Nhiều rào cản khi vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng khác
Dù mức lãi suất cho vay đã giảm còn từ 5,6%/năm nhưng khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu đảo nợ cũng không dễ thực hiện do vướng khoản lãi phạt cao và thủ tục cho vay không hề đơn giản.
- 09-09-2023Vay ngân hàng trả nợ ngân hàng - Kỳ vọng về một làn sóng hạ lãi vay
- 08-09-2023Vay ngân hàng để “đảo nợ”, khách hàng cần lưu ý gì?
- 07-09-2023Khách thờ ơ không muốn vay, ngân hàng 'đau đầu' vì thừa tiền
Ngay sau khi Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ ngày 1/9, nhiều ngân hàng thông báo sẽ cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác với lãi suất thấp chỉ từ 6%/năm thu hút được sự quan tâm của nhiều người dân và doanh nghiệp. Việc cho đảo nợ bằng cách vay vốn lãi suất thấp ở ngân hàng khác để trả nợ vay trước đó được đánh giá cao do nhiều khách hàng đang phải chịu mức lãi suất vay từ 12-17%/năm.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trước đây, nếu muốn đảo nợ, khách hàng phải sử dụng một tài sản khác để thế chấp vay từ ngân hàng này, trước khi trả nợ và rút tài sản đảm bảo ở khoản vay cũ.
Nhưng từ 1/9, các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Theo đó, k hách hàng có thể dùng chính tài sản đảm bảo đang thế chấp tại ngân hàng khác hoặc tiền gửi, bất động sản của khách hàng hoặc người thân, đồng thời sử dụng nguồn trả nợ linh hoạt thông qua tài sản khách hàng sở hữu. Đặc biệt, quy định này không chỉ giới hạn cho khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh mà còn cho cả khoản vay phục vụ nhu cầu đời sống, trong đó có cả vay mua nhà, mua xe.
VietinBank đưa ra mức lãi suất cho vay thấp hơn cả huy động chỉ từ 5,6%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (vay mua nhà, mua xe…).
Vietcombank áp dụng mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Còn BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm với các khoản vay trung dài hạn (từ 12 tháng trở lên) và mức cho vay 100% dư nợ gốc còn lại.
Sau khi 3 "ông lớn" trong nhóm Big4 tung ra chương trình ưu đãi, một số ngân hàng cổ phần đã công bố mức lãi suất hấp dẫn để thu hút người đi vay đáo hạn khoản nợ cũ.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng.
Techcombank cũng tung chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm.
Sau khi đọc thông tin, chị Minh Hằng (Hoài Đức, Hà Nội) dành thời gian đi tìm hiểu trực tiếp các ngân hàng đang có mức lãi suất cho vay ưu đãi tốt nhất để trả nợ ngân hàng khác. Càng tìm hiểu, chị Hằng mới nhận ra: Để làm được theo phương án của ngân hàng đưa ra, hầu hết các khách hàng sẽ không đáp ứng được điều kiện.
Chị Hằng chia sẻ, cuối năm 2022, vợ chồng chị mua căn nhà đất diện tích 35m2 với giá 2,5 tỷ đồng. Ở thời điểm mua, phía ngân hàng giải ngân song song với người bán. Tổng số tiền chị Hằng vay ngân hàng 1 tỷ đồng, l ãi suất 13%/năm. Thời gian vay 25 năm. Hiện tại, mỗi tháng vợ chồng chị Hằng phải trả ngân hàng 14 triệu đồng cả gốc cả lãi.
Khi đặt vấn đề đáo hạn, ngân hàng đưa ra mức lãi suất 8% trong vòng 2 năm đầu để trả ngân hàng cũ, chị Hằng chia sẻ: “Ngân hàng tư vấn vợ chồng tôi chủ động vay khoản tiền 1 tỷ đồng ở bên ngoài tự rút sổ và đăng ký như một khoản vay mới tại ngân hàng này. Phương án thứ 2, chúng tôi có thể thế chấp một tài sản khác như lô đất để lấy khoản tiền dùng cho mục đích trả nợ ngân hàng cũ. Cả 2 phương án chúng tôi không thể đáp ứng do không thể vay đâu được 1 tỷ đồng để trả ngân hàng cũ. Chúng tôi cũng không còn tài sản nào khác để thế chấp nữa”.
Chưa kể, phía ngân hàng phải thẩm định hồ sơ từ đầu và vợ chồng chị Hằng vừa mất phí phạt lãi ngân hàng cũ vừa phải chịu phí hồ sơ ngân hàng mới.
Trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách cho vay trả nợ ngân hàng khác mới phát hành, Công ty chứng khoán ACBS cho rằng, phần lớn các khoản cấp tín dụng có giá trị lớn cho khách hàng cá nhân đều yêu cầu tài sản đảm bảo. Do đó, khách hàng vẫn cần phải tất toán trước hạn khoản vay cũ để có thể rút tài sản đảm bảo tại ngân hàng cũ và sử dụng làm tài sản đảm bảo để vay tại ngân hàng mới.
"Thông thường các ngân hàng sẽ áp dụng phí phạt từ 1-3% đối với các khách hàng tất toán khoản vay trước hạn trong 1-5 năm đầu. Điều này sẽ làm tăng chi phí chuyển đổi đối với các khách hàng muốn vay ở ngân hàng mới trả nợ trước hạn tại ngân hàng cũ. Bên cạnh đó, khoản vay mới thông thường sẽ phải kèm theo hợp đồng bảo hiểm mới và góp phần làm tăng thêm chi phí đối với khách hàng", báo cáo nêu.
Chuyên gia ngành ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, với chính sách này, lãi suất cho vay có thể giảm nhưng không đáng kể. Khách hàng cũng không dễ dàng đảo nợ vì thủ tục và điều kiện để giải ngân khoản vay mới không hẳn dễ dàng.
Ngân hàng cho vay để trả nợ sẽ đánh giá rất chặt chẽ các điều kiện của khách hàng. Mặt khác, các ngân hàng cũng đều chủ động tìm cách hạ lãi vay để giữ chân khách hàng hiện hữu trước khi mở rộng thêm khoản vay mới, khách hàng mới.
Tiền Phong