MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn lại quy mô GRDP và các kết quả kinh tế nổi bật của Hà Nội và TP.HCM trong năm 2022

Nhìn lại quy mô GRDP và các kết quả kinh tế nổi bật của Hà Nội và TP.HCM trong năm 2022

Mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế - xã hội ở cả Hà Nội và TP.HCM phục hồi tích cực và đạt kết quả khá toàn diện ở các ngành, lĩnh vực trong quý IV và năm 2022.

Năm 2022, kinh tế - xã hội thành phố Hà Nội diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp hơn so với dự báo. Xung đột Nga - Ukraine kéo dài làm gián đoạn nguồn cung lương thực, đẩy giá năng lượng, dịch vụ, hàng hóa thiết yếu tăng cao; áp lực lạm phát, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ và hậu quả của đại dịch Covid-19 dẫn đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm.

Ở trong nước, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng kinh tế - xã hội ở cả Hà Nội và TP.HCM phục hồi tích cực và đạt kết quả khá toàn diện ở các ngành, lĩnh vực trong quý IV và năm 2022.

Hà Nội

Theo Cục Thống kê Hà Nội, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý IV/2022 ước tính tăng 6,76% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 7,08%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 6,35%.

Tính chung năm 2022, GRDP của Hà Nội ước tính tăng 8,89% so với năm 2021, vượt kế hoạch đề ra (7,0% - 7,5%) và là mức tăng cao trong nhiều năm gần đây.

Quy mô GRDP năm 2022 theo giá hiện hành ước đạt 1.196 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 141,8 triệu đồng, tăng 10,6% so với năm 2021. Xét theo cơ cấu GRDP năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 2,08% GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 24,04%; khu vực dịch vụ chiếm 63,22%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,66%.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong năm 2022, toàn Thành phố thu hút 1,692 tỷ USD vốn FDI, tăng 10,3% so với năm 2021, đứng thứ 6 cả nước. Trong đó, đăng ký cấp mới 365 dự án với số vốn đạt 233 triệu USD; có 202 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 834 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 388 lượt với số vốn đạt 625 triệu USD, tăng 83,8%.

Liên quan đến tình hình xuất, nhập khẩu, báo cáo cho biết, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa cả năm 2022 ước tính đạt trên 58 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước. Trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 17,1 tỷ USD, tăng 10,3%; nhập khẩu hàng hóa đạt 40,9 tỷ USD, tăng 16,9%.

Về thu - chi ngân sách Nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2022 ước thực hiện 333 nghìn tỷ đồng, đạt 106,8% dự toán pháp lệnh năm và tăng 2,7% so với năm 2021. Trong đó, thu nội địa 304,3 nghìn tỷ đồng, đạt 105,4% dự toán và tăng 1,6% so với năm 2021; thu từ dầu thô 3,7 nghìn tỷ đồng, đạt 336,4% và gấp 1,9 lần cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 24,9 nghìn tỷ đồng, đạt 113,8% và tăng 10,4%.

Chi ngân sách địa phương năm 2022 ước thực hiện 101 nghìn tỷ đồng, đạt 94,1% dự toán năm và tăng 18,9% so với năm 2021. Trong đó, chi đầu tư phát triển 46 nghìn tỷ đồng, đạt 90,1% dự toán và tăng 22,3%; chi thường xuyên 50,9 nghìn tỷ đồng, đạt 95,5% và tăng 8,5%.

Nhìn lại quy mô GRDP và các kết quả kinh tế nổi bật của Hà Nội và TP.HCM trong năm 2022 - Ảnh 1.

TP.HCM

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội của Cục Thống kê TP.HCM cho biêt, tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP năm 2022 ước đạt 1.479.227 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Tính theo giá so sánh 2010 đạt 1.021.894 tỷ đồng, tăng 9,03% so với cùng kỳ.

Về cơ cấu kinh tế xét theo giá hiện hành, khu vực nông lâm thuỷ sản chiếm tỷ trọng 0,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 22,1%; khu vực thương mại dịch vụ chiếm tỷ trọng 64,0%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 13,3%.

Về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), từ ngày 1/1/2022 đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TPHCM đạt 3,94 tỷ USD, tăng 5,4% so với cùng kỳ. Với kết quả này, TP.HCM là địa phương có lượng vốn FDI đổ vào cao nhất cả nước. Trong đó, thành phố cấp mới có 893 dự án với vốn đăng ký đạt 601,1 triệu USD, giảm 12,5% về vốn so với cùng kỳ; điều chỉnh vốn đăng ký có 192 lượt dự án với số vốn tăng 1.600,7 triệu USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ; góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp có 2.411 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện với vốn góp là 1.738,6 triệu USD, giảm 9,8% so với cùng kỳ.

Liên quan đến tình hình xuất, nhập khẩu, báo cáo cho biết, tính chung cả năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt 47.182,8 triệu USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ; riêng xuất khẩu không tính dầu thô đạt 44.906,0 triệu USD, tăng 4,5%.

Về thu - chi ngân sách Nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP.HCM năm 2022 tăng 14,8% so với năm 2021 và chi ngân sách địa phương giảm 32%. Trong đó, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2022 ước thực hiện 457.510 tỷ đồng, vượt 18,4% dự toán và tăng 14,8% so với năm 2021.

Cụ thể, thu nội địa ước thực hiện 294.500 tỷ đồng, vượt 13,5% dự toán, chiếm 64,4% tổng thu cân đối và tăng 11,3% so với năm 2021; thu từ dầu thô ước thực hiện 25.000 tỷ đồng, vượt 138,1% dự toán, chiếm 5,5% tổng thu cân đối và tăng 57,4%; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước thực hiện 138.000 tỷ đồng, vượt 18,5% dự toán, chiếm 30,2% tổng thu cân đối và tăng 16,8%.

Tổng chi ngân sách địa phương (trừ tạm ứng) năm 2022 ước thực hiện 90.209 tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán và giảm 32,6% so với năm 2021. Trong đó, tổng chi cân đối ngân sách địa phương ước thực hiện 87.955 tỷ đồng, đạt 90,9% dự toán và giảm 32,0% so với năm 2021. Cụ thể, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 33.319 tỷ đồng và giảm 2,4%; Chi thường xuyên ước thực hiện 53.769 tỷ đồng và giảm 5,4%.

Giang Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên