MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều tín hiệu lạc quan từ NCB

08-10-2018 - 11:15 AM | Tài chính - ngân hàng

Chỉ trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây, giá cổ phiếu của NCB đã tăng trên 40%

Là 1 trong 9 ngân hàng phải tái cơ cấu bắt buộc vào năm 2011, Navibank (nay là NCB) là một trong 2 ngân hàng đã lựa chọn phương thức tự tái cơ cấu, cùng với Tienphongbank (nay là TPBank). Trong khi đó 7 ngân hàng còn lại lựa chọn hình thức sáp nhập, bao gồm SCB-TinNghiaBank – Ficombank; Habubank nhập vào SHB; WesternBank nhập vào PVFC thành PVcomBank và GPBank bị mua lại 0 đồng.

Kể từ khi lựa chọn được nhà đầu tư mới, trong đó có ông Nguyễn Tiến Dũng đang là chủ tịch hội đồng quản trị, NCB đã có những bước đi khá táo bạo để định hình nên một ngân hàng mới có vị thế vững chắc hơn trên thị trường tài chính ngân hàng.

Đầu tiên phải kể đến đó là hình ảnh ngân hàng. Tên gọi Navibank đã được xóa đi, chỉ còn giữ lại mã chứng khoán NVB trên sàn HoSE, thay vào đó là hình ảnh mới NCB đầy sức sống của Ngân hàng Quốc dân. Nhận diện thương hiệu từ màu trắng và xanh nhạt đã được biến đổi thành màu xanh đậm làm nền cho logo trắng đỏ của ngân hàng.

Về hoạt động, NCB đã có sự bứt tốc đáng kể so với giai đoạn từ khi bắt đầu tái cơ cấu là giữa năm 2013. Tính đến thời điểm giữa năm nay, NCB đã ghi nhận tổng tài sản hơn 73.500 tỷ đồng; vốn huy động gần 45.000 tỷ; dư nợ cho vay với khách hàng gần 35.000 tỷ đồng. So với 5 năm trước, tổng tài sản đã tăng gấp hơn 3,5 lần, huy động vốn và tín dụng cao hơn 2,6 lần. Hệ thống mạng lưới của NCB cũng đã tăng từ con số 19 chi nhánh lên 24 chi nhánh và 66 điểm giao dịch phủ khắp 3 miền hiện nay. Nhân sự tăng từ 1.500 người lên trên 2.400 người.

Đáng lưu ý, kết quả kinh doanh của ngân hàng đã có những cải thiện đáng kể. Nếu như năm 2014 ngân hàng chỉ đạt tổng thu nhập từ hoạt động chưa đến 2.500 tỷ thì hết năm 2017 đã đạt trên 4.600 tỷ; lợi nhuận trước thuế tăng từ mức chưa đến 10 tỷ đồng lên con số hơn 30,7 tỷ đồng trong năm vừa rồi.

Trên thị trường, mặc dù là ngân hàng nhỏ với dư nợ tín dụng còn thấp song NCB lại đang là ngân hàng có thị phần khá cao trong mảng cho vay mua ô tô – một trong những lĩnh vực mà các ngân hàng lớn nhỏ đều đang đẩy mạnh vì lợi nhuận cao nhưng rủi ro ít.

Nhiều tín hiệu lạc quan từ NCB - Ảnh 1.

Với nhà đầu tư, hình ảnh NVB mà nay là NCB cũng đã cải thiện đáng kể. Nhà đầu tư giờ đây đã mặn mà hơn với cổ phiếu của ngân hàng này. Chỉ tính trong vòng hơn 2 tháng trở lại đây, cổ phiếu NCB đã tăng hơn 40%, hiện giao dịch ở quanh mức 9.300 đồng/cổ phiếu - một trong 2 vùng giá cao nhất trong vòng 1 năm qua. Khối lượng giao dịch các phiên đạt cao, từ 1-2 triệu cổ phiếu/phiên. Đáng chú ý, có nhiều giao dịch thỏa thuận ở cổ phiếu này đã diễn ra từ tháng 8 tới nay, trong đó có tới 2 phiên lên đến 5 triệu cổ phiếu trao tay mỗi phiên (phiên 30/8 và 15/8) – gấp 3 lần so với bình quân giao dịch.

Với những tín hiệu tích cực đang gặt hái sau 5 năm tái cơ cấu, NCB được kỳ vọng sẽ có nền tảng để đi lên mạnh hơn nữa trong thời gian tới. Kết thúc năm 2018, NCB sẽ nâng tổng tài sản lên trên 94.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng hơn 40,6 tỷ nghìn, huy động vốn khách hàng trên 63 nghìn tỷ đồng và lợi nhuận vào khoảng 35 tỷ đồng. Vốn điều lệ sau khi giữ ổn định ở mức 3.000 tỷ đồng, cũng sẽ nâng lên mức 5.000 tỷ trong năm nay bằng việc phát hành cổ phiếu.

Lợi nhuận của ngân hàng được cho là ở mức khiêm tốn, nhưng theo như lãnh đạo nhà băng này chia sẻ, là bởi lẽ ngân hàng muốn giải quyết nhanh hơn, triệt để hơn các tồn đọng cũ để sẵn sàng cho những bứt phá mới ở giai đoạn tiếp theo.

Ánh Dương

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên