Nhiều triển vọng tích cực dài hạn cho chứng khoán Việt Nam
Theo chuyên gia Hồ Quốc Tuấn, Việt Nam đang là nền kinh tế được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản nên sẽ là điểm đến của dòng tiền này trong tương lai.
Kinh tế thế giới đang có những diễn biến tốt hơn so với lo ngại đầu năm. Trong nước, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế cũng đang được thúc đẩy, thị trường chứng khoán cũng đã tăng mạnh vượt ngưỡng 1.200 điểm, thanh khoản mỗi phiên lên mức tỷ USD/phiên…Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol, Anh đã đưa ra những quan điểm về triển vọng kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán Việt Nam.
BTV Mùi Khánh Ly: Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng triển vọng kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế lớn thay vì lo ngại như hồi đầu năm . Ông đánh giá như thế nào về điều này?
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên cao cấp tại Đại học Bristol , Anh
Các tổ chức đang dần lạc quan hơn về kinh tế toàn cầu, đặc biệt là ở các nền kinh tế đầu tàu. Đơn cử như Mỹ vẫn tăng trưởng mạnh 2,4% so với mục tiêu 2% trong quý II/2023. Thứ hai là Châu Âu tăng trưởng ở mức 0,3%, tuy không quá lớn nhưng như vậy họ đã thoát khỏi hai quý tăng trưởng âm. Nhưng có thể nói, sự bất ngờ nhất của năm nay không phải đến từ Mỹ hay châu Âu mà là Nhật Bản. Nhật Bản tăng trưởng 1,4% so với mức tăng trưởng 1% của năm ngoái, đây là mức tương đối gây bất ngờ cho nhiều người về kinh tế Nhật Bản. Như vậy có thể nói với những yếu tố ở trên đã khiến cho các bên lạc quan hơn với kinh tế sáu tháng cuối năm.
Chỉ cách đây vài tháng nhiều người vẫn nhắc đến cụm từ “suy thoái kinh tế”. Vậy đến thời điểm này thì có thể coi kinh tế thế giới đã thoát đáy và đi lên chưa, thưa ông?
Chúng ta sẽ thấy khu vực Châu Âu là rõ ràng nhất, sau hai quý tăng trưởng âm giờ họ đã tăng trưởng dương trở lại, như vậy là họ đã thoát đáy tăng trưởng, ít nhất là cho đến quý II này. Còn đầu tàu kinh tế toàn cầu là Mỹ thì từ đầu năm, nhiều dự báo Mỹ sẽ rơi vào suy thoái nhưng bây giờ chúng ta thấy hầu như các tổ chức đều đánh giá rằng khả năng suy thoái của kinh tế Mỹ trong năm 2023 là thấp, ít nhất là cho đến quý III chúng ta sẽ không thấy điều đó. Còn về phía kinh tế Trung Quốc, nếu so với mục tiêu đặt ra thì GDP của nước này đã tăng trưởng chậm lại, nhưng mức tăng trưởng quý II vừa rồi của Trung Quốc đạt trên 6%, tốt hơn mức 5% trong quý I. Như vậy, họ cũng đang bắt đầu đi lên từ đáy, chứ không phải đi xuống. Cho nên có thể nói với quý II này, toàn bộ các nền kinh tế đang cải thiện tốt hơn.
Với bối cảnh nền kinh tế thế giới như vậy sẽ tác động như thế nào đến Việt Nam trong phần còn lại của năm 2023 ? Liệu có giúp kinh tế Việt Nam đẩy nhanh tăng trưởng và đạt được mục tiêu 6,5% như đã đề ra?
Sự tăng trưởng tích cực hơn của nền kinh tế thế giới dự báo sẽ thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn. Tuy nhiên, Việt Nam phát triển dựa vào nhiều vào hoạt động xuất khẩu và thực tế hiện nay hoạt động nhập khẩu và sản xuất hàng hóa ở các nước vẫn đang trong xu hướng đi xuống, chỉ trừ có Trung Quốc đang tăng trở lại. Như vậy, chúng ta thấy động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam là xuất khẩu vẫn đang khó. Nhưng tôi cho rằng, thương mại toàn cầu sẽ ở trạng thái tạo đáy trong quý III và sẽ đi lên trong quý IV. Điều này phù hợp với yếu tố mùa vụ, tức là bất kể nền kinh tế, hay hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất hàng hóa khó khăn cỡ nào thì trước mùa đông là mùa tiêu thụ, người ta sẽ phải tăng lượng hàng tồn kho và đó là cơ hội để những ngành hàng đi xuống trước đây bắt đầu tăng trở lại. Và tôi kỳ vọng những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu Việt Nam ở trong quý III. Thứ hai, Trung Quốc hiện nay đang cố gắng kích thích lại thị trường nhà của họ, nếu tăng trưởng thị trường nhà có thể thúc đẩy trở lại sẽ làm gia tăng nhu cầu đối với vật liệu xây dựng, đối với những ngành liên quan ở Việt Nam. Theo tôi, những điều này sẽ không chỉ tác động đến Việt Nam mà còn tác động tích cực đến kinh tế thế giới.
Chỉ số VN-Index đã tăng được một mức khá mạnh. V ới những diễn biến vĩ mô tích cực hơn như vậy, thị trường chứng khoán sẽ có sức bật mạnh tiếp trong thời gian tới?
Về thị trường chứng khoán, ngoài những yếu tố có thể tác động bao gồm các chính sách vĩ mô, triển vọng kinh tế…thì một yếu tố quan trọng bậc nhất chính là dòng tiền thì đây là câu chuyện này ở khắp nơi trên thế giới và mỗi nước lại có trạng thái khác nhau. Việt Nam chúng ta đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất về vĩ mô, bây giờ đang là giai đoạn đi lên, nhưng đi lên nhanh được hay không thì vẫn còn phụ thuộc nhiều biến số, như thị trường bất động sản đã có những chính sách hỗ trợ nhưng câu chuyện về trái phiếu vẫn còn những vẫn đề phải giải quyết; hay hiện nay thị trường chứng khoán Mỹ đang được nhận định là quá đắt.
Ngoài ra, khi doanh nghiệp công bố lợi nhuận ra cũng chỉ đạt được mức như kỳ vọng thôi không đủ để thúc đẩy thêm dòng tiền vào nữa. Tuy nhiên, người ta vẫn kì vọng là trong vòng 6 tháng cuối năm, thị trường Mỹ vẫn có thể tăng trưởng bởi các quỹ đầu tư hiện nay đang giữ tỷ lệ tiền mặt quá cao, có nghĩa bất kể kinh tế như thế nào, bất kể tình hình ra sao họ cũng buộc phải giải ngân. Như vậy, chúng ta đặt lại câu hỏi ở Việt Nam liệu có giống như vậy không? Vừa qua một lượng tiền đã chảy vào thị trường, do đó nếu nói chúng ta đang ở trạng thái tiền mặt quá nhiều thì cũng không phải. Nhưng hiện nay, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm sáng của năm về đầu tư, là một trong những thị trường tăng trưởng khá mạnh trong quý II, như vậy liệu rằng sẽ thúc đẩy được dòng vốn quốc tế vào và khi mà dòng vốn quốc tế tham gia, thị trường sẽ lạc quan hơn. Một yếu tố quan trọng nữa là lãi suất, khi lãi suất tiết kiệm giảm và những kênh đầu tư khác trong nền kinh tế không quá tốt, thì lúc đó người ta sẽ nghĩ về chứng khoán nhiều hơn. Tôi kỳ vọng vĩ mô từ đây đến cuối năm sẽ tương đối ổn định hơn giai đoạn khó khăn đầu năm.
Nhiều cổ phiếu hay nhóm ngành đã tăng giá lên mức cao, thậm chí tăng hơn mức tăng của chỉ số chính . Như vậy thì đến thời điểm hiện tại, các nhà đầu tư nên hành động như thế nào cho phù hợp?
Đầu tư vào thời điểm hiện nay khó hơn cách đây khoảng một, hai tháng khi mà dòng tiền chưa đổ vào thị trường nhiều và mức tăng của chỉ số cũng chưa lớn. Trong ngắn hạn thì tôi vẫn lo ngại việc thị trường tăng trưởng quá mạnh, đã chiết khấu hầu hết các tin tốt và chúng ta đang chuyển sang một trạng thái là hơi chủ quan. Còn nhìn về dài hạn tôi đánh giá, Việt Nam chúng ta vẫn có rất nhiều triển vọng. Thứ nhất là tỷ lệ người mở tài khoản chứng khoán vẫn chưa nhiều và đây là một triển vọng rất rõ ràng trong đánh giá của hầu hết giới phân tích đầu tư quốc tế mà tôi đi nói chuyện. Họ đánh giá tiềm năng này ở thị trường Việt Nam là rất lớn. Thứ hai, khi thu nhập người dân tăng lên, một phần sẽ được chuyển vào các tài khoản tiết kiệm và gần đây thì đã có rất nhiều sản phẩm tài khoản tiết kiệm kết nối với chứng khoán, đó là một xu thế sẽ đẩy dòng tiền vào thị trường. Về dài hạn, những doanh nghiệp tăng trưởng tốt và ổn định, có nền tảng chắc chắn hay những bluechip của thị trường sẽ vẫn sẽ đi lên. Một yếu tố nữa là Việt Nam chúng ta đang là một nền kinh tế được đánh giá cao bởi các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản nên sẽ là điểm đến của dòng tiền này trong tương lai.
Nhịp Sống Thị Trường