MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn về "phao cứu sinh" 347.000 tỷ đồng và hai kịch bản tăng trưởng GDP

Nhìn về "phao cứu sinh" 347.000 tỷ đồng và hai kịch bản tăng trưởng GDP

Một trong những yêu cầu hàng đầu là tính kịp thời, song hiện nhiều cấu phần lớn trong "phao cứu sinh" vẫn chưa thể triển khai, hoặc đang tắc nghẽn...

Một trong những yếu tố quan trọng tác động đến kinh tế vĩ mô năm 2022-2023 chính là sự thành công hay thất bại của gói 347.000 tỷ đồng trong Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ. Nếu thành công, gói này sẽ tạo cơ hội để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,5-7%/năm giai đoạn 2021-2025.

Nhưng thực tế thì sao và làm sao để thành công? Câu hỏi đặt ra khi mà tính kịp thời là yêu cầu hàng đầu, trong khi những cấu phần lớn của gói như hỗ trợ lãi suất, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công... thực tế đến nay vẫn chưa thực sự hiện thực.

Kể từ khi "phao cứu sinh" trên hình thành, đến nay đã nửa năm trôi qua...

Bàn luận về vấn đề này tại Diễn đàn dự báo kinh tế Việt Nam 2022-2023, kịch bản tăng trưởng và triển vọng một số ngành kinh tế chính diễn ra sáng 12/5, các chuyên gia cho rằng, để gói 347.000 tỷ thực sự trở thành "phao cứu sinh" của người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế thì cần sự nỗ lực từ tất cả các bên. Trong đó, vai trò trọng tâm là của Chính phủ.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, xét về quy mô, tổng mức hỗ trợ tài khóa, tiền tệ và các hỗ trợ khác của Chương trình vào khoảng 346.800 tỷ đồng, tương đương 4,24% GDP.

Trước khi có Chương trình này, trong năm 2021, nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đã được thực hiện với tổng quy mô 269.464 tỷ đồng, tương đương 3,2% GDP.

Tính chung trên bình diện quốc tế, quy mô các giải pháp hỗ trợ tài khóa và tiền tệ ở các nước phát triển lần lượt khoảng 10,9% GDP và 8,6% GDP; các nước mới nổi là 4,3% GDP và 3,4% GDP; các nước thu nhập thấp (trong đó có Việt Nam) là 3,2% GDP và 0,7% GDP.

"Một số nước xung quanh cũng đã ban hành hỗ trợ tương tự với quy mô khác nhau: Thái Lan tương đương 15% GDP, Malaysia 8,8% GDP, Indonesia 5,4% GDP, Trung quốc 6,1% GDP… So sánh quốc tế và khu vực thì Chương trình của nước ta có quy mô tương đối lớn, phù hợp tình hình, hoàn cảnh trong nước với yêu cầu kiểm soát rủi ro vĩ mô", ông Hiếu nhận định.

Trong bối cảnh mới, để thực hiện thành công Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, ông Phan Đức Hiếu cho rằng nhất thiết phải đáp ứng được 3 yêu cầu chính.

Thứ nhất, phải khẩn trương, kịp thời hiện thực hóa các hỗ trợ đến tay người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, hiệu quả, khả năng hấp thụ, tránh dàn trải, lãng phí nguồn lực là những yêu cầu quan trọng để giúp đạt mục tiêu phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.

Thứ ba, công khai, minh bạch vừa là giải pháp vừa là yêu cầu để nâng cao hiệu lực, hiệu quả và hoàn thành mục tiêu Chương trình.

Việc thực hiện Chương trình cũng phải gắn chặt với các chương trình, nhiệm vụ khác, như kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, chiến lược tổng thể phòng chống dịch COVID-19, chương trình cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…, ông Hiếu nhìn nhận.

"Bản thân mỗi doanh nghiệp trước hết phải tự thay đổi để thích ứng với bối cảnh mới. Doanh nghiệp cần năng động, chủ động, sáng tạo hơn, quản trị tốt hơn để thích ứng tốt hơn với xu hướng kinh doanh mới, thói quen tiêu dùng mới và công nghệ mới", ông Hiếu nói.

2 kịch bản tăng trưởng GDP 2022-2023

Tại diễn đàn, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã cập nhật dự báo 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP năm 2022-2023.

Ở kịch bản cơ sở, GDP Việt Nam sẽ tăng từ 5,5-6% trong giai đoạn này. Ở kịch bản tiêu cực, GDP năm 2022-2023 chỉ tăng trưởng 4,5-5%.

Các biến số trong 2 kịch bản trên sẽ phụ thuộc cách phòng, chống dịch COVID-19; mức độ hiệu quả của Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 và khả năng giảm thiểu tác động từ cuộc xung đột Nga - Ukraine của Việt Nam.

Với kịch bản tích cực nhất, Chính phủ cần thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc kiên trì ưu tiên cho mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và phối hợp chính sách hiệu quả, nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm thực hiện thành công Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TS. Lực khuyến nghị.

Cũng như, quản lý tốt giá xăng dầu, giá cả hàng hóa, dịch vụ khác nhằm kiểm soát lạm phát ở mức mục tiêu 4%; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, hệ thống chia sẻ thông tin phục vụ hiệu quả việc phối hợp chính sách và kiểm soát rủi ro phát sinh.

Cùng với đó, cần tiếp tục đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, xây dựng hành lang pháp lý cho việc quản lý, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội và chính quyền số; tiếp tục tháo gỡ các rào cản, điểm nghẽn nhằm huy động và giải phóng nguồn lực, nhất là trong các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, đất đai, xây dựng, thủ tục xuất nhập khẩu, giải thể doanh nghiệp…

Theo Nguyễn Thắm

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên