MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều thuốc hiếm chỉ 3.500 đồng/lọ nhưng vẫn khó mua

18-09-2023 - 20:28 PM | Thị trường

Phần lớn các bệnh hiếm có chi phí điều trị tốn kém, ít các phương pháp điều trị. Cần xây dựng chính sách thuốc hiếm nhằm tăng tiếp cận thuốc

Ngày 18-9, tại hội thảo tham vấn về nguyên tắc, tiêu chí xây dựng danh mục thuốc BHYT đối với một số nhóm thuốc đặc thù là thuốc hiếm, thuốc phối hợp…, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, cho biết không chỉ những loại thuốc hiếm rất đắt tiền mới khó mua mà nhiều loại thuốc hiếm rẻ tiền cũng rất khó mua hoặc không mua được.

Nhiều thuốc hiếm chỉ 3.500 đồng/lọ nhưng vẫn khó mua - Ảnh 1.

Thuốc giải độc được sử dụng cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum là một trong những thuốc hiếm

"Đơn cử, như thuốc tiêm điều trị bệnh sốt mò do Rickettsia là Chloramphenicol (dạng tiêm) chỉ có giá 3.500 đồng/ống, nhưng bệnh viện không thể nào mua được vì các đơn vị nhập khẩu không nhập về do giá thành quá thấp, lợi nhuận thấp. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng loại thuốc này không nhiều, một năm có khi 1-2 bệnh nhân, đó là các trường hợp nhiễm khuẩn nặng mà thuốc dùng đường uống không có tác dụng" - bác sĩ Cấp nói.

Ngoài ra, cũng theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, một số loại thuốc khác cũng thuộc nhóm thuốc hiếm là Minocycline (điều trị viêm phổi) và Nitrofurantoin (điều trị bệnh tiết niệu) dạng tiêm chỉ có giá vài chục ngàn đồng/liệu trình điều trị nhưng vẫn không thể mua được. Bác sĩ Cấp cho rằng cần có cơ chế đặc thù trong việc mua sắm, dự trữ đối với một số loại thuốc hiếm có giá thành thấp để đảm bảo việc điều trị cho người bệnh trong trường hợp cần thiết.

Bà Trần Thị Trang, quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế - Bộ Y tế, cho biết việc cập nhật danh mục như thế nào, chi trả một số thuốc đặc thù, hiếm, thuốc dạng phối hợp như thế nào là một trong những nội dung cần quan tâm đánh giá để đưa ra nguyên tắc, tiêu chí, đảm bảo khoa học thực tiễn.

Bộ Y tế đang nghiên cứu đề xuất đa dạng nguồn kinh phí BHYT, kể cả xã hội hóa, nhằm cố gắng mở rộng tối đa quyền lợi cho người tham gia BHYT, bổ sung thêm các phương pháp thanh toán…

"Cái khó của chúng ta khi xây dựng danh mục thuốc và phạm vi chi trả là mức đóng chưa cao nhưng phạm vi chi trả đã có nhiều ưu việt. Người bệnh muốn phạm vi tốt nhất, thầy thuốc, nhân viên y tế cũng luôn muốn quyền lợi tốt nhất cho người bệnh nhưng quỹ chỉ có hạn. Vì thế cần đảm bảo cân đối quỹ, có nguồn lực để chi tối đa quyền lợi cho người bệnh" - bà Trang nói.

Nhiều thuốc hiếm chỉ 3.500 đồng/lọ nhưng vẫn khó mua - Ảnh 3.

Các chuyên gia y tế đề xuất mở rộng chi trả của quỹ BHYT với các thuốc hiếm

Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương, Phó Viện trưởng Viện chiến lược và chính sách y tế - Bộ Y tế, cho biết toàn cầu ước tính có khoảng 300 triệu người mắc bệnh hiếm, chiếm 4% dân số thế giới, với khoảng 7.000 bệnh. Khoảng 50% các trường hợp mắc bệnh hiếm là trẻ em. Đây là bệnh có chi phí điều trị tốn kém, ít các phương pháp điều trị. 

Theo bà Phương, Việt Nam hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật về bệnh hiếm, do đó cần xây dựng chính sách thuốc hiếm nhằm tăng tiếp cận thuốc. Thuốc hiếm có tính chất đặc biệt và cho nhóm bệnh nhân đặc biệt nên tiêu chí phê duyệt thuốc hiếm trong chương trình thanh toán của chính phủ hoặc BHYT cũng cần đặc biệt hơn so với thuốc thông thường.

"Đối với thuốc hiếm, tiêu chí đạt ngưỡng chi phí - hiệu quả không nên xem là tiêu chí bắt buộc mà chỉ coi là một trong các tiêu chí xem xét. Đồng thời, cần nghiên cứu áp dụng thí điểm cơ chế, sáng kiến tài chính mới để mở ra cơ hội tăng cường tiếp cận thuốc hiếm, chi phí cao" - bà Phương đề xuất.

Theo N.Dung

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên