Nhìn lại kỳ họp thứ 3, QH khoá XIV: Tranh luận "nảy lửa" các vấn đề y tế
Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ngày 14/6/2017 đã nhận được sự quan tâm và tham gia tranh luận "nảy lửa" từ các đại biểu.
LTS: Sau một tháng làm việc với tinh thần nghiêm túc và trách nhiệm, sáng 21/6, tại Hội trường Diên Hồng, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành bế mạc Kỳ họp thứ 3 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc với nhiều nội dung quan trọng. Với tinh thần đổi mới, đoàn kết, sáng tạo, hành động, các vị đại biểu Quốc hội đã tích cực thảo luận, tranh luận, đóng góp nhiều ý kiến trong công tác lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Sau kì họp thứ 3, các đại biểu Quốc hội sẽ tiếp xúc cử tri để báo cáo về kết quả của kì họp. VTV News xin điểm lại một số vấn đề nóng thu hút nhiều đại biểu tham gia hỏi và tranh luận trong các phiên chất vấn ngày 13-15/6.
Hàng chục năm qua, quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) luôn kết dư lớn nhưng bất ngờ "gió đổi chiều" từ năm 2016, khi Quỹ bội chi tới hơn 5000 tỷ đồng. Mặc dù vấn đề này đã được đề cập tới ở nhiều phiên tranh luận, tuy nhiên, dường như phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế và TGĐ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam vẫn chưa khiến các đại biểu thực sự cảm thấy hài lòng.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, vừa qua khi tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát đã phát hiện tình trạng lạm dụng, trực lợi BHYT từ hai phía, "một là từ phía cơ quan y tế, hai là người dân".
Theo Bộ trưởng Tiến, với mức đóng thấp (chỉ khoảng chưa đến 700.000 VND) thì mức hưởng bảo hiểm như hiện nay là quá rộng. Hơn nữa, vì có sự thông tuyến cho nên nhiều người dân lạm dụng đi khám rất nhiều, có những người khám đến 20-30 lần, sáng đi khám, chiều lại đi khám, khám ở huyện này xong lại sang huyện khác khám... để xin thuốc.
Trong khi đó, từ đơn vị y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế thừa nhận cơ chế tự chủ có những mặt hạn chế đó là tăng nguồn thu lạm dụng từ kỹ thuật xét nghiệm, từ dịch vụ y tế, kéo dài thời gian nằm viện hoặc chưa thực sự cần thiết nhưng vẫn nhập viện tạo nên tăng chi.
Quan hệ giữa cơ sở khám chữa bệnh, bảo hiểm và bệnh nhân theo mô tả của Bộ trưởng Tiến là "như nằm trong một tam giác co kéo lẫn nhau". Bệnh nhân muốn được hưởng quyền lợi cao nhất mà đóng thì thấp nhất. Còn đội ngũ y bác sỹ cũng mong muốn có được những phương tiện tốt nhất để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trong khi đó, phía bảo hiểm cũng cần phải giữ quỹ, cân đối thu chi, giúp đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.
Liên quan tới vấn đề BHYT, bà Nguyễn Thị Minh, TGĐ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam được mời lên phát biểu giải trình thêm.
Theo bà Minh, quản lý và sử dụng Quỹ làm được khối lượng công việc lớn, mỗi năm khám chữa bệnh cho khoảng 150 triệu lượt người, độ bao phủ 77 triệu người, chiếm 83% dân số. Chất lượng khám chữa bệnh đã và được nâng cao. Tuy nhiên, vì đối tượng phục vụ quá lớn, lại rải rác ở hơn 14.000 cơ sở khám chữa bệnh nên tình trạng lạm dụng trục lợi BHYT gần đây diễn ra phổ biến.
Khi nâng giá dịch vụ y tế, thay cơ chế không cấp phát trực tiếp cho bệnh viện, không chia chỉ tiêu BHYT cho các bệnh viện nữa thì các bệnh viên phải tự chủ, phấn đấu làm tốt để có bệnh nhân. Điều này dẫn đến nhiều bệnh viện không đảm bảo chất lượng, lâm vào tình trạng khó khăn và tìm cách kéo dài ngày nằm của bệnh nhân…
Bà Minh lấy ví dụ: mổ Phaco quy trình 2 ngày nhưng có bệnh viện nâng lên 7 ngày, giường bệnh tuyến huyện không dùng hết 100% công suất nhưng có tỉnh báo lên 200-300% công suất để mà thanh toán, rất không bình thường.
"Tổng quỹ BHYT được phép sử dụng năm 2017 là 73.000 tỷ đồng, theo số liệu dự báo thì năm nay sẽ phải chi khoảng 80.000 tỷ đồng, tăng 7.000 tỷ đồng. Nếu làm tốt việc ngăn chặn trục lợi bảo hiểm thì quỹ BHYT sẽ cân đối, không bội chi", bà Minh cho hay.
Chưa đồng tình với phần giải trình của Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Y tế liên quan đến vấn đề BHYT, ngay sau đó có khá nhiều đại biểu đã giơ biển xin tranh luận.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan tranh luận về vấn đề BHYT
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, mục tiêu của ngành y là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân và chính người dân là chủ của số tiền mà Bảo hiểm Xã hội đang quản lý thay.
"Nhưng ở đây chỉ thấy tập trung một khía cạnh tiêu cực trong việc lạm dụng và trục lợi của quỹ BHYT. Tôi xin nói, chuyện tiêu cực này có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhất là khi cơ chế quản lý của chúng ta còn lỏng lẻo, cho tới nay BHYT chưa hoàn tất được việc liên thông tất cả các số liệu, nhiều khi chúng ta làm thủ công, người này không biết người kia làm gì. Chúng ta phải xem lại trách nhiệm, không nên đổ lỗi cho người dân và cho ngành y tế là muốn tiêu cực, tất cả là vì cái nghèo mà ra", bà Lan thẳng thắn nêu rõ.
Liên quan đến nguy cơ "vỡ quỹ" BHYT, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng đây là vấn đề mà Bộ trưởng Bộ Y tế và Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam phải thấy ngay từ đầu. Vì thu rất ít nhưng muốn chi nhiều, thì đến một lúc nào đó cũng sẽ vỡ quỹ.
"Như vậy muốn không vỡ quỹ chúng ta phải xem lại bài toán này đặt ra như thế nào. Chúng ta phải tăng cường những nguồn bảo hiểm ra làm sao, đa dạng hóa những mức thu bảo hiểm v.v... Tôi đã đóng góp trong Luật BHYT chứ không phải chỉ nhăm nhăm siết chi. Đặc biệt, trong siết chi này xin chia sẻ là anh em ở các bệnh viện rất bức xúc vì luôn luôn siết chi bằng những biện pháp gọi điện thoại, gửi email v.v...Tôi thấy tiềm ẩn những yếu tố tiêu cực không kém gì những người có thể trục lợi quỹ BHYT. Các bác sỹ, dược sỹ ở các bệnh viện hiện nay rất khó khăn trong việc tập trung vào chuyên môn mà bây giờ phải xem xét làm sao để thuốc đó, kỹ thuật đó có trong danh mục chi hay không và có bị suất toán hay không, việc này rất khó. Trước một bệnh nhân ngành y tế không thể từ chối khám, chữa bệnh, cũng mong sau đó chúng tôi không phải gánh chịu hậu quả" - bà Lan cho hay.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phản ánh thực trạng giám định viên không phải là bác sỹ, không có kiến thức về y sỹ nhưng khi xuống giám định BHYT thì lại "thích cắt ai thì cắt và cắt cật lực".
Bác sỹ bức xúc, bệnh nhân thiệt thòi, cán bộ ấm ức thực hiện, nếu không thực hiện "dọa" cắt BHYT. Do vậy, theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu, cử tri yêu cầu Bộ Y tế cùng với Bảo hiểm Xã hội cần ban hành bộ công cụ chuẩn quốc gia để công khai hóa toàn bộ công đoạn này, chứ không thể thực hiện chi cho giám định viên BHYT như thời gian vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Viện tim Hà Nội cũng giờ biển xin tranh luận với Bộ trưởng Y tế và Tổng giám đốc Bảo hiểm Việt Nam về chi trả BHYT.
Ông cho rằng nếu bệnh nhân bỏ 100 đồng đi khám thì BHYT chi trả 29 đồng, bệnh nhân tự trả 43 đồng; 19 đồng do nhà nước trả và 9 đồng từ các nguồn khác. Như vậy nếu BHYT trả 1 đồng thì người dân đồng chi trả 1,5 đồng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ đồng chi trả trên 30% thì không đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận các dịch vụ y tế. Nên hiện có xu thế người giàu khám chữa bệnh tuyến tỉnh, trung ương, người nghèo khám tuyến quận, huyện.
Còn theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Bảo hiểm Xã hội và ngành y tế phải "ngồi" với nhau, rà soát một số văn bản còn chồng chéo, dẫn đến vướng mắc khi thanh toán cho bệnh viện và BHYT ở tuyến dưới. Hiện nay, có 30 - 40 tỷ đồng bảo hiểm xã hội khoanh nợ tiền chi trả chi phí khám chữa bệnh không được thanh toán, gây ách tắc cho các bệnh viện.
"Chúng tôi đã kiến nghị hai cơ quan ngồi với nhau để xử lý, bệnh viện sai thì cắt, mà chi đúng thì phải thanh toán. Chỗ này cũng đề nghị Phó Thủ tướng xem xét để có sự thống nhất giữa hai cơ quan", đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói.
Trả lời tranh luận và câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Tiến cho biết sẽ tăng cường thanh kiểm tra, cùng đoàn BHXH phối hợp thông tin giữa bộ phận khám bệnh và giám định BHXH.
"Hiện nay, chúng ta dùng phương thức thanh toán cũ là theo phí dịch vụ là tiêu bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, cho nên càng tiêu nhiều càng thanh toán nhiều và người dân cũng lạm dụng để đi khám nhiều lần, được nhiều thuốc và để xét nghiệm nhiều. Nhiều người muốn xét nghiệm chuẩn đoán và cán bộ ghi toa nhiều để tăng mức chi, nhưng đấy là phương thức thanh toán theo cái cũ, hiện nay nhiều nước vẫn làm. Còn phương thức thanh toán hiện đại là Bộ Y tế đang nghiên cứu xây dựng, vấn đề định xuất, vấn đề về ca bệnh, ví dụ khoán mổ một ca ruột thừa là 2 triệu thì cứ như vậy tính theo và khoán nhân lên, không thể kéo dài thời gian nằm viện, không thể lạm dụng và đảm bảo phải chất lượng tốt. Tuy nhiên, vấn đề này không có phương pháp nào hoàn chỉnh cả., Bộ trưởng Tiến cho biết.
Bên cạnh đó, thực trạng nhiều trang thiết bị được mua sắm nay lâm vào tình cảnh đắp chiếu cũng là một trong những vấn đề được nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm.
Đặt vấn đề với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đại biểu Nguyễn Văn Chiến (TP Hà Nội) cho biết báo cáo trong kỳ họp Quốc hội ngày 23/5 đại diện kiểm toán nhà nước cho biết, kết quả kiểm toán công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang, thiết bị y tế năm 2015 phát hiện nhiều vấn đề, nhiều thiết bị chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng, không sử dụng được, nhiều loại được đầu tư mới, nhưng đắp chiếu hoặc mới dùng đã hỏng.
Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Kim Tiến cho biết vừa qua có một thực trạng, đó là ngân sách Nhà nước không đủ, một số bệnh viện mua máy chưa hết thời gian khấu hao đã hỏng vì bị quá tải, công suất sử dụng quá lớn. Số máy móc đắp chiếu như trong báo cáo của kiểm toán có thể đang trong giai đoạn bảo trì, bảo hành.
Tuy nhiên, câu trả lời này vẫn chưa thể làm hài lòng các đại biểu. Đã có rất nhiều ý kiến yêu cầu Bộ trưởng làm rõ nguyên nhân tại sao lại dẫn đến tình trạng trang thiết bị đắp chiếu, bỏ không gây lãng phí và biện pháp xử lý tình trạng trên.
Thậm chí, đại biểu Nguyễn Hồng Vân (tỉnh Phú Yên) còn đặt câu hỏi về việc có hay không tình trạng cấp trên cấp trang thiết bị xuống cho cơ sở nhưng không đảm bảo, không đáp ứng với nhu cầu sử dụng của cơ sở và cơ sở cũng không có năng lực cũng như nguồn lực để vận hành trang thiết bị đó, dẫn đến thiết bị đắp chiếu. Dù vậy, câu hỏi này cũng không được Bộ trưởng trực tiếp giải đáp.
Một vấn đề khác cũng nhận được không ít sự quan tâm trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, đó là chất lượng y tế cơ sở.
Trước ý kiến cho rằng việc khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế tuyến dưới quá sơ sài, không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân, dẫn đến tình trạng người dân đổ dồn lên tuyến trên để khám, chữa bệnh, gây quá tải cho các bệnh viện lớn, Bộ trưởng Kim Tiến thừa nhận y tế cơ sở còn tồn tại những hạn chế nhất định về nhân sự, trang thiết bị cũng như một số bất cập về tài chính.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho biết vẫn cần phải thừa nhận những thành tựu mà y tế cơ sở đã đạt được trong thời gian qua, điển hình là mạng lưới rộng khắp đến tận thôn, bản, đạt được những điểm sáng về mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh cũng như các chỉ tiêu về tuổi thọ, dinh dưỡng. Dù còn hạn chế về nguồn lực nhưng theo Bộ trưởng, y tế cơ sở đã làm khá tốt công tác dự phòng và chăm sóc sức khỏe.
Về giải pháp cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản là những hoạt động cơ bản nhất về dự phòng điều trị và đề nghị chi trả BHYT, riêng dự phòng và chăm sóc ban đầu thì trong luật chưa có; xây dựng đề án phát triển nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng tận dụng nguồn vốn viện trợ ODA…
Phần trả lời của Bộ trưởng Kim Tiến được nhận xét là khá đầy đủ và đi thẳng vào vấn đề, tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn muốn Bộ trưởng làm rõ hơn nữa các giải pháp để phát triển y tế cơ sở, làm sao để giúp người bệnh phát hiện các bệnh nặng như ung thư, tim mạch ngay tại y tế cơ sở thay vì phải đến các bệnh viện lớn….
VTV1