Nhìn từ câu chuyện đấu giá lần 2 Rolls-Royce của FLCHomes: Nhận thế chấp siêu xe, du thuyền có gì đáng vui?
Thế chấp tài sản là việc bên bảo đảm dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm cho một nghĩa vụ dân sự. Khi nghĩa vụ dân sự được đảm bảo không thực hiện theo cam kết, thì tài sản bảo đảm được xử lý để thực hiện nghĩa vụ. Nhưng xử lý những tài sản như xe sang hay du thuyền thì vốn không dễ dàng chút nào.
- 24-10-2022FLC và FLCHomes đã mua lại toà Bamboo Airways và dự kiến bán cho một bên khác với giá 2.000 tỷ đồng
- 21-01-2022FLCHOMES của ông Trịnh Văn Quyết bị xử phạt vì công bố thông tin sai lệch
- 09-06-2021FLCHomes dự kiến chi cổ tức 7%, có kế hoạch đầu tư phân phối khoảng gần 30 dự án trong năm 2021
Theo kế hoạch, sáng ngày 24/10/2022, Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp tổ chức đấu giá chiếc xe ô tô Rolls-Royce Ghost mạ vàng thuộc sở hữu của Công ty CP Đầu tư Du thuyền và Sân Golf FLC Biscom (nay là Công ty CP Đầu Tư Kinh Doanh Phát Triển Bất Động Sản FLCHomes) với mức giá khởi điểm là 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, phiên đấu giá đã không thể diễn ra theo kế hoạch do không có người nào đăng ký tham gia.
Ngày 26/10/2022, trên website của Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp đã có thông tin đấu giá lần 2, mức giá khởi điểm đã được lùi xuống 9,7 tỷ đồng.
Giá khởi điểm chưa bao gồm các chi phí liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu/sử dụng tài sản, lệ phí trước bạ, phí công chứng, phí đăng ký và các chi phí khác (nếu có) khi thực hiện mua tài sản, các chi phí này do người trúng đấu giá chịu.
Đây là chiếc Rolls-Royce được sản xuất năm 2011 và đăng ký lần đầu tháng 5/2018. Tài sản đang thế chấp tại Ngân hàng TMCP Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam – chi nhánh Quy Nhơn, đã qua sử dụng được đưa ra đấu giá để xử lý thu hồi nợ. Tài sản được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm tài sản, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức có sao bán vậy.
Thời gian diễn ra phiên đấu giá Rolls-Royce dự kiến vào ngày 9/11/2022.
Cùng với Rolls-Royce, du thuyền FLC Albatross thuộc sở hữu của Công ty cổ phần tập đoàn FLC cũng được đưa ra đấu giá với mức giá khởi điểm 35,478 tỷ đồng.
Trên thực tế, mặc dù những tài sản như du thuyền, ô tô siêu sang có giá trị không nhỏ nhưng không phải là tài sản được các tổ chức tín dụng (TCTD) "mặn mà" khi nhận thế chấp. Vì khi rủi ro xảy ra, việc xử lý các tài sản này không hề đơn giản.
Đầu tiên , giá khởi điểm bao nhiêu là hợp lý? Câu trả lời không chỉ căn cứ vào giá trị hợp lý của tài sản mà còn phụ thuộc vào mức cho vay của ngân hàng trên tài sản đó.
Trong thực hiện xử lý tài sản có 2 trường hợp xảy ra trái ngược nhau không như mong muốn của TCTD: Định giá bán (giá khởi điểm khi đấu giá) quá cao sẽ kéo dài việc bán tài sản; ngược lại định giá bán quá thấp gây thiệt hại cho ngân hàng (không bảo đảm thu hồi đủ khoản vay)
Có một thực tế là nếu giá khởi điểm đấu giá quá cao, thời gian đấu giá kéo dài, hậu quả tất yếu là giá trị tài sản suy giảm, chi phí vốn, chi phí xử lý tài sản tăng. Ở Ngân hàng Agribank từng có trường hợp xử lý tài sản bảo đảm của Công ty TNHH Sản xuất thương mại Uy Đạt qua thi hành án (Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Dương), đấu giá thi hành án lần đầu từ tháng 2/2011 với giá khởi điểm 73,395 tỷ đồng, sau 16 phiên đấu giá, tháng 10/2016 đấu giá thành công ngân hàng thu nợ được 12 triệu đồng.
Trong trường hợp đấu giá Rolls-Royce của FLC Homes, mức giá khởi điểm lần 1 là 10 tỷ đồng nhưng không có người đăng ký tham gia. Giá khởi điểm lần thứ 2 đã được hạ xuống còn 9,7 tỷ đồng. Cần chờ xem với mức giá này có người đăng ký tham gia không hay lại phải tiếp tục hạ giá?
Thứ hai , hạn chế về khả năng thanh khoản. Một phần nguyên nhân do tính đặc thù của những sản phẩm cao cấp như xe sang, du thuyền này. Sản phẩm có tính thông dụng càng cao, càng phù hợp với nhu cầu sử dụng của số đông thì càng dễ bán và ngược lại.
Nguồn: Công ty đấu giá hợp danh Minh Pháp
Về mặt này, không phải xe sang hay du thuyền khó bán nhất mà phải kể đến những tài sản như máy móc, thiết bị sản xuất do tính năng, điều kiện vận hành chuyên biệt.
Bên cạnh đó, về mặt tâm lý, những tài sản đã từng thuộc về chủ sở hữu chẳng may dính dáng đến pháp luật, hoặc kinh doanh, làm ăn thất bát không đem lại cảm giác "may mắn" cho người sở hữu tiếp theo. Đây cũng là nguyên nhân khiến những tài sản này khó bán, hoặc khó bán được với giá tốt.
Nhịp sống thị trường