MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều tình tiết “bất ngờ” trong phiên tòa xét xử ông Trịnh Văn Quyết

23-07-2024 - 20:58 PM | Doanh nghiệp

Chiều nay (23/7), phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch Trịnh Văn Quyết cùng 49 bị cáo trong vụ án Lừa đảo và Thao túng thị trường chứng khoán tiếp tục phần xét hỏi.

Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi các bị hại, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Theo đó, Tòa án triệu tập hơn 30.000 nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS của Công ty Faros trong phiên chào sàn tới phiên tòa với tư cách bị hại. Ngoài ra, hơn 63.000 nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu ROS được triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

photo-1721743222252

Toàn cảnh phiên tòa

Bị đình chỉ vẫn có giá trị

Chủ tọa đã hỏi các bị hại, người liên quan có ý kiến gì không. Tuy nhiên, chỉ duy nhất một người có ý kiến, đó là ông Lê Ngọc Nông (SN 1978, ở quận Hải Châu, Đà Nẵng).

Ông Nông trình bày bản thân vừa là bị hại, vừa là người liên quan. Ông mua mã cổ phiếu ROS trong giai đoạn 2017-2022. Số cổ phiếu ông còn nắm giữ hiện nay là hơn 667.000 cổ phiếu.

Ông Nông đề nghị HĐXX trả lại quyền lợi công bằng cho nhà đầu tư, ông mong muốn nhận lại tiền bỏ ra, được lấy lại vật chất và cả tinh thần.

HĐXX đã triệu tập chủ của 500 tài khoản chứng khoán mà bị cáo Trịnh Thị Minh Huế đã mượn giấy tờ để mở các tài khoản. Tại phiên tòa, những người này không có ý kiến gì.

Đại diện Tập đoàn FLC cho biết FLC không có quan hệ trực tiếp với Công ty Faros và Công ty chứng khoán BOS. Đến phiên tòa, đại diện công ty mới được được nghe cáo trạng. Tập đoàn cũng không nhận khoản tiền nào từ các bị cáo phạm tội mà có. Đối với các tài sản bị thu giữ, đại diện Công ty FLC đề nghị HĐXX xem xét các giao dịch ngay tình đảm bảo quyền và lợi ích của FLC.

Còn đại diện Công ty Faros khẳng định cổ phiếu ROS của công ty dù bị đình chỉ giao dịch vẫn có giá trị lưu hành vì những người nắm giữ đã bỏ tiền thật ra mua. Chỉ là không được bán trên sàn.

Đại diện Ngân hàng Phương Đông cho biết ngân hàng nhận thế chấp căn biệt thự ở Khu đô thị Mỹ Đình đứng tên vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết và đề nghị tòa án khi giải quyết vụ án thì ưu tiên quyền thu hồi nợ của ngân hàng.

Vợ dùng tài sản chung khắc phục cho chồng

HĐXX đã hỏi bà Lê Ngọc Diệp, vợ bị cáo Trịnh Văn Quyết về việc nhận tiền có nguồn gốc từ hành vi phạm tội. Bà Lê Ngọc Diệp nói rằng bà tôn trọng các nội dung cáo trạng đã nêu, “nếu tôi có nhận khoản tiền nào thì đó là để trả các khoản nợ mà tôi vay hộ Huế (bị cáo Trịnh Thị Minh Huế, em gái ông Quyết-PV)” - bà Diệp nói.

Về khối tài sản chung đang bị kê biên, bà Diệp đồng ý dùng các tài sản này để khắc phục hậu quả vụ án cho chồng. Về một số tài sản đang thế chấp ở ngân hàng, bà Diệp nói rằng các hồ sơ ngân hàng gửi đến CQĐT, VKS bà không được biết.

Theo hồ sơ vụ án, CQĐT đã kê biên tài sản diện tích 799,6 m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2, TP Hà Nội; 199,9 m2 nhà đất tại Khu đô thị Mỹ Đình 2; 199,9 m2 nhà đất ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội của bị cáo Trịnh Văn Quyết

Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị kê biên 4 nhà đất ở quận Cầu giấy, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga bị kê biên 2 diện tích nhà đất ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

CQĐT có văn bản đề nghị UBCK phong tỏa đối với 500 tài khoản chứng khoán bị cáo Trịnh Thị Minh Huế trực tiếp quản lý, sử dụng với số tiền dư trong tài khoản là hơn 7,6 tỉ đồng; số dư chứng khoán 243.107.532 cổ phiếu.

Đồng thời, có công văn gửi Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước rà soát ngăn chặn giao dịch (khóa chiều ghi nợ) đối với tài khoản đứng tên các cá nhân gồm Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế, Hương Trần Kiều Dung và 45 cá nhân cho Huế mượn tài khoản chứng khoán/tài khoản ngân hàng.

photo-1721743265199

Bị cáo Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) tại phiên tòa

Cơ quan điều tra còn có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan tạm dừng biến động (giao dịch chuyển nhượng, mua, bán, cho tặng, cầm cố, thế chấp…) với tài sản (bất động sản, cổ phần/vốn góp, cổ phiếu…) đứng tên Trịnh Văn Quyết, Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Lê Thị Ngọc Diệp.

Trong đó, Trịnh Văn Quyết có 215.436.257 cổ phiếu FLC; 218.340.338 cổ phần tại Công ty cổ phần Đầu tư kinh doanh phát triển bất động sản FLCHOMES; 7.614.000 cổ phiếu GAB tại Công ty CP Đầu tư khai khoáng và quản lý tài sản FLC; 1.045.325.000 cổ phần tại Công ty CP Quản lý vốn và tài sản FLC Holding…

Màn đối chất giữa giám đốc và nhân viên

Cũng trong phần xét hỏi chiều nay, HĐXX đã cho bị cáo Lê Văn Tuấn đối chất với bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh cùng người làm chứng. Bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh, cựu Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty TNHH Kiểm toán và Kế toán Hà Nội (CPA Hà Nội), bị cáo Lê Văn Tuấn là kiểm toán viên của công ty này. Cả hai bị cáo đều bị xét xử về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo buộc, hai bị cáo ký 3 báo cáo tài chính kiểm toán trái pháp luật giúp Trịnh Văn Quyết niêm yết cổ phiếu ROS của Công ty Faros và bán cổ phiếu chiếm đoạt 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư. Hành vi của hai bị cáo có vai trò đồng phạm giúp sức cho bị cáo Trịnh Văn Quyết.

Tại phiên tòa, ông Lê Văn Tuấn trình bày được cấp phép hành nghề kiểm toán viên vào năm 2017 và không tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn 2014-2015.

Bị cáo Tuấn khai bị cáo là cộng tác viên của CPA Hà Nội. Ông Tỉnh có thoả thuận với bị cáo khi khai thác và mang lại khách hàng cho công ty, bị cáo được hưởng 20% doanh thu trên số tiền thực thu về.

Chủ tọa phiên tòa đã hỏi vì sao trong quá trình điều tra bị cáo có nhiều lời khai thể hiện có tham gia vào hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính 2014-2015 của Công ty Faros?

Bị cáo Tuấn trình bày, đấy là lỗi của bản thân khi khai báo không trung thực do sức ép của bị cáo Tỉnh. Bị cáo chịu áp lực rất lớn dưới sự chỉ đạo của bị cáo Tỉnh. Bị cáo nhận thức nếu không đồng ý ông Tỉnh sẽ cho dừng hành nghề sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Ông Tuấn khẳng định không biết các diễn biến hoạt động hồ sơ kiểm toán của Công ty Faros.

Chủ tọa hỏi lại bị cáo là kiểm toán viên đã hành nghề nhiều năm, bị cáo không thực hiện việc kiểm toán, liệu bị cáo có tự nhận kết quả kiểm toán mà mình không thực hiện không?

Ông Tuấn thừa nhận đấy là hành vi vi phạm pháp luật và sai lầm của bị cáo "không làm cứ nhận". Lời khai của bị cáo là do ông Tỉnh cung cấp.

Bị cáo Lê Văn Tuấn trình bày được ông Tỉnh đưa cho một bản giải trình các câu hỏi của CQĐT dài khoảng 8-10 trang để nghiên cứu, khi nào lên làm việc với Cơ quan điều tra thì dựa vào đây để trả lời.

"Toàn bộ lời khai trên tôi cam kết đúng sự thật", ông Tuấn nói và cho biết không có ai chứng kiến việc ông Tỉnh hướng dẫn mình khai báo.

Sau phần trả lời của ông Lê Văn Tuấn, HĐXX yêu cầu bị cáo Nguyễn Ngọc Tỉnh lên bục khai báo.

“Bị cáo không hề gây sức ép cho bị cáo Tuấn trong trong chuyện có kiểm toán hay không. Những điều mà bị cáo Tuấn vừa khai là không đúng. Bị cáo không gây sức ép cho ông Tuấn phải ký vào các biên bản kiểm toán hay tham gia vào công việc gì"- bị cáo Tỉnh nói.

Ông Tỉnh khai, đối với báo cáo kiểm toán của CPA Hà Nội đối với các báo cáo tài chính năm 2014-2015 của Công ty Faros theo sự phân công của ông Lê Văn Dò, Phó giám đốc Công ty.

Ông Dò phân công cho nhóm kiểm toán gồm 5-6 người. Sau khi làm việc với UBCK, ông Tỉnh có triệu tập cuộc họp của nhóm kiểm toán với sự tham gia của ông Lê Văn Dò.

Ông Tuấn đề nghị nhóm kiểm toán sang thực hiện các thủ tục kiểm toán bổ sung theo yêu cầu của UBCK và đề nghị bổ sung ông Lê Văn Tuấn vào nhóm kiểm toán.

Nhân chứng Trần Thị Ninh khai từng làm việc ở Công ty CPA Hà Nội, đã tham gia kiểm toán báo cáo tài chính của Công ty Faros giai đoạn đầu. Sau khi UBCK yêu cầu kiểm toán bổ sung thì bà Ninh nghỉ việc nên không tham gia.

Bà Ninh trình bày không biết có những ai tham gia kiểm toán và chỉ nghe nói không chính thức là Lê Văn Tuấn tiếp quản công việc.

Cũng theo lời khai của bà Ninh, trong thời gian này, “anh Tuấn gọi điện và tôi có nói một số nội dung lưu ý về báo cáo tài chính của Faros”.


Theo Phong Vân

Báo Công Thương

Trở lên trên