MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn vào lĩnh vực công nghệ mới thấy Trung Quốc - Ấn Độ cần nhau như thế nào

21-06-2020 - 11:03 AM | Tài chính quốc tế

Sau cuộc đụng độ nhiều thương vong vào đầu tuần này, quan hệ Trung - Ấn đang rơi vào tình trạng căng thẳng, khiến lợi ích kinh tế của đôi bên cũng gặp nguy hiểm, do cả hai có sự giao thương rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.

Ấn Độ nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Và trong thập niên qua, cả hai quốc gia này đều vươn lên thành những cường quốc công nghệ mới nổi. Những gã khổng lồ trong ngành công nghệ của Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các công ty khởi nghiệp lớn nhất ở Ấn Độ, trong khi các nhà sản xuất điện thoại thông minh của họ thống trị thị trường đất nước này và người Ấn Độ đã đổ xô vào các ứng dụng như TikTok.

Giờ đây, cuộc đụng độ đang đe dọa những mối quan hệ đó. Tâm lý chống Trung Quốc ngày càng tăng ở Ấn Độ đã dẫn đến lời kêu gọi tẩy chay các sản phẩm và dịch vụ của Trung Quốc, trong khi những quy định mới về đầu tư nước ngoài có thể hạn chế khả năng của Trung Quốc trong việc bùng nổ internet của Ấn Độ.

Quan hệ sâu sắc

Thông qua điện thoại thông minh giá rẻ từ các thương hiệu như Xiaomi và Oppo, cùng với việc rót vốn cho các công ty khởi nghiệp công nghệ Ấn Độ, Trung Quốc đã tạo ra một vị trí quan trọng cho chính họ trong lĩnh vực công nghệ của Ấn Độ trong 5 năm qua. Theo ước tính của "think tank" Gateway House, tổng số tiền mà nhà đầu tư Trung Quốc đã đổ vào các startup công nghệ Ấn Độ kể từ năm 2015 đến nay là khoảng 4 tỷ USD.

Chẳng hạn, Alibaba đã đầu tư vào công ty thương mại điện tử Ấn Độ Snapdeal, ví kỹ thuật số Paytm và nền tảng giao hàng thực phẩm Zomato. Còn Tencent lại  ủng hộ công ty nhắn tin Ấn Độ Hike và ứng dụng xe gọi Ola. Gateway House phát hiện ra rằng hơn một nửa trong số 30 kỳ lân của Ấn Độ có nhà đầu tư đến từ Trung Quốc.

Trong khi đó, Huawei vẫn đang nỗ lực để xây dựng mạng 5G trong nền kinh tế internet đang phát triển nhanh chóng của Ấn Độ, bất chấp chiến dịch chống lại công ty này do Mỹ khởi xướng.

Theo một báo cáo của Viện Brookings Ấn Độ được công bố vào tháng 3, các công ty Trung Quốc đang tìm cách thiết lập sự hiện diện lâu dài ở Ấn Độ và những khoản đầu tư của họ vào các công ty Ấn Độ đang mang lại cho họ một thị phần lâu dài.

"Tôi không nghĩ có nhiều người hiểu được rằng giảm hoàn toàn sự phụ thuộc của Ấn Độ vào Trung Quốc là sẽ khó khăn như thế nào", Ananth Krishnan, tác giả của báo cáo trên, cho biết.

Ấn Độ phụ thuộc vào Trung Quốc mọi thứ "từ máy móc hạng nặng, tất cả các loại thiết bị viễn thông và năng lượng, cho đến các thành phần dược phẩm", Krishnan nói thêm. Trong báo cáo của mình, Krishnan ước tính rằng tổng đầu tư hiện tại, và theo kế hoạch, từ Trung Quốc vào Ấn Độ ít nhất là 26 tỷ USD.

Theo Bộ Thương mại Ấn Độ, thương mại giữa hai nước đạt hơn 87 tỷ USD trong năm tài khóa 2018 - 2019. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Ấn Độ trong năm đó, chỉ sau Mỹ.

Tuy vậy, mối quan hệ trên chỉ là một chiều. Trung Quốc xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều hơn so với chiều ngược lại.

"Đây là những sự phụ thuộc về cấu trúc vào Trung Quốc mà các chiến dịch tẩy chay sẽ không thực sự giải quyết được", Krishnan nói.

Cắt đứt quan hệ với Trung Quốc có thể đồng nghĩa với chuyện mất việc làm cho người Ấn Độ

Những công ty sản xuất điện thoại thông minh của Trung Quốc đã xây dựng các nhà máy và tạo công ăn việc làm ở Ấn Độ.

Sự nổi lên của Ấn Độ như là thị trường nước ngoài lớn nhất cho các công ty điện thoại di động Trung Quốc là một trong những bước phát triển quan trọng nhất trong quan hệ Trung - Ấn trong 5 năm qua.

Năm ngoái, bốn trong số năm nhà sản xuất điện thoại thông minh bán chạy nhất ở Ấn Độ là Trung Quốc: Xiaomi, Vivo, Oppo và Realme, theo công ty nghiên cứu thị trường IDC. Samsung, thương hiệu duy nhất không phải của Trung Quốc, chiếm vị trí thứ 2.

Doanh số ở Ấn Độ của những thương hiệu điện thoại thông minh hàng đầu Trung Quốc này đạt hơn 16 tỷ USD vào năm 2019, theo IDC.

Và tất cả họ đều có cơ sở sản xuất ở Ấn Độ. Làm như vậy cho phép các công ty Trung Quốc vừa hưởng ứng chương trình "Make in India" của Thủ tướng Narendra Modi vừa  tránh được thuế nhập khẩu cao ngất. Hiện tại, 95% số điện thoại được bán tại Ấn Độ của Xiaomi là được họ sản xuất ngay tại quốc gia này.

Kiranjeet Kaur, một nhà phân tích của IDC, cho biết: "Vì vậy, nếu bạn đang nói về việc cắt giảm doanh số hoặc lượng hàng được giao đối với những công ty này, thì điều đó cũng tác động đến các nhà máy mà họ có ở Ấn Độ", điều mà sẽ ảnh hưởng tuyệt đối đến việc làm của người Ấn..

Bà nói thêm rằng các chiến dịch kêu gọi người Ấn Độ tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã xảy ra trước đó, trong những lần giao tranh ở biên giới trước đây. Tuy nhiên, chúng chưa bao giờ làm giảm doanh số bán điện thoại thông minh của Trung Quốc ở Ấn Độ.

Vì vậy, mặc dù nhiều người Ấn Độ đang thề sẽ cắt đứt quan hệ với cả phần cứng lẫn phần mềm của Trung Quốc, nhưng "Tôi thực sự không nghĩ rằng nó sẽ thay đổi quyết định mua hàng của họ. Họ quá phụ thuộc vào các hệ sinh thái điện thoại Trung Quốc này, hầu như không có lựa chọn nào khác"", Kaur nói.

Thanh Hải

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên