MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại mục tiêu đưa đồng tiền Việt Nam “xuất ngoại”

21-11-2019 - 08:52 AM | Tài chính - ngân hàng

Từng đặt ra nhiều năm trước, đã có định hướng với những bước đi đầu tiên, nhưng mục tiêu này vẫn chưa thể hiện thực.

Ngày 11/11 vừa qua, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể có đề cập đến tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam.

Bộ trưởng Thể đúc kết, khi tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, một trong ba điều họ ngại là chuyển đổi ngoại tệ .

“Không thể mang USD vào và mang tiền VND về”, Bộ trưởng nói tại buổi thảo luận trên.

Năm 2019 đang trôi về gần đích. Tỷ giá USD/VND đang gần như kẻ thẳng mức độ thay đổi đến cuối năm. Nếu đưa USD vào Việt Nam đầu tư đầu năm, cuối năm quy đổi lại và chuyển về chính quốc thì gần như nhà đầu tư nước ngoài không gặp rủi ro lớn về biến động tỷ giá.

Thế nhưng trong quá khứ, có nhiều năm, nhiều giai đoạn tỷ giá USD/VND biến động lớn, được xem là một trong những rủi ro nổi bật mà gây quan ngại đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Dựa theo ý trên của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, giả sử khi đưa USD vào Việt Nam, chuyển đổi sang VND để đưa vào đầu tư, sau đó họ có thể không cần chuyển đổi lại mà mang nguồn thu VND sau đầu tư về nước. Điều này có khả thi không?

Đã hàng chục năm qua vấn đề đưa đồng tiền Việt Nam “xuất ngoại”, có tính chuyển đổi cao trên thị trường quốc tế nhiều thời điểm được bàn đến. Chính phủ cũng đã tính toán. Nhưng đến nay đây vẫn là mục tiêu và kế hoạch.

Không chỉ với nhà đầu tư nước ngoài. Thực tiễn người dân Việt Nam khi ra nước ngoài, cầm đồng nội tệ đến điểm chuyển đổi ngoại tệ tại một quốc gia nào đó hầu hết đều không thể thực hiện được, hoặc đặt câu hỏi đời thường rằng có những điểm nào đó ngoài lãnh thổ họ có thể quy đổi được khi đi du lịch hay công tác...

Theo cách nói của chuyên gia tài chính Trương Văn Phước, nâng cao tính chuyển đổi của VND như là giấc mơ có phần bay bổng từ hàng chục năm trước. Năm 1993, khi làm kinh doanh ngoại tệ ở Vietcombank, ông Phước từng nêu vấn đề này trong một bài viết trên tạp chí.

Về sau, khi trực tiếp làm công tác quản lý ngoại hối tại Ngân hàng Nhà nước, ông Phước cũng từng đề cập, trao đổi về tính chuyển đổi này ở một số diễn đàn, hội thảo… Và đến nay, câu hỏi làm sao để đồng tiền Việt Nam nâng cao được tính chuyển đổi vẫn đặt ra, hoặc gián tiếp như ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vân tải trong thảo luận trên.

Trả lời BizLIVE, chuyên gia Trương Văn Phước cho biết, có hai yêu cầu cơ bản để trả lời câu hỏi trên: một là Việt Nam tự do hóa giao dịch vãng lai, hai là tự do hóa giao dịch vốn. Hiện bước đầu tiên về tự do giao dịch vãng lai đã mở, còn lại là từng bước tự do hóa giao dịch vốn.

Ngày 11/8/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Định hướng lộ trình tự do hóa giao dịch vốn của Việt Nam, trong đó có một mục tiêu được nêu rõ: “Nghiên cứu bổ sung chính sách hỗ trợ nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam thông qua việc tham gia sâu rộng hơn vào các giao dịch vốn quốc tế”.

Cụ thể hơn nữa, đối với tính chuyển đổi của đồng Việt Nam, đề án trên đưa ra định hướng tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện cán cân thanh toán, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Trong điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định bền vững, các yếu tố hỗ trợ về thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối được củng cố, xem xét xây dựng các chính sách nâng cao tính chuyển đổi của đồng Việt Nam trên thị trường quốc tế như cho phép sử dụng đồng Việt Nam để đầu tư ra nước ngoài với những quốc gia tiếp nhận vốn là những nước có thỏa thuận đầu tư và thanh toán bằng đồng nội tệ với Việt Nam.

Cùng đó, Đề án nêu định hướng cho phép đồng Việt Nam tham gia vào các giao dịch cho vay ra nước ngoài trong trường hợp Bên đi vay có nhu cầu sử dụng nguồn vốn vay bằng đồng Việt Nam để thanh toán trực tiếp cho người thụ hưởng trên lãnh thổ Việt Nam hoặc thanh toán bù trừ cho bên thứ 3 bằng đồng Việt Nam.

Dĩ nhiên, tự do hóa giao dịch vốn đi cùng với những rủi ro tiềm ẩn, Việt Nam mở cửa thận trọng - quan điểm mà đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng từng đưa ra tại một buổi họp báo Chính phủ thường kỳ trong năm 2016.

Hai năm sau đó, tháng 4/2018, giới quan sát chú ý ở một kế hoạch liên quan và cụ thể hơn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) tổ chức tọa đàm lấy ý kiến về đề xuất phát hành trái phiếu quốc tế gắn với tiền đồng (Trái phiếu Bông sen).

Tại tọa đàm đó, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, bên cạnh IFC thì Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cũng có đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho phép triển khai chương trình phát hành trái phiếu tương tự…

Theo giới thiệu của đại diện IFC tại tọa đàm trên, Trái phiếu Bông sen cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản đầu tư VND, đồng thời cũng chào mời họ đa dạng hóa danh mục đầu tư.

Và để IFC có thể huy động VND để tài trợ cho các hoạt động đầu tư tại Việt Nam, IFC đề xuất thiết lập một chương trình trái phiếu VND ở nước ngoài để huy động vốn nước ngoài tài trợ cho các khoản đầu tư bằng nội tệ. Trái phiếu sẽ được bán trên thị trường quốc tế cho các nhà đầu tư quốc tế và có mệnh giá bằng VND nhưng được thanh toán bằng số tiền tương đương bằng USD (trái phiếu gắn với VND).

Qua hơn một năm, những kế hoạch và đề xuất trên chưa có cập nhật mới về kết quả cụ thể. Nhưng đó là những chuyển động ban đầu và mang tính quốc tế đáng chú ý.

Và như trên, Chính phủ cũng đã có đề án nêu mục tiêu nâng cao tính chuyển đổi của đồng tiền Việt Nam. Dù đã qua hai năm, mục tiêu này đương nhiên cần một lộ trình và một quá trình. Quá trình đó có thể còn lâu dài.

Theo Minh Đức

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên