MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều 'ông lớn' ngân hàng chuẩn bị chia cổ tức, tăng vốn khủng

13-07-2024 - 08:00 AM | Tài chính - ngân hàng

Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ có nhiều ngân hàng thực hiện trả cổ tức ở mức cao cho cổ đông. Qua đó, khẳng định uy tín với cổ đông và củng cố vững chắc nền tảng vốn phục vụ hoạt động kinh doanh.

Nhiều 'ông lớn' ngân hàng chuẩn bị chia cổ tức, tăng vốn khủng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank – HoSE: HDB) mới đây đã công bố Nghị quyết của Hội đồng Quản trị về việc triển khai chia cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 30%, bao gồm 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Với tỷ lệ trên, HDBank là một trong những ngân hàng có mức chi trả cổ tức cao nhất trong năm 2024.

Theo tài liệu được công bố, ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt là 15/7/2024 và ngày giao dịch không hưởng quyền là 12/7/2024. Ngày thanh toán cổ tức dự kiến là 31/7/2024. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ nhận được 1.000 đồng cho mỗi cổ phiếu.

Với hơn 2,9 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, HDBank dự kiến sẽ chi hơn 2.900 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Đồng thời, HDBank cũng đang triển khai kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu theo nghị quyết được Đại hội đồng cổ đông thông qua với tỷ lệ 20%. Theo đó, cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ phân phối 100:20 (sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 20 cổ phiếu mới). Thời điểm chốt danh sách cổ đông sẽ được công bố sau khi có chấp thuận của các cơ quan chức năng, dự kiến vào quý 3/2024.

Sau khi phát hành cổ phiếu trả cổ tức, vốn điều lệ HDBank sẽ tăng thêm tối đa 5.825 tỷ đồng lên hơn 35.900 tỷ đồng. Qua đó giúp HDBank tiếp tục nằm trong nhóm các ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống, các chỉ tiêu an toàn được đảm bảo và hiệu quả hoạt động cao.

Trong những năm qua, HDBank luôn dẫn đầu thị trường về mức cổ tức chia cổ tức cho cổ đông. Tiếp nối truyền thống trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao trong ngành, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, ngân hàng này đã công bố kế hoạch chia cổ tức dự kiến thực hiện trong năm 2025 với tỷ lệ lên tới 30%, gồm tối đa 15% bằng tiền mặt.

Cùng với HDBank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng đã thông báo ngày 19/7 là thời điểm chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%. Thời gian chi trả cổ tức dự kiến là ngày 6/8. Với gần 3,7 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, SHB dự kiến sẽ chi hơn 1.800 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông.

Bên cạnh đó, SHB còn có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 11%, dự kiến nâng vốn điều lệ lên 40.658 tỷ đồng. Ngân hàng cũng đang hoàn thiện hồ sơ trình cơ quan quản lý, thực hiện các thủ tục chuẩn bị triển khai phát hành trả cổ tức 2023 bằng cổ phiếu tỷ lệ 11% trong quý III/2024.

Bên cạnh hai ngân hàng trên, nhiều "ông lớn" khác trong ngành cũng có kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn trong thời gian tới.

Tại báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã cập nhật tiến độ tăng vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.

Trong đó, đối với Vietcombank, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang tổ chức lấy ý kiến các Bộ liên quan về Dự thảo Tờ trình Chính phủ và dự thảo Tờ trình Quốc hội về đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Vietcombank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại lũy kế đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021 (20.695 tỷ đồng).

Tại VietinBank, NHNN cũng đang lấy ý kiến cho Dự thảo Tờ trình Thủ tướng Chính phủ và dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư bổ sung vốn nhà nước vào VietinBank thông qua chi trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận còn lại giai đoạn 2009 - 2016 và năm 2021 (7.948 tỷ đồng).

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Chủ tịch VietinBank Trần Minh Bình cũng cho biết, ngân hàng này đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 (11.678 tỷ đồng) để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Với BIDV, Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024 đã thông qua phương án phát hành thêm gần 1,2 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022, tương ứng tỷ lệ 21% số cổ phiếu đang lưu hành vào cuối năm 2023. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 - 2025. HĐQT BIDV sẽ quyết định thời gian cụ thể sau khi có được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.

Kim Ngân

An ninh Tiền tệ

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên