉnh lân cận cũng là cách để chuẩn bị nguồn cung mới cho thị trường trước thực tế sản phẩm đưa ra thị trường ngày càng ít đi. Theo dự báo, trong giai đoạn sắp tới, sản phẩm BĐS sẽ đa dạng hơn, bên cạnh phân khúc nhà chung cư thì BĐS nghỉ dưỡng (biệt thự, nhà phố biển, condotel….) sẽ có xu hướng nở rộ trên thị trường. Hoạt động đầu tư vì thế cũng được dự báo gia tăng.
Theo ghi nhận, xu hướng doanh nghiệp địa ốc dịch chuyển về vùng ven, tỉnh lân cận để săn quỹ đất đã gia tăng từ năm 2017 - 2018, nhưng theo các chuyên gia, xu hướng này thực sự bùng nổ mạnh mẽ nhất vào năm 2019. Trước bối cảnh sở hữu quỹ đất khu trung tâm Tp.HCM khó khăn, từ cuối năm 2018 đến đầu 2019, hàng loạt doanh nghiệp BĐS, từ “ông lớn” đến các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ đều “đánh bắt xa bờ” với việc “manh nha” hàng loạt dự án quy mô, dự sẽ giới thiệu thị trường ở giai đoạn quý 3/2019 trở đi.
Tuy nhiên, việc công bố chính thức dự án mới ra thị trường của các doanh nghiệp địa ốc ở giai đoạn này còn khá “nhỏ giọt”. Dù nhiều doanh nghiệp “tiết lộ” đã có quỹ đất sẵn nhưng những khó khăn về đền bù giải tỏa, pháp lý vẫn là những băn khoăn khiến họ chưa mạnh dạn công bố cụ thể thời điểm bung dự án ra thị trường.
Trí Thức Trẻ