MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại 1 tuần đầy kịch tích của chứng khoán Mỹ: Nguyên nhân nào khiến S&P 500 biến động "như tàu lượn siêu tốc"?

15-10-2022 - 10:31 AM | Tài chính quốc tế

Nhìn lại 1 tuần đầy kịch tích của chứng khoán Mỹ: Nguyên nhân nào khiến S&P 500 biến động "như tàu lượn siêu tốc"?

Những diễn biến đầy kịch tích của tuần vừa qua – chỉ số tăng 2,6% trong 1 phiên nhưng lại giảm 2,4% ngay trong phiên tiếp theo – nhấn mạnh tâm trạng bất ổn của nhà đầu tư.

Chứng khoán Mỹ vừa khép lại một tuần đầy những bất ngờ khó hiểu. Khác với lẽ thường, chỉ số lạm phát tăng nóng đã không "nhấn chìm" thị trường. Ngược lại, sau khi giảm sâu ở đầu phiên vì tin xấu, đến cuối phiên S&P 500 nhanh chóng đảo chiều, khiến mức độ biến động của phiên 13/10 lên tới 5% - mạnh thứ 5 trong lịch sử.

Tuy nhiên cuối cùng thì kết cục của "cú quay xe" này không phải là điều gì xa lạ: sức ép từ lạm phát là quá lớn để thị trường có thể đứng vững. Chỉ số S&P 500 vẫn giảm tổng cộng 1,6% trong tuần vừa qua, nâng mức giảm kể từ đầu năm lên đến gần 25%.

Trong 9 tuần gần nhất, có tới 7 tuần S&P 500 giảm điểm. Nhưng trong cả quãng thời gian đó 13/10 sẽ là phiên duy nhất được ghi nhớ, khi nhà đầu tư nhất thời chối bỏ báo cáo CPI gây thất vọng và mua vào mạnh mẽ, khiến gần như mọi cổ phiếu trong chỉ số S&P 500 đều tăng giá.

Đến phiên hôm qua 14/10, khi một báo cáo khác cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng tăng lần đầu tiên trong 7 tháng, S&P 500 lại tiếp tục giảm điểm.

Nhìn lại 1 tuần đầy kịch tích của chứng khoán Mỹ: Nguyên nhân nào khiến S&P 500 biến động như tàu lượn siêu tốc? - Ảnh 1.

Diễn biến các chỉ số trên TTCK Mỹ. Nguồn: Bloomberg.

"Nhìn lại các thị trường con gấu và những thời kỳ khủng hoảng kinh tế, có thể thấy thị trường thường diễn biến theo những cách rất phi lý, đôi khi là ngược hẳn với dự đoán của tất cả mọi người", Jerry Braakman, giám đốc đầu tư kiêm Chủ tịch của quỹ tín thác First American Trust nhận định trong 1 buổi phỏng vấn.

Theo ông, mọi người mua vào sau khi có tin lạm phát vì họ cảm thấy an toàn hơn một chút, nhưng đến ngày hôm sau họ chợt bừng tỉnh và nhận ra còn rất nhiều vấn đề tồn tại.

Những diễn biến đầy kịch tích của tuần vừa qua – chỉ số tăng 2,6% trong 1 phiên nhưng lại giảm 2,4% ngay trong phiên tiếp theo – nhấn mạnh tâm trạng bất ổn và những phản ứng khó đoán của nhà đầu tư khi xử lý các số liệu về lạm phát và chính sách điều hành lãi suất của Fed.

Theo thống kê của Bespoke Invesment Group, kể từ đầu năm đến nay, có tới 35% số phiên giao dịch cuối cùng trong tuần sẽ kết thúc với chỉ số S&P 500 giảm 1% trở lên. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ năm 1952. Các năm khác có kết quả gần tương tự đều là những năm tồi tệ: 1974, 2000, 2002 và 2008.

Cú giảm điểm hôm qua dập tắt hi vọng của những người lạc quan. S&P 500 đã xóa bỏ một nửa đà tăng so với mức đáy được lập khi dại dịch bùng nổ đầu năm 2020. Đối với một số người, đây là cột mốc khẳng định cuộc chiến chống lạm phát của Fed đã đi quá xa.

Hoạt động của các nhà đầu tư phái sinh là một trong những nguyên nhân khiến thị trường biến động mạnh đến vậy. Các nhà đầu tư định chế đã chi con số kỷ lục 10 tỷ USD vào các hợp đồng chọn bán trong tuần trước. Chỉ số CPI khiến nhiều hợp đồng sinh lời, do đó nhiều nhà đầu tư chốt lời và buộc những người ở phía bên kia phải mua vào để giữ vị thế trung lập.

"Khi ở trong một thị trường khó đoán và biến động mạnh như hiện nay, mọi người sẽ bấu víu vào bất cứ thứ gì", Rayna Lesser Hannaway, nhà quản lý danh mục tại Polen Capital Management nói. "Và nhà đầu tư không thể có quả cầu tiên tri trong tay để dự đoán chính xác những gì sẽ diễn ra, do đó cơ hội sẽ dành cho những người tập trung vào dài hạn thay vì ngắn hạn như đa số mọi người".

Ngược với S&P 500, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,2% và đã tăng 2 tuần liên tiếp. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm có tuần tăng thứ 11 liên tiếp, chuỗi tăng dài nhất 38 năm.

Không chỉ riêng báo cáo lạm phát, tuần qua nhà đầu tư còn bị chi phối bởi những số liệu tốt xấu đan xen trên báo cáo kết quả kinh doanh theo quý của các ngân hàng lớn. Chỉ số VIX đo mức biến động của thị trường cổ phiếu Mỹ ở trên 30 điểm trong 7 phiên liên tiếp, trong khi chỉ số MOVE đo mức độ biến động của thị trường trái phiếu đang ở gần mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Và những diễn biến tại Anh cũng khiến sự bất ổn tăng lên. Hôm qua Thủ tướng Anh Liz Truss vừa bỏ nhiệm Bộ trưởng Tài chính mới thay thế cho ông Kwarteng, người mới chỉ ngồi ghế Bộ trưởng được 38 ngày. Kế hoạch kinh tế mà bộ đôi công bố cách đây vài tuần đã khiến thị trường tài chính Anh rung lắc mạnh vì nhà đầu tư lo ngại chính phủ Anh khó có thể tìm ra nguồn tiền để tài trợ cho ngân sách mới.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên