MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại cơn sốt đất bất động sản trước khi thị trường rơi vào chu kỳ đóng băng 10 năm trước

03-01-2022 - 15:06 PM | Bất động sản

Nhìn lại cơn sốt đất bất động sản trước khi thị trường rơi vào chu kỳ đóng băng 10 năm trước

Trước khi thị trường bất động sản bước vào giai đoạn đóng băng 2011-2013, cơn sốt đất đã “hoành hành” tại nhiều nơi. Giá tăng chóng mặt, nhà đầu tư kỳ vọng quá mức vào bất động sản là điều đã từng diễn ra trong cơn sốt cách đấy hơn một thập kỷ.

Năm 2008, lạm phát lên tới 22%, đất đai trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Dù có lúc chững lại nhẹ nhưng nhìn tổng thể giai đoạn 2008-2010, đó là khoảng thời gian mà các sàn giao dịch bất động sản mọc lên như nấm. Đó cũng là lúc mà giá đất được thổi lên chóng mặt, vượt quá khả năng mua của phần lớn người dân.

Đến năm 2010, thị trường bất động sản tiếp tục ghi nhận tăng chóng mặt tại nhiều khu vực. Chỉ tính trong vòng một năm từ 2009 đến 2010, giá đất nhiều khu vực Hà Nội tăng gấp 3 đến 5 lần. 

Điển hình như Ba Vì, khi thông tin về Trung tâm hành chính Quốc gia sẽ chuyển về Ba Vì đã thổi bùng lên làn sóng săn hàng. Nhà đầu tư bất chấp mua ngay cả lô đất không pháp lý, thiếu vị trí đẹp. Không ít nhà đầu tư kể lại rằng, các lô đất rẻ đều thành đất vàng, tăng giá gấp 3 chỉ cách nhau có vài tháng. Một số nhà đầu tư còn săn cả đất rừng để đầu tư. 

Trong khi đó, tại xã Cổ Đông (Sơn Tây, Hà Nội), thời điểm sốt đất năm 2010, một sào đất bán chưa đầy 200 triệu đồng bất ngờ lên tới 2,5-3 triệu đồng/m2. Các lô đất sát vị trí mặt đường cũng tăng lên 55 triệu đồng/m2. 

Cơn sốt đất còn đổ bộ ở khu vực Tây Hà Nội như Hoài Đức. Giá đất tại khu đô thị Tân Tây Đô rao bán đầu năm là 22 triệu đồng/m2, đến cuối năm đã tăng lên 60 triệu đồng/m2. Dự án Lê Trọng Tấn Geleximco ghi nhận mức giá 50 triệu đồng/m2 các ô liền kề, sau đó tăng vọt lên 100 triệu đồng/m2. 

Nhìn lại cơn sốt đất bất động sản trước khi thị trường rơi vào chu kỳ đóng băng 10 năm trước - Ảnh 1.

Khu đô thị Geleximco từng có giá 50 triệu đồng/m2 rồi tăng vọt lên 100 triệu đồng/m2.

Tại khu Splendora Bắc An Khánh, một căn biệt thự 450m2 khi dự án mới làm hạ tầng có giá 11,5 tỷ nhưng sau đó, khoản tiền chênh lên đến 21 tỷ đồng. 

Đến tháng 10/2010, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo mới nhất về việc phê duyệt Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, trong đó giữ nguyên trục Hồ Tây – Ba Vì và trụ sở các bộ ngành xây mới sẽ được đặt tại Mỹ Đình, Tây Hồ Tây. Cơn sốt đất lại bắt đầu bùng nổ tại Mỹ Đình. 

Giá đất khi nhận dọc đường Lê Đức Thọ, xã Mỹ Đình (H.Từ Liêm) từng lên tới 360 triệu đồng/m2, đắt ngang với đất phố cổ. Giá đất trong ngõ tại làng Phú Đô, Tân Mỹ, Nhân Mỹ, Phú Mỹ, Đình Thôn cũng dao động từ 70-100 triệu đồng/m2, vị trí có ôtô đi vào. Với vị trí trong ngõ, giá cũng lên tới 40-50 triệu đồng/m2. 

Giá đất ở khu vực Mễ Trì cũng liên tục thiết lập mặt bằng giá mới, có nơi tăng tới 80 triệu đồng, trong khi đó vào đầu năm 2010, giá nơi đây chỉ khoảng 30-40 triệu đồng/m2. 

Một số khu vực quận nội thành Hà Nội còn ghi nhận mức giá đất lên tới 500-700 triệu đồng/m2.

"Nếu không xuống tiền nhanh thì sẽ mất cơ hội sinh lời", đó là lời truyền tai nhau của các nhà đầu tư và môi giới. Thế nhưng, cuối năm 2010, bước sang năm 2011, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu chững lại dần và rơi vào đóng băng. Chính sách siết tín dụng cùng thông tin quy hoạch được công bố rõ ràng đã khiến thị trường rơi vào đóng băng và lao dốc nhanh chóng. Thị trường địa ốc bắt đầu xuất hiện "tử huyệt" chôn vùi khoản tiền khổng lồ của những nhà đầu tư thích đón đầu quy hoạch, "lướt sóng". 

Nhìn lại kịch bản của thị trường bất động sản hiện tại với cơn sốt đất chạy theo quy hoạch, không ít nhà đầu tư, chuyên gia thận trọng dự báo về diễn biến có thể lặp lại kịch bản hơn 1 thập kỷ trước, nhưng diễn biến có thể nhẹ hơn, nhất là khi một số khu vực cũng đang tăng ảo trước thông tin quy hoạch trên thị trường.

Hải Nam

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên