Nhìn lại kinh tế 9 tháng đầu năm qua các con số thống kê
Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và đầu tư) vừa công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 9 và 9 tháng năm 2016.
- 09-09-2016Forbes: Việt Nam sẵn sàng trở thành con hổ kinh tế của châu Á
- 07-09-2016Việt Nam quan hệ “buôn bán” ra sao với các nền kinh tế G20?
- 07-09-2016Kinh tế “xanh”, kinh tế “nâu” và bài toán khó của Việt Nam
- 02-09-2016Chuyên gia Phạm Chi Lan: Nguồn lực đã cạn kiệt, lấy gì tăng trưởng kinh tế?
Tăng trưởng GDP khó chạm đích
Theo số liệu được Tổng cục Thống kê chính thức công bố ngày 29/9, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm ước tăng 5,93% so với cùng kỳ năm trước.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang thể hiện sự duy trì khá ổn định khi quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 5,48%, quý II tăng 5,78% và ước tính quý III tăng 6,40%).
Như vậy, mức tăng trưởng 9 tháng đầu năm nay thấp hơn khá nhiều so với mức tăng 6,53% của cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu được đưa ra là do ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục giảm sút và nông nghiệp tăng trưởng thấp hơn mức tăng cùng kỳ năm trước.
Theo nhận định của lãnh đạo Tổng cục Thống kê, mức tăng GDP khó đạt kế hoạch 6,7% đặt ra hồi đầu năm.
Tại cuộc họp vừa diễn ra ngày 30/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu cũng cho biết: “Ước tính tăng trưởng kinh tế cả năm 2016 đạt khoảng từ 6,3-6,5%, nhưng khả năng cao là đạt 6,3%”.
Quay trở lại nhập siêu trong tháng 9
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 9 tháng đầu năm cả nước ước đạt gần 253,6 tỷ USD.
Trong đó kim ngạch xuất khẩu ước đạt 128,2, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước. Còn nhập khẩu ước đạt 125,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, 9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất siêu ước đạt 2,8 tỷ USD. Nếu tính riêng trong tháng 9, cả nước lại nhập siêu khoảng 100 triệu USD, trong đó xuất nhập ước đạt 15 tỷ USD, nhập khẩu đạt 15,1 tỷ USD.
Bội chi ngân sách đã lên tới 154.200 tỷ đồng
Tổng cục Thống kê cho biết, mức bội chi ngân sách đã lên tới 154.200 tỷ đồng sau 9 tháng năm 2016.
Cụ thể, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2016 ước tính đạt 665,2 nghìn tỷ đồng, bằng 65,6% dự toán năm. Trong khi đó, tổng chi ước tính đạt 819,4 nghìn tỷ đồng, bằng 64,4% dự toán năm.
Về cơ câu thu ngân sách 9 tháng năm 2016, Tổng cục Thống kê cho biết: Thu nội địa đạt 536,3 nghìn tỷ đồng, bằng 68,3%; thu từ dầu thô đạt 28,4 nghìn tỷ đồng, bằng 52%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 97,4 nghìn tỷ đồng, bằng 56,6%.
Theo lý giải của cơ quan thống kê, thu ngân sách Nhà nước 9 tháng đạt thấp chủ yếu do ảnh hưởng của giá dầu giảm và tác động của chuyển hướng thương mại, chuyển dịch cơ cấu hàng hóa nhập khẩu khi tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs) làm giảm nguồn thu ngân sách Trung ương .
Ở chiều ngược lại, tổng chi ước tính đạt 819,4 nghìn tỷ đồng, bằng 64,4% dự toán năm. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 130,2 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 574,2 nghìn tỷ đồng, bằng 69,7%.
Đáng lưu ý, số tiền chi trả nợ và viện trợ đạt tới 109,8 nghìn tỷ đồng, bằng 70,8%. Như vậy, bình quân cứ thu được 6 tỷ đồng thì ngân sách nhà nước lại phải mang 1 tỷ đồng đi trả nợ, viện trợ.
Học phí, giá xăng kéo CPI bật tăng
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa được Tổng cục Thống kê công bố đã bật tăng 0,54% so với tháng trước và tăng 3,14% so với tháng 12 năm trước. Bình quân chín tháng đầu năm, CPI đã tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng giống như các năm, CPI của tháng 9 thường diễn biến khác so với các tháng trước đó do tác động của việc tăng học phí của các cấp học.
Năm nay, ngoài việc chịu tác động tăng giá "đến hẹn lại lên" của học phí, CPI còn chịu tác động của việc tăng giá các mặt hàng xăng dầu sau các đợt tăng giá của nhà nước thời gian qua.
Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và đầu tư, lạm phát 9 tháng đầu năm 2016 vẫn ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 0,54% so với tháng 8, tăng 3,14% so với tháng 12/2015 và tăng 3,34% so với cùng kỳ năm 2015.
Dự báo, lạm phát trong năm 2016 sẽ được kiểm soát dưới 5% như Nghị quyết của Quốc hội đề ra.
Vốn FDI thực hiện đạt 11,02 tỷ USD
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2016 thu hút 1820 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 11.164,6 triệu USD, tăng 27,1% về số dự án và tăng 1,1% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, có 851 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 5265,5 triệu USD.
Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 9 tháng năm nay đạt 16.430,1 triệu USD, giảm 4,2% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 11,02 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2015.
Số doanh nghiệp “cải tử hoàn sinh” tăng mạnh
Tính chung 9 tháng, cả nước có 81.451 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 629,1 nghìn tỷ đồng.
Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 20510, tăng 59,6% so với cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2015 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2014).
Điều này cho thấy khung khổ pháp lý mới cùng với các giải pháp của Chính phủ trong việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp phát triển đã phát huy hiệu quả, giúp doanh nghiệp tìm thấy hướng đi, cơ hội phát triển mới, Tổng cục Thống kê nhận định.
Trong khi đó, số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh trong 9 tháng là 8365 doanh nghiệp, tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2015 giảm 0,9% so với năm 2014). Còn số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 9 tháng năm nay là 45097 doanh nghiệp.
Số người thất nghiệp tăng mạnh
Tổng cục Thống kê cho biết, số lượng người thất nghiệp trong quý 3/2016 ước tính là 1.160,5 nghìn người, tăng thêm gần 40.000 người so với quý 2/2016, trong khi cùng kỳ năm ngoái con số này chỉ là 25.000 người.
Nói về nguyên nhân tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam tăng cao, bà Nguyễn Thị Xuân Mai – Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết chủ yếu do ảnh hưởng từ sự cố biển miền Trung là chắc chắn. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng ở mỗi tỉnh là khác nhau.
Riêng đối với Hà Tĩnh, sự cố môi trường đã ảnh hưởng tới 22.780 hộ gia đình và 65 xã. Tổng cộng có 24.449 người mất việc và không có việc làm ổn định.
Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi tăng cao dần qua các quý. Cụ thể, nếu quý I/2016 là 2,25% thì quý II là 2,29%; và ước tính quý III là 2,34%. Trong đó, đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) 9 tháng đầu năm là 7,04%, trong đó khu vực thành thị là 11,65%; khu vực nông thôn là 5,27%.
BizLIVE