Nhìn lại ngày làm việc đầu tiên của CEO Summit 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp lớn nhất lịch sử APEC
Phát biểu trong phiên khai mạc, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh đây là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử APEC với sự tham gia của hơn 2.000 CEO các tập đoàn khu vực và thế giới.
Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC 2017 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Thư ký quốc gia APEC tổ chức đã khai mạc chiều 8/11. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng, Việt Nam từ 6-11/11.
CEO Summit được đánh giá là một trong những sự kiện quan trọng nhất của các doanh nghiệp trong dịp Tuần lễ cấp cao. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự và phát biểu khai mạc Hội nghị. Ngoài ra, CEO Summit còn có sự tham dự của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Ngân hàng thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF)…, cùng 2.000 lãnh đạo tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu trong nước và quốc tế.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định APEC là cơ chế hợp tác hiệu quả nhất trong việc phát huy vai trò của doanh nghiệp, đưa châu Á - Thái Bình Dương trở thành động lực của tăng trưởng và liên kết toàn cầu cũng như là vườn ươm của các ý tưởng mới cho tương lai.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, để xây dựng APEC tiếp tục là diễn đàn liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, cần giải quyết 3 vấn đề. Thứ nhất, duy trì đà liên kết và phục hồi kinh tế toàn cầu, phát huy vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, hoàn tất các Mục tiêu Bô-go vào năm 2020 đồng thời đẩy mạnh hợp tác công - tư. Thứ hai, APEC cần đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển. Thứ ba, doanh nghiệp trong khu vực cần tích cực tham gia đóng góp vào tiến trình xây dựng và hiện thực hóa tầm nhìn APEC sau năm 2020 về xây dựng một châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, năng động, gắn kết và thịnh vượng.
Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017, Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc khẳng định, đây là Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp lớn nhất trong lịch sử APEC. Ông cũng nhấn mạnh “Để hướng tới mục tiêu phát triển bao trùm cả về kinh tế, xã hội và tài chính, sẽ cần sự chung tay của chính phủ và doanh nghiệp trong việc tạo ra môi trường và bệ đỡ cho sự phát triển mạnh mẽ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong nền kinh tế toàn cầu”.
Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, ngày đầu tiên của Hội nghị đã tập trung thảo luận những thách thức đặt ra đối với các chính phủ và doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Phiên thảo luận đầu tiên của CEO Summit với chủ đề Tương lai của toàn cầu hóa. Ảnh: VGP
"Không có lựa chọn nào khác cho quá trình toàn cầu hóa", bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới phát biểu. Các vấn đề liên quan đến quá trình toàn cầu hóa không chỉ về kinh tế mà còn về chính trị. Để giải quyết các vấn đề này, chúng ta cần phải tập trung vào việc truyền năng lượng cho xã hội. Chính phủ và doanh nghiệp cần phải chung tay để bảo đảm tăng trưởng toàn cầu sẽ lan tỏa rộng rãi tới các tầng lớp người lao động.
Theo ông Philipp Rosler, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn WEF, việc thay đổi việc làm gây hoang mang cho người dân và thách thức lớn chính là tìm ra giải pháp ‘đơn giản’ và ‘đúng đắn’ cho những vấn đề này.
Bất chấp sự gia tăng của xu hướng chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa dân túy và bảo hộ thương mại, Chủ tịch của Eurasia, ông Ian Bremmer, khẳng định "quá trình toàn cầu hóa sẽ vẫn tiếp tục".Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, quá trình toàn cầu hóa đang trở nên rời rạc bởi hai lý do. Thứ nhất là những lợi ích của quá trình toàn cầu hóa không lan tỏa đến những người thu nhập vừa, đặc biêt là tại các nền kinh tế công nghiệp hóa cao, nơi rất nhiều người đãmất việc làm trong quá trình này. Thứ hai là lợi ích toàn cầu đã trở nên tách biệt với lợi ích quốc gia.
Hội nghị cũng thảo luận về vai trò của chính phủ và các công ty trong việc bảo đảm rằng người lao động khoẻ mạnh, được đào tạo bài bản và có khả năng đảm nhận công việc trong tương lai.
Ông Masamichi Kono, Tổng Thư ký thường trực OECD, bày tỏ quan ngại về sự tiến bộ nhanh chóng của các phát minh công nghệ và tự động hóa sẽ mang lại những thách thức lớn cho người lao động, thay thế một số việc làm, đặc biệt là các công việc đòi hỏi kỹ năng thấp.
Đại diên Tập đoàn TSB, Chủ tịch Nguyễn Đức Thuấn, chia sẻ quan điểm này. Ông nhận xét, ngành công nghiệp sản xuất các sản phẩm thời trang mà ông đang hoạt động là một trong những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất của công nghệ tự động hóa.
Tiến sĩ Aran Maree, Giám đốc Y tế Johnson & Johnson Global, khẳng định, nếu doanh nghiệp và chính phủ đầu tư vào sức khỏe thể chất và tâm lí của ngườilao động thì lợi tức đầu tư sẽ là tuyệt đối. Ông cũng cho rằng, quá nhiều tài nguyên sức khỏe cộng đồng đã bị lãng phí vào việc “chữa bệnh” thay vì “phòng bệnh,” dù nguồn tài nguyên này rất khan hiếm. Ông kêu gọi phổ cập giáo dục cho trẻ em về khoa học dinh dưỡng, cùng các giải pháp khả thi khác.
Các diễn giả chia sẻ niềm tin lạc quan rằng nhiều việc làm mới sẽ được tạo ra thay vì thất nghiệp gia tăng. Chủ tịch của JPMorgan Châu Á Thái Bình Dương, ông Nicolas Aguzin, lấy ví dụ: việc sử dụng máy rút tiền tự động (ATM) trong ngành ngân hàng đã làm giảm số lượng công việc thu ngân song lại tạo ra rất nhiều công việc khác trong ngành này.
Các đại biểu cũng thảo luận dưới nhiều lăng kính khác nhau về các giải pháp xử lý mối quan hệ giữa tự động hóa và bảo đảm việc làm trên toàn cầu. Các đại biểu cho rằng, trước hết, đào tạo và giáo dục cần phản ánh nhu cầu của nền kinh tế. Thứ hai, các chính phủ cần xây dựng hệ thống an sinh xã hội cho người thất nghiệp. Cuối cùng, cần khuyến khích các doanh nghiệp cải cách để bảo vệ người lao động trước sự phát triển mạnh mẽ của quá trình tự động hóa.