Nhìn lại điểm nhấn tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV
Tại phiên khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh kỳ họp diễn ra trong bối cảnh đất nước có nhiều chuyển biến mạnh mẽ, tích cực.
Sáng 21/5, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã khai mạc tại thủ đô Hà Nội. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án Luật, các dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 8 dự án Luật khác. Trong ảnh, hơn 480 đại biểu Quốc hội cùng các vị nguyên lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội chào cờ tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội)
Phát biểu khai mạc Kỳ họp, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong bối cảnh tình hình đất nước tiếp tục có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng Quý I đạt mức cao nhất trong 10 năm gần đây, điều này cho thấy, tăng trưởng kinh tế năm nay tiếp tục được cải thiện.... (Ảnh: Minh Đạt)
Chủ tịch cũng nêu rõ, có rất nhiều nhiệm vụ quan trọng đặt ra đối với Quốc hội, đòi hỏi Quốc hội phải tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo và hành động vì lợi ích của Nhân dân, của dân tộc để hoàn thành các nhiệm vụ đề ra.(Ảnh: Minh Đạt)
Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế xã hội năm 2017, tình hình những tháng đầu năm 2018, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình cho biết, điểm nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội quý I là cả 3 khu vực đều tăng cao hơn cùng kỳ: nông nghiệp được mùa, tăng 4,05% (cùng kỳ 2,08%); công nghiệp và xây dựng tăng 9,7% (cùng kỳ 4,48%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng mạnh 13,56%; dịch vụ tăng 6,7% (cùng kỳ 6,36%).
(Ảnh: Minh Đạt)
Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ nhận định: đổi mới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo diễn ra mạnh mẽ, nhất là đổi mới công tác thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ được xã hội đánh giá tích cực...; Việc làm, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác đạt được nhiều kết quả quan trọng... Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đã giảm xuống. Văn hóa, thể dục, thể thao đạt được nhiều thành tích ấn tượng, góp phần nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam trên trường quốc tế.
(Ảnh: Minh Đạt)
Công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được quán triệt, thực hiện nghiêm túc và đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng, nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, từng bước củng cố niềm tin của nhân dân... (Ảnh: Minh Đạt)
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước gửi tới kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQVN Trần Thanh Mẫn cho biết, cử tri và nhân dân tiếp tục thể hiện sự tin tưởng, kỳ vọng vào quyết tâm chính trị và hành động quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí; đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt cải cách thủ tục hành chính; người đứng đầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần xác định rõ trách nhiệm thực hiện... (Ảnh: Minh Đạt)
Trính bày Báo cáo thẩm tra tình hình kinh tế - xã hội tại phiên khai mạc sáng 21/5, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội xVũ Hồng Thanh bày tỏ lo ngại về tình trạng tài sản công thất thoát qua một số vụ việc vừa bị phát hiện. Dẫn chứng bằng vụ chuyển nhượng trái phép nhiều tài sản công tại thành phố Đà Nẵng cho Phan Văn Anh Vũ, ông Thanh nhấn mạnh việc quản lý, sử dụng tài sản công chưa chặt chẽ, qua một số vụ việc đã phát hiện thất thoát lớn, phải xử lý trách nhiệm hình sự cả cán bộ ở cơ quan địa phương và trung ương.(Ảnh: Minh Đạt)
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2016, nêu rõ, công tác quản lý, kiểm soát chi NSNN chặt chẽ theo quy định của Luật NSNN và nghị quyết của Quốc hội. Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, điều hành dự toán NSNN có hiệu quả, tiết kiệm, chống lãng phí theo nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, công tác quản lý NSNN ở một số đơn vị, địa phương còn một số tồn tại hạn chế; cần tiếp tục có những giải pháp khắc phục hiệu quả.. (Ảnh: Minh Đạt)
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo Thẩm tra quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, cho rằng, việc thực hiện một số nội dung liên quan đến chính sách tài khóa năm 2016 chưa thực sự hiệu quả; cơ cấu thu ngân sách chưa bền vững, tăng thu chủ yếu từ tài nguyên và đất đai; tỷ trọng các khoản thu, chi NSNN còn khoảng cách so với mục tiêu phấn đấu giai đoạn 2016-2020;… (Ảnh: Minh Đạt)
Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016, cho biết, về nội dung mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản, báo cáo cho thấy, một số địa phương được kiểm toán chưa ban hành quy chế quản lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng để áp dụng; một số địa phương còn trang bị xe ô tô, mô tô cho đơn vị không có tiêu chuẩn được trang bị; vẫn có những địa phương mua xe ô tô không đúng quy định. Cũng theo Tổng Kiểm toán, qua kiểm toán tại một số địa phương, việc quản lý, sử dụng đất, tài sản tại một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương không đúng quy định, thiếu chặt chẽ và không hiệu quả..(Ảnh: Minh Đạt)
Cũng trong ngày làm việc đầu tiên, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Trồng trọt; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Trồng trọt; Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật Đặc xá (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (ảnh), trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đặc xá (sửa đổi). (Ảnh: Minh Đạt)
VOV