MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều tín hiệu lạc quan cho kinh tế Việt Nam năm 2017

Kinh tế Mỹ và châu Âu hồi phục giúp Việt Nam tăng xuất khẩu, dòng vốn FDI được dự báo tăng sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế và việc làm, tiến trình tái cơ cấu kinh tế và cải cách thể chế thông thoáng hơn giúp cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia và tăng khả năng thu hút đầu tư...

Đây là những nhận định được đưa ra trong báo cáo Dự báo kinh tế Việt Nam & Các kênh đầu tư 2017 do TS. Đinh Thế Hiển và Nhóm phân tích đầu tư tài chính VFA thực hiện. Theo đó, nhóm này cho rằng kinh tế Việt Nam trong năm 2017 sẽ có những chuyển biến tốt hơn.

Về tốc độ tăng trưởng, nhờ vào việc Việt Nam đang cải thiện môi trường kinh doanh, đa số các tổ chức tài chính quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam 2017 tích cực hơn 2016, ngoại trừ IMF. Cụ thể, NFSC đã đưa ra mức tăng trưởng đầy lạc quan là 6,7%, còn World Bank và ngân hàng ADB dự đoán Việt Nam GDP Việt Nam đạt 6,3%, trong khi đó, IMF cho rằng Việt Nam chỉ có thể đạt 6,2%.

Nguồn: VFA Group

Nguồn: VFA Group

Tuy nhiên, các tổ chức này cho rằng Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế Trung Quốc và các thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ.

Mặt khác, trong năm 2017 cũng tồn tại những yếu tố quan ngại, ảnh hưởng đến Việt Nam như đồng USD mạnh, nhập siêu gây sức ép lên tỷ giá. Đồng NDT giảm khiến Việt Nam gặp khó khăn trong xuất khẩu và hàng Trung Quốc gia tăng xuất qua Việt Nam. Hệ thống Ngân hàng thương mại đẩy mạnh xử lý nợ, gây sức ép lên thị trường BĐS. Kinh tế Việt Nam chưa thoát được phương thức thâm dụng vốn trong đầu tư phát triển nên có thể xuất hiện cặp đôi “tăng trưởng – lạm phát”.

Còn đối với nhóm phân tích, nhóm này cho rằng trong năm 2017 tốc độ tăng trưởng sẽ tương đương 2016, GDP vào khoảng 6,2 – 6,4%. Nền kinh tế vẫn tiếp tục đối đầu với khó khăn về cân bằng ngân sách, nguồn vốn đầu tư cũng như tiêu dùng nội địa còn khó khăn.

Dù vậy, nhóm này chỉ ra rằng sẽ xuất hiện các chuyển biến tích cực về cấu trúc nền kinh tế theo hướng cải thiện môi trường kinh tế mạnh hơn, chú trọng phát triển sản xuất kinh doanh. FDI cũng sẽ tiếp tục phát triển, trừ Samsung có thể bị nhiều yếu tố hạn chế về sản phẩm và quản trị, xuất khẩu nông thuỷ sản sẽ có thuận lợi hơn, khu vực BĐS – Xây dựng sẽ bắt đầu giảm tốc và đóng băng cục bộ, các ngành sản xuất – dịch vụ nội địa sẽ đạt mức trung bình nhưng sức ép cạnh tranh thị trường tiếp tục gia tăng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, yếu nguồn lực.

Về lạm phát, báo cáo cho biết nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn năm 2016 do áp lực thúc đẩy kinh tế và bội chi ngân sách, Chính phủ có thể tăng cung tiền khiến dự kiến lạm phát sẽ rơi vào khoảng 5 – 8%.

Tỷ giá ngoại tệ 2017 sẽ tiếp tục chịu áp lực theo chiều hướng tăng khoảng 5% do nhiều yếu tố từ việc nén tỷ giá USD trong năm 2016. Cầu USD trong nước tăng mạnh và đồng USD vẫn giữ sức mạnh với việc FED đẩy nhanh tiến trình tăng lãi suất.

Tín dụng ngân hàng 2017 sẽ gặp một số khó khăn do ảnh hưởng bởi các chính sách quy định về an toàn vốn của Ngân hàng Nhà nước, cũng như đã cho vay trung hạn khá lớn vào BĐS và các lĩnh vực có liên quan. Áp lực xử lý nợ xấu cũng sẽ làm cho một số ngân hàng khó khăn về thanh khoản và đẩy lãi suất huy động. Dự kiến dù Chính phủ có tăng cung tiền thì hệ thống Ngân hàng thương mại cũng khó khăn về vốn, do vậy khả năng khó giảm lãi suất cho vay.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên