MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều vấn đề "nóng" đã được chất vấn tại các kỳ họp HĐND

21-02-2022 - 15:32 PM | Xã hội

Nội dung chất vấn tại các kỳ họp của HĐND đã tập trung vào các lĩnh vực được dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm như đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, giải phóng mặt bằng, lao động, việc làm...

Ngày 21-2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các Phó Chủ tịch Quốc hội đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, TP phía Bắc năm 2021 và triển khai kế hoạch công tác năm 2022.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cho biết năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng là năm cử tri và nhân dân cả nước tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; xây dựng và kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền địa phương theo quy định của pháp luật.

 Nhiều vấn đề nóng đã được chất vấn tại các kỳ họp HĐND  - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu tại hội nghị

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, HĐND cấp tỉnh đã có nhiều sáng tạo đổi mới trong tổ chức và phương thức hoạt động như coi trọng khâu chuẩn bị các nội dung theo chương trình kỳ họp, nhất là các báo cáo thẩm tra; tổ chức kỳ họp trực tuyến kết hợp trực tiếp. Nhiều địa phương, HĐND đã phối hợp triển khai hiệu quả các Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù như các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.

Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 có những diễn biến phức tạp, khó lường, HĐND nhiều tỉnh, thành phố đã điều chỉnh phương thức tổ chức hoạt động chất vấn phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Nội dung chất vấn tập trung vào các lĩnh vực được dư luận, cử tri và nhân dân quan tâm như đất đai, tài nguyên, môi trường, xây dựng, giải phóng mặt bằng, du lịch, lao động, việc làm, kế hoạch và đầu tư...

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã nhận diện đúng những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, rõ người, rõ việc, rõ địa chỉ, rõ trách nhiệm, đồng thời kiến nghị những đề xuất, giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế mà cử tri và đại biểu đặt ra.

 Nhiều vấn đề nóng đã được chất vấn tại các kỳ họp HĐND  - Ảnh 2.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại hội nghị

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo báo cáo từ các địa phương, hoạt động của HĐND vẫn còn một số tồn tại hạn chế. Cụ thể, công tác tổng hợp và gửi báo cáo các ý kiến, kiến nghị sau tiếp xúc cử tri của một số tổ đại biểu HĐND chưa đảm bảo về chất lượng và thời gian quy định. Hoạt động chất vấn ở một số nơi vẫn còn hình thức. Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND còn lúng túng về phương pháp, cách thức, nội dung giám sát. Tiếp xúc cử tri ở nhiều nơi còn tình trạng tiếp xúc "đại cử tri" là phổ biến.

Ngoài ra, hiệu quả của công tác giám sát chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề, hoạt động tái giám sát còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát của một số cơ quan, đơn vị còn hạn chế, việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện cam kết, kết luận chưa thường xuyên. Hoạt động giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, chất lượng chưa sâu.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ tồn tại trong việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có nơi còn chậm, chủ yếu là chuyển đơn.

Về phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xác định, HĐND các cấp cần tiếp tục đổi mới về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND trên cơ sở cụ thể hóa Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết đảng bộ tỉnh, thành phố và pháp luật của nhà nước. Qua đó, để HĐND thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân địa phương và cơ quan nhà nước cấp trên.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng yêu cầu HĐND các cấp chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động 5 năm, hằng năm, nhất là định hướng chương trình xây dựng Nghị quyết của HĐND trong nhiệm kỳ, trên cơ sở đó ban hành Nghị quyết về chương trình xây dựng nghị quyết và giám sát hằng năm. Đề xuất với cấp ủy các nhiệm vụ, giải pháp, góp phần quyết định vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh trong nhiệm kỳ và nhiều năm tiếp theo, khẳng định rõ nét hơn vị trí, vai trò của HĐND trong thực tiễn.

Theo Minh Chiến

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên