MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều thuận lợi cho hoạt động thu hút đầu tư từ các FTA mới

Các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đang tạo ra động lực mới cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Toàn (ảnh) - Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo Hải quan liên quan đến các nội dung này.

Xin ông cho biết nhận định về tác động của các FTA thế hệ mới, cụ thể là EVFTA và CPTPP vào hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam?

Hầu hết các FTA đều tạo ra sức hút nhất định cho hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đặc biệt, với CPTPP và EVFTA sẽ có tác động khá mạnh, vì các DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam thì hàng hóa sẽ đáp ứng được yêu cầu xuất xứ không chỉ để xuất khẩu đi các nước ASEAN, mà còn sang các nước CPTTP và 27 nước thành viên của liên minh châu Âu và các quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam đã và đang mở rộng quan hệ thương mại và đầu tư.

Đáng chú ý với việc ký kết hai Hiệp định nêu trên, hoạt động đầu tư từ các nước thành viên sẽ có sự tăng trưởng đáng kể do có nhiều thuận lợi. Cụ thể, với các cam kết song phương giữa liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam vừa được thông qua cuối tháng 6 vừa qua không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam trong hoạt động xuất khẩu với 86% dòng thuế chiếm 75% kim ngạch hàng hóa XK của Việt Nam vào EU được giảm thuế xuất xuống 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, mà Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam- EU (EVIPA) cũng hứa hẹn mang đến rất nhiều thuận lợi cho các dòng vốn đầu tư từ EU vào Việt Nam. 

Bởi vì, thời gian qua hoạt động đầu tư của các DN châu Âu vào Việt Nam còn khá dè dặt: Lũy kế đến cuối 2018, trong hơn 30 năm, 28 nước trong EU đầu tư vào Việt Nam 25 tỷ USD, con số tương tự của Hàn Quốc là 62 tỷ USD, của Nhật Bản là 57 tỷ USD. Trong khi đó một năm Đức đầu tư ra nước ngoài khoảng 60 tỷ USD, Pháp khoảng 50 tỷ USD.

Có thể nói đầu tư của EU và Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng và dư địa. Bên cạnh đó, hoạt động thu hút đầu tư của Việt Nam từ EU cũng có nhiều thuận lợi do Việt Nam có nhiều dự án liên quan đến thế mạnh của EU đặc biệt về lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến chế tạo, dịch vụ tài chính ngân hàng, khám chữa bệnh, logistics...

Thời gian qua hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam gần như giẫm chân tại chỗ, không phát triển được; từ 2% cách đây 30 năm, nay chỉ còn khoảng 1% tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào ngành nông nghiệp có năm chưa đạt tới 100 triệu USD. 

Với lợi thế từ các cam kết ưu đãi đầu tư đã ký kết với EU, ngành nông nghiệp dự báo sẽ thu hút được hoạt động đầu tư của EU nếu có chính sách thỏa đáng. Nguồn vốn đầu tư của EU cũng phù hợp với định hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0. Việt Nam có lợi thế phát triển công nghiệp 4.0 nhờ hạ tầng công nghệ thông tin phát triển tốt so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ sử dụng smartphone cao hợp với xu hướng chia sẻ thông tin, kết nối dữ liệu lớn của cách mạng 4.0, nguồn nhân lực có nhiều tiềm năng và hệ thống đào tạo đang chuyển đổi đúng hướng. 

Bên cạnh đó là quyết tâm của Chính phủ cũng đang tạo ra động lực để phát triển công nghệ 4.0. Các đặc điểm trên cho thấy hoạt động đầu tư giữa Việt Nam và EU mang tính bổ trợ, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

Có nhiều ý kiến cho rằng, EVFTA và CPTPP đang tạo ra động lực làm dịch chuyển dòng vốn đầu tư nước ngoài về Việt Nam, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Điều này là đúng. Vì trên thực tế cũng đã có sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư của các DN nước ngoài từ một số nước khu vực sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á, điển hình là từ Trung Quốc. Sự dịch chuyển này ngoài nguyên nhân các chính sách đầu tư và chi phí lao động không còn đủ cạnh tranh, và các nhà đầu tư cảm thấy bất an về chính trị, còn có nguyên nhân từ sức hút hội nhập sâu rộng của Việt Nam, đặc biệt là việc CPTPP có hiệu lực và EVFTA vừa được thông qua đã tạo ra lợi thế cho Việt Nam trong việc thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có tận dụng được lợi thế từ các dòng vốn đầu tư FDI?

Việc xem xét hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ dựa trên số lượng nguồn vốn đăng ký mà phải nhìn vào nguồn vốn giải ngân cũng như hiệu quả của dòng vốn đầu tư đem lại liên quan đến giá trị gia tăng, sử dụng lao động, và sức lan tỏa từ hoạt động đầu tư nước ngoài đến các DN trong nước. 

Vấn đề đặt ra hiện nay là Việt Nam đã sẵn sàng tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư nước ngoài hay chưa. Vì nếu chưa sẵn sàng thì không chỉ không tận dụng được lợi thế của các dòng vốn đầu tư mà còn phải đối mặt với nhiều áp lực về sức ép cạnh tranh với các DN, các thương hiệu trong nước. 

Do vậy, để có thể tận dụng tốt các nguồn vốn đầu tư nước ngoài, trước hết phải tăng cường đội ngũ nhân lực đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, và các nhà đầu tư có thể sử dụng lao động tại chỗ và Việt Nam cũng có một nguồn lao động chất lượng cao. Bên cạnh đó cần phát triển các DN tập đoàn lớn đủ sức bắt tay với các nhà đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, nhiều DN lớn của Việt Nam đã tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, hàng không, chế tạo ô tô... cần có chính sách phù hợp phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân làm đối trọng với các nhà đầu tư nước ngoài, qua đó xây dựng được các thương hiệu quốc gia đủ sức vươn ra quốc tế. Đồng thời cần phát triển mạnh mẽ các DN nhỏ và vừa tham gia chuỗi giá trị hàng hóa của các DN FDI và các tập đoàn kinh tế Việt Nam. 

Việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu vùng và thương hiệu quốc gia sẽ tạo nên động lực phát triển của Việt Nam. Cải cách thể chế, thay đổi về tư duy quản lý hành chính, đơn giản thủ tục, nâng cao năng lực đạo đức cán bộ công chức, đề cao quản trị minh bạch, cắt giảm chi phí không chính thức cũng như các quy định về xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ... đang là quyết tâm lớn của Chính phủ kiến tạo

Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài gần đây cho thấy đang có sự tăng trưởng mạnh các nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Điều này đang gây nhiều lo ngại cho các cơ quan quản lý nhà nước và nhiều địa phương về tính bền vững trong hoạt động thu hút đầu tư. Ông nghĩ thế nào về vấn đề này?

Trong hai năm trở lại đây hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài ghi nhận sự tăng trưởng mạnh các nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc. Nếu như những năm trước đây Trung Quốc giữ vị trí thứ 10 thì năm 2019 Trung Quốc đã vượt lên vị trị thứ 4, thứ 5 về đầu tư vào Việt Nam. Trước tình hình này, các địa phương cần có sự chọn lọc, kiểm soát kỹ trong thu hút đầu tư. Chỉ khuyến khích các dự án đầu tư thân thiện với môi trường, công nghệ tốt sử dụng lao động và tài nguyên, năng lượng hợp lý, không ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển bền vững, dù các nhà đầu tư đến từ quốc gia, vùng lãnh thổ nào. 

Hiện nay, nhiều địa phương không cởi mở với các nhà đầu tư Trung Quốc, tuy nhiên cũng cần xem xét từng dự án cụ thể để tránh gây khó khăn cho các nhà đầu tư chân chính. Về phía Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khi tiếp xúc với các nhà đầu tư Trung Quốc, Hiệp hội cũng đề nghị các nhà đầu tư phải đảm bảo các yêu cầu về môi trường, công nghệ và sử dụng lao động trong các dự án đầu tư tại Việt Nam để lấy lại hình ảnh thân thiện hơn trong mắt người Việt Nam...

Xin cảm ơn ông!

Ông Marko Walde, Trưởng đại diện Phòng thương mại và công nghiệp Đức tại Việt Nam:

Nguồn đầu tư trực tiếp từ EU vào Việt Nam sẽ tăng lên. Điển hình với Đức, theo khảo sát của Phòng thương mại Đức tại Việt Nam thì có tới 55% DN Đức đang hoạt động tại Việt Nam muốn mở rộng kinh doanh.

Ông Tamotsu Majima, Giám đốc cấp cao, RECOF Corporation:

Lượng giao dịch giữa DN Nhật vào Việt Nam đã đạt kỷ lục. Nếu như 4 năm qua có khoảng 20 - 25 giao dịch, thì đến tháng 7/2019 đã có 21 giao dịch. Các công ty Nhật ngày càng quan tâm đến Việt Nam, đặc biệt là sản xuất và dịch vụ.

Ông Stefano Pelegrino thành viên tiểu ban pháp luật Eurocham:

EVFTA vừa được ký kết cũng như các FTA song phương khác mà Việt Nam đã kí kết với các các quốc gia châu Âu trước đây sẽ làm gia tăng thêm nhiều hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa các nhà đầu tư nước ngoài và DN Việt Nam. Điều này sẽ đem lại nhiều lợi thế cho các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, công nghệ bán dẫn, xử lý nước và chất thải, các lĩnh vực mà công nghệ châu Âu có uy tín cao. Trong năm 2019, hoạt động đầu tư nước ngoài dự kiến sẽ tăng nhanh do nhiều nhà đầu tư tìm cách vào thị trường Việt Nam để có tận dụng toàn bộ các lợi ích của các FTA sắp có hiệu lực.

Theo Nguyễn Huế (thực hiện)

Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên