Nhiều trái cây Việt được cấp “visa” vào thị trường lớn
Nhiều loại trái cây Việt Nam mới đây được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Mỹ, như: trái bưởi tươi, sầu riêng.
- 19-10-2022Làm gì để tăng hiệu quả xuất khẩu trái cây Việt?
- 15-09-2022Trái cây ngoại tràn ngập
- 15-08-2022Sắp ký nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều loại trái cây sang Trung Quốc
Mới đây, trái bưởi tươi của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ. Đây là tin vui cho bà con nông dân. Bưởi cũng là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Không chỉ với trái bưởi, mà thị trường sầu riêng cũng trở lên sôi động, sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trưởng tỷ dân Trung Quốc. Trái sầu riêng được xuất vào thị trường Trung Quốc cũng được kỳ vọng đạt kim ngạch 2 tỷ USD/năm.
Đa phần các ý kiến đều cho rằng vẫn còn nhiều cơ hội cho trái cây Việt Nam vào các thị trường lớn.
Ớt, chanh leo, sầu riêng đã được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Mới đây, trái bưởi cũng đã được xuất khẩu sang Mỹ. Nhãn của Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn tất hồ sơ để được cấp "visa đi Nhật". Có thể thấy, 9 tháng đầu năm nay đã đánh dấu những nỗ lực mở cửa thị trường cho nông sản Việt.
Trái sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trưởng tỷ dân Trung Quốc. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, đáng chú ý thời gian qua, rau quả, trái cây của nước ta đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn được xem là khá khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU… đều tăng mạnh, có thị trường tăng tới 100%.
"Mình thấy, trái cây Việt Nam rất ngon, chất lượng và giá cũng tốt, được cấp "visa" đi các thị trường lớn như vậy là cơ hội lớn cho doanh nghiệp và người nông dân", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
"Để đảm bảo chất lượng xuất khẩu, trái cây không chỉ cần ngon mà phải an toàn, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật phải nằm trong quy định cho phép", một tài khoản khác nêu quan điểm.
"Sang nước ngoài họ làm quy trình rất chặt, đặc biệt là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Mỗi thị trường lại có một đòi hỏi khác nhau", một tài khoản khác cho biết.
"Hình như phải mất hơn 5 năm để đàm phán đưa quả xoài tươi của Việt Nam xuất khẩu vào Nhật Bản đấy", một tài khoản khác băn khoăn.
Để trái cây Việt được cấp "visa" vào những thị trường khó tính, chúng ta cũng phải mất khá nhiều thời gian và công sức. Cụ thể, ngoài việc đảm chất lượng sản phẩm, quá trình trồng, thu hái, đóng gói sản phẩm phải đúng yêu cầu.
Quá trình cấp visa cho các loại trái cây có thể kéo dài hàng chục năm, đó là thời gian để cơ quan chức năng hai nước đi đến thỏa thuận chung (nghị định thư). Để quả vải tươi xuất khẩu vào Australia phải mất 11 năm, xoài xuất vào Mỹ mất 10 tới năm và thời gian phổ biến để mở cửa một loại trái cây từ 3 - 5 năm.
"Muốn xuất khẩu một cách bền vững thì chúng ta phải có cách tiếp cận đầy đủ, bài bản và phải xác định là đây là làm cho cả ngành hàng. Doanh nghiệp muốn kết nối người dân và xuất khẩu bền vững thì phải làm đúng quy định", một tài khoản mạng xã hội bình luận.
"Theo mình, doanh nghiệp phải có tiếng nói chung bảo vệ thương hiệu, thống nhất từ cách làm, từ giá bán", một tài khoản mạng khác nêu quan điểm.
"Doanh nghiệp cũng phải tăng cường ngày càng chặt mối liên kết với các hợp tác xã, người dân để đảm bảo ổn định chất lượng, giá cả và sản lượng cho từng thị trường", một tài khoản khác nhận định.
Việt Nam đã mất hàng chục năm để mở cửa cho một loại nông sản, nhưng để giữ được thị trường càng khó hơn. Muốn xuất nhiều nông sản, chúng ta phải đa dạng thị trường và khâu đầu tiên để đa dạng thị trường là phải đàm phán xử lý các rào cản kỹ thuật để mở cửa thị trường.
Nhiều chuyên gia cho rằng, mở cửa thị trường là khâu then chốt trong việc thúc đẩy năng lực xuất khẩu nông sản Việt từ nay đến cuối năm và những năm sau đó. Năm nay ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ USD.
VTV.VN