Nhìn lại 3 cuộc thượng đỉnh bất thường: Đằng sau sự đồng lòng hiếm thấy về Ukraine
Phương Tây tuyên bố ủng hộ Ukraine nhưng không muốn đối đầu quân sự trực tiếp với Nga.
- 01-04-2022Nga xác nhận Ukraine tấn công xuyên biên giới, đánh trúng một kho dầu của nước này
- 30-03-2022Giá vàng giảm sâu khi đàm phán hòa bình Nga – Ukraine có đột phá
- 29-03-2022Đàm phán kết thúc: Nga tuyên bố sẽ cắt giảm mạnh hoạt động quân sự gần Kiev và Chernihiv của Ukraine
Một tháng sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine, tại Brussels, ba hội nghị thượng đỉnh bất thường đã được tổ chức cùng một lúc: NATO, nhóm G7 và Liên minh châu Âu (EU).
Tổng thống Mỹ Joe Biden tham gia trực tiếp cả ba hội nghị. Lãnh đạo các nước không phải thành viên rất hiếm khi được mời tham gia các hội nghị như vậy, nhưng lần này Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã được mời đến phát biểu tại cả ba hội nghị theo hình thức trực tuyến.
Các chủ đề chính được đưa ra thảo luận tại ba hội nghị gồm các biện pháp ủng hộ Ukraine, trừng phạt Nga, giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, sự cần thiết tăng lực lượng liên minh ở Đông Âu, vấn đề Ukraine đề nghị cung cấp vũ khí và xin gia nhập EU.
Sau khi dự hội nghị, ngày 26/3/202, Tổng thống J. Biden đã đến Warsaw gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda bàn về viện trợ quân sự và nhân đạo cho Ukraine.
Sự thống nhất hiếm thấy của phương Tây
Việc ba hội nghị thượng đỉnh được tổ chức cùng một lúc với sự tham gia của các nhà lãnh đạo cao nhất của 30 quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nhóm (G7) và Liên minh châu Âu (EU), thể hiện sự thống nhất hiếm thấy của phương Tây.
Cựu Tổng thống Donald Trump trước đây đã từng đặt câu hỏi về sự tồn tại của NATO và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã từng coi NATO đang "chết lâm sàng", thì nay việc Nga mở chiến dịch quân sự vào Ukraine đã làm cho các nước phương Tây đoàn kết hơn và tăng cường các mối quan hệ với nhiều đối tác khác, đặc biệt là xích lại gần hơn với Mỹ.
Chiến lược quốc phòng là một trong các chủ đề quan trọng được thảo luận tại hội nghị. Các nhà lãnh đạo NATO và EU đã thông qua kế hoạch nhằm thắt chặt hơn mối liên hệ giữa các quốc gia thành viên trong lĩnh vực quân sự, tình báo và chi tiêu quân sự. Đây là ý tưởng về "quyền tự chủ chiến lược" của Tổng thống Pháp E. Macron.
Các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels, đã thông qua chiến lược phòng thủ đầu tiên của liên minh này cho giai đoạn đến năm 2030 mang tên "La bàn chiến lược của Liên minh châu Âu." Chiến lược mới này bao gồm việc thành lập một lực lượng phản ứng nhanh để đối phó với các cuộc khủng hoảng, với khoảng 5.000 người sẽ bổ sung cho khả năng quốc phòng và an ninh của NATO.
Các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia NATO đã nhất trí một loạt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào Nga, khẳng định đoàn kết với Kiev, đồng ý hỗ trợ nhiều hơn cho Ukraine, đồng thời nhất trí một số biện pháp tăng cường khả năng phòng thủ thông qua cam kết "phòng thủ tập thể", triển khai thêm nhiều khẩu đội phòng không, tàu chiến và máy bay, gửi thêm hàng nghìn binh sĩ đến sườn phía đông của liên minh.
Các nhà lãnh đạo của 30 quốc gia NATO đã nhất trí một loạt các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào Nga. Ảnh: NATO/Jan VAN DE VEL - Anadolu Agency
Ngoài việc khẳng định lại sự thống nhất của NATO và ủng hộ Ukraine, Tổng thư ký NATO J. Stoltenberg đã tuyên bố cần thiết phải tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ của liên minh trong dài hạn, trước mắt là thành lập bốn nhóm tác chiến mới ở Bulgaria, Romania, Hungary và Slovakia với quân số từ 1.000 đến 1.500 người.
NATO đã tăng cường đáng kể sự hiện diện của mình ở biên giới phía đông của liên minh, triển khai khoảng 40.000 quân từ Baltic đến Biển Đen, và dự kiến triển khai bốn đơn vị chiến đấu mới ở Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia.
Kể từ khi Nga sáp nhập Crimea năm 2014, NATO đã triển khai thêm khoảng 5.000 quân tới các nước Baltic và Ba Lan.
Trong thời gian diễn ra các hội nghị thượng đỉnh Brussels, hơn 30.000 binh sĩ từ 25 quốc gia NATO đã tiến hành tập trận ở Na Uy, một nước có chung đường biên giới với Nga, trong khuôn khổ cuộc tập trận mang tên "Phản ứng lạnh". Đặc biệt, hai quốc gia không phải thành viên NATO là Thụy Điển và Phần Lan đã tham gia cuộc tập trận. Hai nước này càng xích lại gần NATO sau cuộc chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt mới chống Nga
Tổng thống V. Zelensky đã đề nghị các nhà lãnh đạo nhóm G7 và EU hàng tuần gia tăng các biện pháp trừng phạt Moscow cho đến khi Nga chấm dứt các hoạt động quân sự tại Ukraine. Ông kêu gọi cắt đứt hoàn toàn quan hệ thương mại với Liên bang Nga và phong tỏa tất cả các ngân hàng của Nga.
Tuy nhiên, tuyên bố chung của hội nghị chỉ tập trung nhấn mạnh vào việc thực hiện các lệnh trừng phạt đã được công bố và nêu rõ cần thiết phải có các biện pháp ngăn chặn tất cả các khả năng Nga có thể lách luật để tránh các biện pháp trừng phạt.
Tuyên bố chỉ có một điểm mới là các nhà lãnh đạo tham gia hội nghị đã giao cho các bộ trưởng của mình nhiệm vụ xem xét kỹ các giao dịch bằng vàng của Ngân hàng Trung ương Liên bang Nga nhằm hạn chế khả năng của Moscow trong việc ổn định nền kinh tế.
Ngoài ra, thông cáo chung nhấn mạnh các nước châu Âu sẵn sàng áp đặt bổ sung các biện pháp trừng phạt mới nếu cần thiết. Rất khó có thể tìm ra được các biện pháp trừng phạt mới chống Nga vì nhiều biện pháp trừng phạt ở mức khắc nghiệt nhất đã được áp dụng. Các biện pháp trừng phạt mới có thể sẽ chỉ là tập trung mở rộng danh sách các cá nhân, công ty và ngân hàng.
Vấn đề khó khăn nhất đối với 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu là nguồn cung cấp năng lượng, đặc biệt khi các nước sản xuất dầu mỏ và khí đốt lớn nhất thế giới đã từ chối tăng sản lượng để thay thế nguồn cung cấp từ Nga.
Vấn đề khó khăn nhất đối với 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu là nguồn cung cấp năng lượng. Ảnh: RT
Ngày 25/3/2022, bên lề hội nghị thượng đỉnh, Mỹ đã ký kết Thỏa thuận cung cấp 15 tỷ m3 khí đốt hoá lỏng cho EU trong năm nay. Tuy nhiên, 15 tỷ m3 là khá nhỏ so 155 tỷ m3 châu Âu nhập từ Nga năm 2021 và chỉ bằng khoảng 1/6 nhu cầu khí đốt hàng năm của Đức.
Hơn nữa, việc vận chuyển khối lượng này bằng tàu biển sẽ khiến giá thành sẽ cao hơn rất nhiều so với vận chuyển bằng đường ống từ Nga. Trong tình hình như vậy, Mỹ rất khó nếu không muốn nói là không thể thay thế nguồn khí đốt của Nga.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã công khai bác bỏ ý tưởng cấm nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga. Đến nay châu Âu vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cũng cấp năng lượng từ Nga.
Ông nói: "Việc làm này sẽ đẩy châu Âu vào một cuộc suy thoái kinh tế, các biện pháp trừng phạt Nga không được gây tổn hại cho các nước châu Âu. Đây là nguyên tắc của chúng tôi." Chính phủ Hungary cũng phản đối việc cấm nhập khẩu năng lượng của Nga.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Charles Michel, còn tuyên bố thẳng thắn hơn: "Tình hình châu Âu không giống như ở Mỹ. Kinh tế châu Âu phụ thuộc rất nhiều vào dầu khí. Đó là lý do tại sao chúng ta phải hành động hợp lý. Mục đích trừng phạt là gây tổn thương cho Nga, nhưng không được làm hại cho chúng tôi".
Vấn đề gia nhập EU và yêu cầu cung cấp vũ khí của Ukraine
Phát biểu tại hội nghị, Tổng thống V. Zelensky đã kêu gọi các nước kết nạp ngay Ukraine làm thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và yêu cầu NATO cung cấp vũ khí tấn công cho Ukraine, gồm máy bay chiến đấu, xe tăng, hệ thống phòng không, các bệ phóng tên lửa và vũ khí chống hạm.
Vấn đề tư cách thành viên EU của Ukraine đã được nêu ra tại hội nghị. Tuy nhiên, tuyên bố chung về Ukraine chỉ khẳng định lại quyết định của hội nghị thượng đỉnh Versailles (12/3/2022) và yêu cầu Ủy ban châu Âu chuẩn bị ý kiến về vấn đề này.
Về yêu cầu ung cấp vũ khí của Kiev, tuyên bố chung thượng đỉnh NATO chỉ hứa hẹn sẽ tiếp tục "hỗ trợ thiết thực" cho Ukraine để tự vệ. Các nước NATO đồng ý cũng cấp cho Ukraine các vũ khí hạng nhẹ gồm tên lửa chống tăng, hệ thống phòng không di động và máy bay không người lái. Những vũ khí như vậy khó có thể ngăn chặn được các cuộc tấn công bằng tên lửa hiện đại, pháo binh và ném bom của Nga.
Các nước thành viên NATO chỉ cũng cấp vũ khí cho Ukraine một cách riêng lẻ chứ không phải với tư cách liên minh. Ảnh: AP Photo/Efrem Lukatsky
Đáng lưu ý, các nước thành viên NATO chỉ cũng cấp vũ khí cho Ukraine một cách riêng lẻ chứ không phải với tư cách liên minh.
Tổng thống Pháp E. Macron tuyên bố rất rõ ràng: "Có một giới hạn là không được trở thành một bên tham gia vào cuộc chiến." Tất cả các thành viên NATO đều đồng ý với ý kiến này của E. Macron.
Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố: "Nếu ông Putin tăng cường gây hấn, Anh có thể sẽ tăng cường đóng góp vào việc bảo vệ người Ukraine." Ông Johnson hứa sẽ cung cấp cho Ukraine những vũ khí mà Zelensky cần để bảo vệ đất nước của mình. Đến nay, Anh mới chỉ hứa cung cấp cho Kiev các vũ khí hạng nhẹ, phần lớn là tên lửa chống tăng.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho rằng về vấn đề cung cấp vũ khí, "mỗi quốc gia có những quy định riêng, ở đây không có chính sách chung". Thủ tướng Hungary cũng từ chối cung cấp vũ khí và cấm vận chuyển vũ khí cho Ukraine qua lãnh thổ Hungary.
Đặc biệt, tất cả các nước thành viên NATO đều tuyên bố sẽ không can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến và không muốn đối đầu quân sự với Nga. Các nhà lãnh đạo NATO chỉ đưa ra quyết định tăng cường khả năng phòng thủ NATO. Tại Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria sẽ triển khai các nhóm tác chiến, tương tự như các nhóm đã được triển khai ở các nước Baltic và Ba Lan.
Ý tưởng cử "lực lượng gìn giữ hòa bình" tới Ukraine, cũng như thiết lập vùng cấm bay đã không đạt được đồng thuận.
Tổng thư ký NATO J. Stoltenberg tuyên bố hỗ trợ toàn diện cho Kiev, nhưng không sẵn sàng can thiệp trực tiếp vào cuộc đối đầu với Nga. Ông nói "Chúng tôi đã nói rõ là chúng tôi sẽ không đưa quân đội NATO vào lãnh thổ Ukraine và chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo cuộc xung đột này không vượt ra ngoài biên giới Ukraine."
Ông nói thêm, không có chuyện thiết lập vùng cấm bay trên lãnh thổ Ukraine. Một động thái như vậy có nghĩa là các lực lượng NATO sẽ phải "tấn công ồ ạt các hệ thống phòng không của Nga ở Nga, Belarus và Ukraine, đồng thời sẵn sàng bắn hạ máy bay của Nga. Lúc đó nguy cơ xảy ra một cuộc chiến toàn diện giữa NATO và Nga sẽ rất cao."
Đề xuất thành lập Quỹ đoàn kết với Ukraine
Giữa tháng 2/2022, ngay cả trước khi chiến tranh bùng nổ, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Charles Michel, đã đề nghị tổ chức một hội nghị các nhà tài trợ cho Ukraine. Lúc đó, tình hình kinh tế của Ukraine đã hết sức khó khăn và bây giờ còn trở nên tồi tệ hơn. Bộ trưởng Tài chính Ukraine Serhiy Marchenko cho biết khoảng 30% nền kinh tế không hoạt động được do chiến tranh.
Kiev đã nhận được khoản vay 600 triệu euro từ EU như một phần của chương trình hỗ trợ tài chính. Con số này là quá ít ỏi so với nhu cầu của Ukraine. Ông C. Michel đã đề xuất thành lập một Quỹ đoàn kết với Ukraine, trước mắt để giúp kinh phí cho hoạt động của các cơ quan công quyền, các nhu cầu cơ bản của người dân như thực phẩm, thuốc men cũng như tăng cường khả năng quốc phòng. Về dài hạn, quỹ sẽ tài trợ cho việc tái thiết nền kinh tế và cơ sở hạ tầng sau chiến tranh. Số tiền này được sử dụng để giữ nền kinh tế Ukraine gắn kết với phương Tây.
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu đang xem xét những thiệt hại của các lệnh trừng phạt chống Nga đối với nền kinh tế của chính họ. Việc tăng chi phí quốc phòng lên 2% GDP, triển khai thêm quân dọc theo sườn phía đông của NATO cũng sẽ tiêu tốn một khoản tiền khá lớn, trong tình hình khó khăn hiện nay do đại dịch Covid-19 và cấm vận Nga gây ra rất khó có thể thực hiện được. Trong tình hình như vậy, đến nay vẫn chưa có nước nào đưa ra cam kết cụ thể đóng góp vào quỹ đoàn kết với Ukraine.
Mặc dù tuyên bố mạnh mẽ chống chiến dịch quân sự của Nga, nhưng nhìn chung các hội nghị thượng đỉnh đã diễn ra mà không có bất kỳ cử quyết định cấp bách nào được thông qua. Các nước vẫn giữa một khoảng cách nhất định trong quan hệ với Nga.
Doanh nghiệp và tiếp thị