Nhìn lại cuộc bầu cử giữa kỳ lịch sử của Mỹ: Kiểm soát sự bốc đồng của ông Trump
Việc đảng của Tổng thống Trump để mất Hạ viện được các nhà kinh tế học coi là dấu hiệu đáng mừng với nền kinh tế nhất là trong bối cảnh ông chủ Nhà Trắng luôn đưa ra những quyết định khó đoán.
- 24-12-2018Bitcoin và các đồng tiền số trong năm 2018: Từ đỉnh cao rớt xuống vực sâu
- 23-12-2018Nhìn lại bốn lần nâng lãi suất của Fed khiến thị trường "chạm đáy nỗi đau"
- 22-12-2018Nhìn lại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Nỗi đau chưa thấy hồi kết
- 21-12-2018Toàn cảnh chứng khoán thế giới năm 2018: Trắng tay
Cuộc bầu cử giữa kỳ lịch sử
Việc ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ là một trong những bất ngờ lớn nhất với chính trường thế giới trong nhiều năm qua. Nó phản ánh sự lên ngôi của chủ nghĩa dân túy, vốn bùng lên khắp toàn cầu sau vụ Anh rời Liên minh châu Âu (EU). Tuy nhiên, cuộc bầu cử giữa kỳ chính là bài kiểm tra mà người Mỹ sẽ chấm điểm cho những gì ông Trump đã thực hiện và đang theo đuổi trong 2 năm qua.
Và bài kiểm tra đó đã cho một kết quả vừa ý nhiều người.
Đảng Cộng hòa của ông Trump tiếp tục kiểm soát Thượng viện nhưng lại để mất Hạ viện vào tay người Dân chủ. Nó không chỉ là cuộc trưng cầu dân ý về hai năm đầu tiên của Tổng thống Trump ở Nhà Trắng mà còn đánh giá sự uy tín trong đường lối chính trị dân túy mà ông chủ Nhà Trắng chính là người đại diện lớn nhất.
Lần đầu tiên kể từ năm 2010, đảng Dân chủ mới giành được quyền kiểm soát Hạ viện. Đây là chiến tháng đáng mong đợi, nhất là khi họ thảm bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016 với chiến thắng của ông Trump và lưỡng viện đều do người Cộng hòa kiểm soát. Điều này giúp hai năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump trở nên dễ thở.
Với quyền lực ở Hạ viện, người Dân chủ khiến ông Trump không còn sự thoải mái ấy. Kiểm soát Hạ viện cho phép người Dân chủ tiến hành các cuộc điều tra thực sự, nghiêm túc và không thể giấu diếm nhằm vào Tổng thống Trump hay các thành viên nội các của ông.
Tuy nhiên, ngoài các vấn đề về chính trị, việc người Dân chủ kiểm soát Hạ viện Mỹ cũng có những vai trò to lớn với nền kinh tế Mỹ và cả thế giới. Nó mang đến sự kiểm soát lớn với sự bốc đồng của ông Trump, người mà cả những đồng minh và đối thủ đều không thể lường trước hành động.
Với thị trường tài chính, một Tổng thống Trump được kiểm soát sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giảm thiểu những biến động tới từ các dòng thông điệp của ông trên mạng xã hội. Ngoài ra, nó cũng mở ra cơ hội để có cái cái nhìn thực chất nhất về kết quả chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa và các vấn đề kinh tế khác như thuế hay tiềm năng phát triển kinh tế.
Thị trường tài chính hưởng lợi
Các nhà đầu tư tin rằng, kịch bản đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện trong khi đảng Cộng hòa nắm Thượng viện vẫn là sự hoàn hảo nhất cho thị trường. Điều này cho phép tiếp tục thực thi những chính sách thân thiện với kinh doanh của Tổng thống Trump nhưng lại góp phần kiềm chế những hành động khiến thị trường rối loạn mà ông chủ Nhà Trắng vẫn đưa ra.
Lịch sử đã chứng minh rằng lợi nhuận từ thị trường chứng khoán sẽ tốt hơn khi hai đảng chia nhau kiểm soát lưỡng viện Quốc hội Mỹ.
Ngay sau khi thông tin đảng Dân chủ giành chiến thắng được công bố, Dow Jones Futures đã tăng 63 điểm. S&P 500 và Nasdaq 100 futures cũng tăng rất cao. Tuy nhiên, trước đó thị trường cũng có những biến động khi phe Dân chủ khởi đầu với ưu thế bởi các nhà đầu tư lo ngại cái gọi là "làn sóng xanh".
Việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát Thượng viện cũng ngăn chặn nó tác động đến những chính sách thân thiện của ông Trump với giới kinh doanh, đầu tư. Với màu xanh nước biển là màu chủ đạo, người ta gọi việc người Dân chủ càn quét các bang nước Mỹ trong cuộc bầu cử giữa kỳ là làn sóng xanh. Điều này đã không xảy ra.
Dan Deming, giám đốc điều hành của KKM Financial, nhấn mạnh: "Tôi cho rằng đây là sự tích cực trong ngắn hạn. Nó diễn ra đúng như mong đợi và có thể mang lại những thuận lợi to lớn. Tuy nhiên, về dài hạn, thị trường sẽ sớm tập trung trở lại các vấn đề như thương mại và lãi suất".
Quincy Krosby, giám đốc chiến lược thị trường của Prudential Financial, thì cho rằng cuộc bỏ phiếu đã diễn ra đúng như những gì các nhà đầu tư dự đoán và là điều tốt nhất có thể. Ở thời điểm hiện tại, thị trường đang cố gắng tìm ra những lĩnh vực có thể hưởng lợi nhiều nhất".
Art Hogan, chiến lược gia trưởng tại B. Riley FBR, cho rằng, việc đảng Dân chủ nắm quyền kiểm soát Hạ viện có thể gây ra những khó khăn trong lĩnh vực tài chính. "Người ta cần nhiều hơn một quy định để bãi bỏ hay triển khai các luật về tài chính và việc Quốc hội Mỹ do hai đảng đối lập lãnh đạo sẽ khiến những quy định, đạo luật khó được thông qua hơn", Hogan nói.
Tuy nhiên, nhìn chung cổ phiếu thường tăng trưởng tốt khi Quốc hội bị chia rẽ trong khi Nhà Trắng nằm dưới quyền kiểm soát của người Cộng hòa. Theo Bank of America Merrill Lynch, trong trường hợp này, S&P 500 sẽ đạt mức lợi nhuận hàng năm là 12%.