Nhiều sản phẩm rau củ không đạt tiêu chuẩn vẫn dán tem VietGAP, GlobalGAP
Ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra đột xuất, xử phạt thật mạnh, nhằm loại bỏ những doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm.
Hôm nay (3/12), Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức Hội nghị sơ kết công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn giữa TP.HCM và các tỉnh, giai đoạn 2021-2025.
Thực hiện việc phối hợp và kết nối tiêu thụ, đã có 586 cơ sở của các tỉnh tham gia Đề án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại TP.HCM với 736 giấy chứng nhận, cung cấp vào bếp ăn trường học, nhà hàng, khách sạn… hệ thống kinh doanh hiện đại và mở rộng đến chợ đầu mối, chợ truyền thống. Mặc dù chất lượng, độ an toàn của các sản phẩm nông lâm thủy sản đã được cải thiện đáng kể, song không ổn định; tỷ trọng sản phẩm có khả năng truy xuất, minh bạch nguồn gốc xuất xứ còn thấp. Đáng nói, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc đã được các cơ quan truyền thông phản ánh trong thời gian qua gây bức xúc cho người tiêu dùng (sản phẩm không đạt VietGAP nhưng lại dán nhãn VietGAP, tình trạng phát hiện mẫu không đạt chỉ tiêu an toàn thực phẩm).
Có 586 cơ sở tham gia đề án chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn tại TP.HCM, phân phối vào trường học, nhà hàng siêu thị (Ảnh: Kim Dung)
Tại hội nghị, một số doanh nghiệp, nông dân kinh doanh rau củ theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP cho rằng, hiện nay, tình trạng gian lận thương mại của nhiều đơn vị khiến chính người tiêu dùng phải “hứng chịu” hậu quả. Vì vậy, ngành chức năng phải tăng cường kiểm tra đột xuất, xử phạt thật mạnh, nhằm loại bỏ những doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm. Từ đó, các sản phẩm của những nông dân làm thật, đảm bảo an toàn được vào chuỗi siêu thị. Các doanh nghiệp, nhà vườn cũng đề xuất cần tăng cường phổ biến thông tin về các tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, HACCP… để người dân hiểu vì sao các sản phẩm này có sự chênh lệch về giá.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Kim Dung)
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho rằng, thực tế, nhiều người dân cũng biết hàng trôi nổi không an toàn song thu nhập còn thấp khiến họ ưu tiên chọn thực phẩm giá rẻ.
“Chúng ta phải làm sao tăng được nguồn thực phẩm sạch để sử dụng. Chính vì vậy chúng ta có đề án chuỗi thực phẩm an toàn. Chúng tôi đã xác định công việc phải như thế nào. Đầu tiên là phải khuyến khích tất cả các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia vào chuỗi thực phẩm an toàn này”, bà Phạm Khánh Phong Lan cho biết./.
VOV