MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều vần đề đặt ra với triển vọng kinh tế nửa cuối năm

Nhiều vần đề đặt ra với triển vọng kinh tế nửa cuối năm

Dịch COVID-19 bùng phát mạnh, triển vọng kinh tế nửa cuối năm 2021 trở nên kém lạc quan, nhất là khi dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ, dòng vốn phân tán mạnh, trong khi cộng đồng doanh nghiệp đang khó chồng khó…

"Từng trải qua ba nhiệm kỳ tham gia Quốc hội , nhưng chưa có nhiệm kỳ nào mà ngay ở kỳ họp thứ nhất đã tiếp cận những báo cáo, những kế hoạch chứa đựng nhiều khó khăn và thách thức đến vậy". Đó là chia sẻ của đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) và có lẽ cũng là trăn trở của nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XV.

Kỳ họp diễn ra khi dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Trước đó, ảnh hưởng của dịch bệnh đã "bào mòn" sức chống đỡ của doanh nghiệp và nền kinh tế.

ĐỘNG LỰC CHÍNH CHO TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ NĂM 2021 ĐẾN TỪ ĐẦU TƯ CÔNG

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, có hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, hơn 1,1 triệu người thiếu việc làm, lần lượt tăng 101,7 nghìn người và 48,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Cũng trong nửa đầu năm có hơn 70 nghìn doanh nghiệp đã rút lui khỏi thị trường, 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh.

Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm của Việt Nam đạt 5,64% mặc dù cao hơn so với nhiều nước song vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng chỉ đạt 29,02% kế hoạch, vốn nước ngoài giải ngân cũng rất thấp, chỉ đạt 7,37%...

Những kết quả không như kỳ vọng trên càng gia tăng áp lực lên kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm để có thể đạt được mức tăng trưởng chung cả năm 6-6,5% như mục tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Đặt trong bối cảnh thực trạng kinh tế ở thời điểm đầu quý 3 với nhiều diễn biến xấu hơn do sự bùng phát mạnh của dịch COVID-19, đa phần các đại biểu Quốc hội cho rằng cần phải tính toán cẩn trọng trong kế hoạch phát triển những tháng cuối năm.

Theo đại biểu Hà Sỹ Đồng, tăng trưởng quý 3/2021 khả năng sẽ tiếp tục thấp hơn so với kế hoạch do chịu tác động tiêu cực từ đợt dịch thứ tư khiến triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 trở nên kém lạc quan và có thể khó đạt được mục tiêu tăng trưởng trên 6%.

Bên cạnh đó, CPI bình quân cả năm có thể chỉ tăng từ 2-2,5% cách xa mục tiêu Quốc hội đặt ra, rủi ro cho dự báo lạm phát cũng đang rất khó lường.

Đại biểu này cho rằng động lực chính cho tăng trưởng kinh tế năm 2021 đến từ nguồn lực đầu tư công, dòng vốn đầu tư nước ngoài và hoạt động xuất nhập khẩu đều đang và sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.

Trong khi đó, dư địa của chính sách tài khóa để thực hiện các chương trình hỗ trợ đang hạn hẹp dần. Tương tự, dư địa của chính sách tiền tệ cũng không còn nhiều. Quá trình cơ cấu nền kinh tế vì thế sẽ gặp nhiều trở ngại để triển khai theo tiến độ dự tính.

Nhiều vần đề đặt ra với triển vọng kinh tế nửa cuối năm - Ảnh 1.

Đặc biệt, về chính sách tiền tệ, đại biểu Hà Sỹ Đồng đánh giá, việc dòng vốn đang bị phân tán mạnh vào những kênh thu hút vốn khác ngoài ngân hàng là chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, các sản phẩm liên kết, bảo hiểm, đầu tư, quỹ hưu trí của các công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, quỹ đầu tư… đang gây ra những méo mó, sai lệch, mất cân bằng tài chính và đã có những cảnh báo từ các cơ quan nhà nước phụ trách.

Ông nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc hóa giải rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ là rất lớn. Áp lực nợ xấu ngân hàng đang gia tăng.

Những phân tích của đại biểu đoàn Quảng Trị có nhiều điểm tương đồng với nội dung trong báo cáo thẩm tra thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2021 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Trong báo cáo này, cơ quan thẩm tra cảnh báo CPI bình quân 6 tháng đầu năm của Việt Nam tăng thấp nhất kể từ năm 2016 cho thấy sức cầu trong nước đang yếu đi. Cùng với đó là tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo. Tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.

.. tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo.Ủy ban Kinh tế của Quốc hội


Bên cạnh đó, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã tăng lên. Trong khi mặt bằng lãi suất giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn.

Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ xử lý hài hòa, hợp lý mối quan hệ giữa lợi nhuận của các ngân hàng thương mại với khó khăn của doanh nghiệp để "giảm lãi suất cho vay một cách thực chất". Cùng với đó, đưa ra công cụ giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Theo dõi, dự báo tình hình nợ xấu để có giải pháp phù hợp, đặc biệt là nợ được cơ cấu lại.

GIẢI PHÁP CĂN CƠ CHO NĂM BẢN LỀ CỦA NHIỆM KỲ MỚI

Ngày 27/7, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Qua đó "chốt" chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân 5 năm tới khoảng 6,5-7%.

Để có thể đạt được chỉ tiêu này, Chính phủ đã đề ra nhiều giải pháp mà trước hết là tập trung thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; phấn đấu đạt miễn dịch cộng đồng vào cuối năm 2021, đầu năm 2022.

Cùng với đó là nhanh chóng phục hồi nền kinh tế trong những năm đầu nhiệm kỳ; bứt phá, phát triển đất nước trong những năm tiếp theo; quyết liệt và hiệu quả hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; đầu tư cho nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng.

Như vậy, ngay từ năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Chính phủ đã xác định quyết tâm thực hiện bằng được mục tiêu đề ra dù đại dịch cho thấy những ảnh hưởng phức tạp, sâu rộng và có thể còn kéo dài.

Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021, Chính phủ khẳng định sẽ kiên định "mục tiêu kép", thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn… để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong kế hoạch 6 tháng cuối năm 2021, Chính phủ khẳng định sẽ kiên định "mục tiêu kép", thực hiện linh hoạt, sáng tạo, không máy móc, cứng nhắc, tùy từng thời điểm, từng nơi, từng địa phương, địa bàn… để lựa chọn ưu tiên phù hợp giữa phòng chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, sẽ kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên và kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.

Cùng với đó là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước; cắt giảm các khoản chi không cần thiết, các nhiệm vụ chi chậm triển khai, nhất là việc rà soát, cắt giảm phù hợp các khoản chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.

Những giải pháp này của Chính phủ đã nhận được nhiều sự đồng thuận của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng cả năm hơn 6%, ông rất đồng tình với Chính phủ là cần thường xuyên rà soát, kịp thời có biện pháp hiệu quả tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thể chế để huy động mọi nguồn lực phục vụ phát triển đất nước.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Hà Nội) cho rằng để chuẩn bị điều kiện và lộ trình mở cửa nền kinh tế cần đẩy nhanh áp dụng "hộ chiếu vaccine" cho toàn dân. "Tỷ lệ người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine là động lực quan trọng nhất để nền kinh tế có thể phục hồi", ông nói.

Đại biểu đoàn Hà Nội đề nghị trong bối cảnh hiện nay, khi doanh thu của các doanh nghiệp không nhiều thì hỗ trợ của Nhà nước sẽ hiệu quả hơn nếu tăng chi tiêu cho các đối tượng yếu thế, để vừa tăng kích thích tiêu dùng, vừa giải quyết được các vấn đề xã hội.

Nhiều vần đề đặt ra với triển vọng kinh tế nửa cuối năm - Ảnh 4.

Trong khi đó, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) kiến nghị cần tạo cơ chế thuận lợi hơn trong việc trung chuyển, cung ứng hàng hóa nguyên vật liệu từ địa phương này đến địa phương khác, đồng thời, duy trì sự liên kết sản xuất trong các khu công nghiệp để duy trì chuỗi cung ứng.

Để đạt được "mục tiêu kép", ông Nhân đề nghị các tỉnh thành trọng điểm về phát triển kinh tế, thu ngân sách Nhà nước cần được quan tâm bảo vệ và cần có cơ chế ưu tiên để lựa chọn trong điều phối, tiếp cận mọi nguồn lực từ phòng, chống dịch đến nguồn lực kinh tế để bên cạnh công tác dập dịch còn phải tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô của đất nước.

Thực tế, nhìn vào cách điều hành chính sách trực diện, quyết liệt mà Chính phủ khóa XIV đã thực hiện từ tháng 4/2021 đến nay nhiều đại biểu tin tưởng những kinh nghiệm điều hành trong giai đoạn vừa qua sẽ thúc đẩy Chính phủ khóa mới có những giải pháp căn cơ trong thực hiện "mục tiêu kép" những tháng cuối năm và những năm tiếp theo như quyết tâm mà Chính phủ báo cáo trước Quốc hội.

Cùng hướng về động lực vượt khó của kinh tế Việt Nam, tạo diễn đàn chia sẻ những góc nhìn và phân tích chuyên sâu từ các chuyên gia, những trải nghiệm và ứng xử thực tiễn từ đại diện các doanh nghiệp và ngân hàng thương mại, tương tác với cộng đồng nhà đầu tư…, BizLIVE sẽ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Điểm đến kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2021" .

BizLIVE trân trọng kính mời quý độc giả theo dõi nội dung tọa đàm diễn ra từ 8h30 - 11h30 ngày 30/7 tới.

Theo Hoàng Hà

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên