Nhiều quán ăn ở TP.HCM tính chuyện tăng giá vì hết ngưỡng chịu đựng
Không chỉ các loại nguyên liệu như rau củ, dầu ăn, gia vị đều tăng giá, mà giá xăng dầu liên tục “lập đỉnh” trong thời gian qua khiến nhiều hàng quán tại TP.HCM đã phải tính đến chuyện tăng giá bán vì hết ngưỡng chịu đựng.
- 06-05-2022Vụ 22 người ăn hải sản hết 42 triệu đồng: Nhà hàng giảm 90% khách, nhiều chủ quán nói giá “quá chát”
- 28-03-2022Khách ăn hết 2,3 triệu đồng nhưng bị tính thành 3,3 triệu đồng: Chủ quán hải sản nổi tiếng ở Đà Nẵng nói gì?
- 04-03-2022Gas tăng, xăng tăng, quán ăn vỉa hè ở Sài Gòn vẫn không dám làm điều này vì "sợ mất khách"
Chật vật giữ chân khách hàng
Anh Nguyễn Hoàng Anh – chủ quán Bún bò Công Lý (quận 3, TP.HCM) thừa nhận, suốt 10 năm kinh doanh chưa khi nào anh lại cảm thấy áp lực như thời điểm này khi mỗi lần đi chợ mua nguyên liệu về chế biến đều phải tính toán, chi li từng chút một. Bởi lẽ, can dầu ăn 5 lít trước 110.000 đồng thì nay lên 215.000 đồng; bó hành trước mua 25.000 đồng/kg thì nay 50.000 đồng/kg. Rồi tiêu, tỏi, bột ngọt…cái gì cũng tăng theo giá xăng dầu.
“Ở thời điểm này, tôi quyết định giảm bớt lợi nhuận để giữ giá bán vì nếu tăng giá rất có thể lượng khách sẽ giảm đi do người dân đều có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong mùa “bão giá”. Nhưng nếu giá nguyên liệu đầu vào tăng cao quá thì tôi buộc phải tăng giá bán vì không thể gồng gánh mãi được", anh Hoàng Anh nói.
Nhiều chủ quán phải đau đầu vì lựa chọn tiếp tục gồng gánh, giảm bớt lợi nhuận hay tăng giá món ăn với nỗi lo mất khách.
Trong khi đó, anh Phan Quốc Huy – chủ quán bún nem nướng (quận 7, TP.HCM) cho biết, giá gas, giá xăng tăng cao trong thời gian qua đã ảnh hưởng trầm trọng đến chi phí của quán nên đang cân nhắc tới việc điều chỉnh giá bán.
"Trước đây, tôi mua mỗi bình gas loại 12kg chưa tới 400.000 đồng thì nay phải mua với giá gần 500.000 đồng/bình, mỗi bình gas này đã tăng thêm khoảng 100.000 đồng. Đó là chưa kể, giá rau xà lách cũng tăng gấp đôi, từ 15.000 đồng/kg nay cũng lên 30.000-35.000 đồng/kg", anh Huy tính toán.
Theo anh Huy, hiện mỗi phần bún nem nướng có giá 65.000 đồng/suất, nếu tăng lên sẽ có giá là 70.000 đồng/suất. "Đây là phương án mà tôi phải tính đến khi chi phí đầu vào đã tăng lên 60% trong 3 tháng qua. Tôi rất muốn giữ giá để giữ khách nhưng chi phí đầu vào vẫn cứ tiếp tục tăng cao thì buộc tôi phải tăng giá bán để tránh lỗ vốn", anh Huy cho hay.
Có thể thấy, việc giá xăng dầu liên tục “lập đỉnh” kỷ lục, kéo theo giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường tăng theo đang ảnh hưởng rất lớn đến người tiêu dùng và các hộ kinh doanh. Nhiều chủ quán phải đau đầu vì lựa chọn tiếp tục gồng gánh, giảm bớt lợi nhuận hay tăng giá món ăn với nỗi lo mất khách.
Nhiều mặt hàng thực phẩm cũng "đội giá"
Xăng dầu tăng giá cũng kéo theo các mặt hàng khác như thực phẩm, rau xanh cũng rục rịch tăng giá. Khảo sát của PV Tiền Phong tại các chợ dân sinh trong ngày 4/6 như chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10), chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Bình Thới (quận 11),…giá các mặt hàng rau củ đang có chiều hướng tăng mạnh. Ví dụ: bắp cải, xà lách cuộn, cà rốt... tăng từ 3.000-5.000 đồng/kg, khoai tây tăng 5.000 đồng/kg…
Người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu trong mùa "bão giá". Ảnh: Hoàng Trang. |
Suốt hơn 3 tháng qua, chị Đức Huê, chủ sạp tạp hóa tại chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10, TP.HCM) đã phải giảm số lượng hàng hóa nhập về đáng kể do sức mua của người dân không còn được như trước.
Theo chị Huê, nếu như trước đây khi giá xăng dầu chưa có sự điều chỉnh theo hướng tăng lên, một chai dầu ăn loại 1 lít chỉ có giá là 45.000 đồng thì hiện nay đã bán với giá 67.000 đồng/lít. Trứng gà loại vừa chỉ 28.000 đồng/chục, thì hiện chị đã bán với 35.000 đồng/chục; trứng vịt 38.000 đồng/chục.
"Nếu như trước đây, cứ mỗi tuần là tôi sẽ nhập thêm các mặt hàng như dầu ăn, gia vị, mì gói,…là mỗi loại một thùng thì bây giờ 2, 3 tuần mới dám nhập thêm vì lượng khách giảm một nửa so với trước. Để có thể giữ chân khách hàng trong giai đoạn khó khăn này tôi quyết định giảm bớt lợi nhuận, nếu như trước đây lãi 2 đồng thì nay chấp nhận lãi 1 đồng, miễn là giữ được chân khách hàng", chị Huê nói.
Theo lý giải của các tiểu thương, việc tăng giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm như hiện nay là do giá xăng, dầu tăng mạnh, khiến chi phí đầu vào tăng, đặc biệt là phí vận chuyển.
Theo Cục Thống kê TP.HCM, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,22% so với tháng trước; chỉ có 2/11 nhóm giảm là nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; các nhóm còn lại đều tăng so với tháng trước, mức tăng cao nhất là nhóm giao thông (+2,2%).
Đơn cử, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống: chỉ số giá tăng 0,03%. Trong đó, nhóm lương thực tăng 1,29% với giá gạo tăng cao là 1,75%.
Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt, vật liệu xây dựng: chỉ số giá tăng 0,003%, trong đó, tăng cao nhất là điện sinh hoạt tăng 1,73%.
Nhóm giao thông: chỉ số giá tăng 2,2% với nhóm nhiên liệu tăng 5,09% sau 3 lần điều chỉnh giá bán xăng trong tháng 5.
Tiền phong