MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại 6 đại án khiến lọat quan chức, đại gia 'dính chàm' trong năm 2022

21-01-2023 - 18:30 PM | Xã hội

Năm 2022, hàng loạt quan chức cấp cao, chủ tịch tập đoàn, công ty lớn bị khởi tố, truy tố, đưa ra xét xử trong các đại án về kinh tế, tham nhũng.

Đại án Việt Á

Sau hơn một năm khởi tố vụ án, cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 102 người liên quan vụ Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.

Trong số các bị can, có nhiều người là cựu lãnh đạo, quan chức thuộc Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ. Trong đó có 3 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng là cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng. Còn lại phần lớn là lãnh đạo, cán bộ Tỉnh ủy, UBND, CDC, Sở Y tế… nhiều tỉnh, thành trên khắp cả nước.

Nhìn lại 6 đại án khiến lọat quan chức, đại gia dính chàm trong năm 2022 - Ảnh 1.

3 nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long, Phạm Xuân Thăng bị khởi tố do liên quan vụ Công ty Việt Á nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19.

Gần đây, Bộ Công an bắt thêm ông Nguyễn Văn Trịnh (Trợ lý Phó Thủ tướng) về hành vi "lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Quá trình điều tra, Bộ Công an xác định, bị can Phan Quốc Việt, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19, đã thu lãi 4.000 tỷ đồng và chi "bôi trơn" khoảng 800 tỷ đồng để được cung ứng kit xét nghiệm.

Vụ chuyến bay giải cứu

Giai đoạn 2020 - 2021, dịch COVID-19 bùng phát mạnh cả trong và ngoài nước. Để ứng phó với tình hình dịch bệnh chưa từng có, Việt Nam tạm dừng các chuyến bay thương mại quốc tế. Công dân Việt Nam tại nước ngoài muốn về nước phải di chuyển bằng các chuyến bay giải cứu.

Từ tháng 12/2020, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao tổ chức 173 chuyến bay, đưa hơn 50.000 công dân thuộc diện ưu tiên về nước. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao phối hợp với bộ, ngành tổ chức hơn 400 chuyến bay đưa về nước trên 70.000 người.

Thời điểm ấy, do số lượng người Việt Nam có nhu cầu về nước rất lớn, trong khi số chuyến bay giải cứu lại có hạn, việc kiếm được một tấm vé về nước quý giá hơn bao giờ hết. Nhưng cũng vì chuyện này, dư luận dần xôn xao với thông tin chi phí cho mỗi chiếc vé trên các chuyến bay giải cứu là quá cao, thủ tục lại rườm rà, phức tạp.

Nhìn lại 6 đại án khiến lọat quan chức, đại gia dính chàm trong năm 2022 - Ảnh 2.

Ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (trái) và ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội bị bắt trong vụ chuyến bay giải cứu.

Tính đến hết năm 2022, Cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam 38 người, có nhiều lãnh đạo liên quan các Bộ Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải và địa phương. Trong đó hai quan chức cao nhất bị khởi tố đến nay là ông Tô Anh Dũng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao (đã bị khai trừ Đảng và buộc thôi việc) và ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Ngay trước thềm năm mới 2023, tối 31/12/2022, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết đã khởi tố, bắt tạm giam ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam với cáo buộc nhận hối lộ trong vụ án này.

Ngoài ra, vụ án này có 10 bị can là Giám đốc, Tổng Giám đốc, Chủ tịch các công ty kinh doanh dịch vụ về du lịch và lữ hành. Nhóm này đều bị khởi tố tội đưa hối lộ.

Tại cuộc họp báo hồi cuối tháng 6/2022, lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho hay, các bị can trong vụ án đã đưa, nhận hối lộ hàng chục tỷ đồng và hàng trăm nghìn USD. Tuy nhiên, con số đưa và nhận cụ thể bao nhiêu thì phải chờ kết quả điều tra chính thức.

Thao túng giá chứng khoán

Ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Trịnh Văn Quyết (Chủ tịch HĐQT FLC) với tội danh "Thao túng thị trường chứng khoán".

Sau đó, cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, xác minh thêm các cá nhân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán".

Nhìn lại 6 đại án khiến lọat quan chức, đại gia dính chàm trong năm 2022 - Ảnh 3.

Ông Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch FLC).

Tiếp đó, ngày 25/8/2022, ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục bị Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bổ sung tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" cùng với bà Trịnh Thị Thúy Nga, Trịnh Thị Minh Huế và Hương Trần Kiều Dung. Bốn người này bị điều tra hành vi nâng khống vốn của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán của cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết được xác định thực hiện từ đầu tháng 12/2021, kéo dài đến phiên giao dịch chứng khoán ngày 10/1/2022 - phiên mà cựu Chủ tịch FLC bán chui 74,8 triệu cổ phiếu.

Ông Trịnh Văn Quyết bị cáo buộc có hành vi tạo cung cầu giả, "thổi giá" cổ phiếu thuộc Tập đoàn FLC lên cao. Đến thời điểm mức giá cổ phiếu lên cao, cựu Chủ tịch FLC đã chỉ đạo bán ra số lượng rất lớn, trong đó có một lượng cổ phiếu được “bán chui”, khiến nhiều nhà đầu tư thiệt hại nặng.

Vụ án Tân Hoàng Minh

Ngày 5/4/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh và các tổ chức, đơn vị liên quan.

Đồng thời, cơ quan điều tra ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch Tân Hoàng Minh), Đỗ Hoàng Việt (con trai ông Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh), Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt) và các bị can có liên quan về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Nhìn lại 6 đại án khiến lọat quan chức, đại gia dính chàm trong năm 2022 - Ảnh 4.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng (ảnh to) và một số bị can trong vụ án.

Cơ quan điều tra xác định, trong thời gian từ tháng 7/2021 đến tháng 3/2022, cựu Chủ tịch Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng và một số thuộc cấp đã sử dụng pháp nhân của 3 công ty con gồm Công ty Ngôi Sao Việt, Công ty Đầu tư & Dịch vụ khách sạn Soleil, Công ty Cung Điện Mùa Đông để thực hiện hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu.

Từ việc phát hành trái phiếu gian dối, nhóm đã huy động tiền trái quy định của nhiều nhà đầu tư. Tân Hoàng Minh đã phát hành 9 đợt trái phiếu trái quy định pháp luật, tổng trị giá 10.300 tỷ đồng, để huy động tiền của nhà đầu tư, nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh theo hồ sơ phát hành trái phiếu.

Vụ án Vạn Thịnh Phát

Ngày 7/10/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Cơ quan chức năng đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" do có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định của pháp luật.

Nhìn lại 6 đại án khiến lọat quan chức, đại gia dính chàm trong năm 2022 - Ảnh 5.

Hai bị can Trương Mỹ Lan (trái) và Trương Huệ Vân

Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam các bị can Trương Huệ Vân (Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor), Nguyễn Phương Hồng (trợ lý Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và Hồ Bửu Phương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán Tân Việt, nguyên Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Công ty Cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát).

Cơ quan điều tra xác định, bà Trương Mỹ Lan và các bị can có hành vi gian dối trong việc phát hành, mua bán trái phiếu trái quy định pháp luật để chiếm đoạt hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư trong thời gian năm 2018 - 2019. Sai phạm này xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông và các tổ chức, đơn vị có liên quan.

Vụ án AIC

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế - AIC), được xác định có vai trò lớn trong vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ…" xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị liên quan.

Theo cáo buộc, cựu Chủ tịch Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã dùng nhiều chiêu trò thông thầu, gian lận thầu AIC và các công ty được chỉ định trúng 16 gói thầu thiết bị y tế tại Đồng Nai, với tổng trị giá hơn 665 tỷ đồng.

Nhìn lại 6 đại án khiến lọat quan chức, đại gia dính chàm trong năm 2022 - Ảnh 6.

Cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành (trái) và cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái tại toà.

Sau khi trúng thầu, Nhàn trực tiếp và chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ cho cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành 14,5 tỷ đồng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái 14,5 tỷ đồng và cựu Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai 14,8 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra quy kết Nguyễn Thị Thanh Nhàn hưởng lợi trái pháp luật hơn 148 tỷ đồng, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước 152 tỷ đồng.

Ngoài ra, sau khi trúng thầu, cựu Chủ tịch AIC còn ký các phụ lục điều chỉnh mức phạt hợp đồng, điều chỉnh thời gian thực hiện hợp đồng để Công ty AIC hưởng lợi trái phép, gây thiệt hại cho tài sản nhà nước số tiền 3,5 tỷ đồng. Hành vi của Nguyễn Thị Thanh Nhàn được xác định gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 152 tỷ đồng.

Sau 15 ngày xét xử và nghị án, sáng 4/1, TAND TP Hà Nội đã tuyên án sơ thẩm đối với 36 bị cáo trong đại án AIC.

Cựu Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn (đang bỏ trốn) bị phạt 14 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" 16 năm tù về tội "Đưa hối lộ". Tổng hình phạt 30 năm tù.

Phan Huy Anh Vũ (cựu Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai), nhận 9 năm tù về tội "Nhận hối lộ" và 10 năm tù do "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp 19 năm.

Cùng với đó, Tòa cấp sơ thẩm tuyên cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành 11 năm tù, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Quốc Thái 9 năm tù cùng về tội "Nhận hối lộ". Bồ Ngọc Thu (cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai) lĩnh 3 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Phó tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà (đang bị truy nã) lĩnh tổng mức án 25 năm tù. Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó tổng giám đốc Công ty AIC) lĩnh 12 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

29 bị cáo còn lại lĩnh các mức án từ 30 tháng tù treo đến 6 năm tù.

Anh Văn/VTC News

VTC News

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên