Nhịp điều chỉnh sâu kéo P/E thị trường xuống dưới 15 lần, định giá chứng khoán đã đủ rẻ?
Đặc biệt, những cú giảm sâu của VN-Index đã kéo chỉ số P/E xuống dưới mức 15 lần. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, liệu định giá thị trường đã đủ rẻ?
- 25-04-2022Chuyên gia bất ngờ với cú giảm sâu của VN-Index: "Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đang giẫm lên nhau rời khỏi thị trường"
- 24-04-2022Góc nhìn chuyên gia: Thị trường chưa xác định rõ xu hướng, nhà đầu tư cẩn thận khi bắt đáy cổ phiếu
Nhìn lại lịch sử, sự điều chỉnh của VN-Index là một việc hết sức phổ biến. Thống kê 21 năm qua, thị trường chứng khoán trải qua khá nhiều thăng trầm, ít nhất sẽ có một lần thị trường điều chỉnh trong 1 năm.
Nếu nhìn vào chỉ số chung của thị trường thì mức độ giảm không quá lớn, song đối với những nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy cao có thể thua lỗ nặng, thậm chí cháy tài khoản nếu mua những cổ phiếu đầu cơ tăng nóng. Đặc biệt, những cú giảm sâu của VN-Index đã kéo chỉ số P/E xuống dưới mức 15 lần. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, liệu định giá thị trường đã đủ rẻ?
P/E VN-Index đã xuống dưới 15 (Nguồn: Algoplatform)
Thảo luận tại hội thảo mới đây, bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect cho rằng mức P/E thị trường hiện tại dưới 15 lần – rẻ nhất trong vòng 3-4 năm gần đây, đặc biệt mức P/E VN30 rẻ hơn P/E VN-Index khá nhiều lần. Mức định giá hấp dẫn với triển vọng lợi nhuận các doanh nghiệp toàn thị trường dự báo khoảng 23%, con số khá ấn tượng so với các quốc gia trong khu vực. Do đó, nếu không có sự kiện bất ngờ xảy ra thì vùng định giá này rẻ so với mức tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp.
Bên cạnh yếu tố định giá, bà Hiền vẫn đánh giá cao triển vọng của thị trường chứng khoán nhờ những yếu tố thuận lợi của nền kinh tế. Theo đó, những con số liên quan đến FDI, xuất khẩu vẫn là điểm sáng cho thấy nền kinh tế của chúng ta đang phục hồi mạnh mẽ. Tuy có áp lực về rủi ro lạm phát có thể leo thang, song vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích VNDirect
Theo bà Hiền, điều mà nhà đầu tư cần quan tâm là chính sách liên quan đến thị trường vốn và tài chính. Theo đó, các nền kinh tế lớn đang có động thái tăng lãi suất, chỉ còn Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.
Theo dự báo, NHNN sẽ duy trì chính sách nâng lãi suất cơ bản trong 6 tháng đầu năm, song mức lãi suất huy động đầu vào của các Ngân hàng TMCP đã có phần nhích lên, nhưng chủ yếu chỉ mang tính chất cục bộ. Về tăng trưởng tín dụng, tính đến giữa tháng 4 vừa qua là 6%, mức tăng khá mạnh cho thấy các doanh nghiệp đã bắt đầu tự tin vay trở lại để thúc đấy sản xuất
Cũng đưa ra quan điểm về mức định giá thị trường, ông Minh Lê – lãnh đạo quỹ VN VALUE cho rằng mặt bằng định giá PE hiện nay là đủ rẻ nếu lãi suất vẫn duy trì ổn định như dự báo. Đưa ra so sánh, ông Minh cho rằng lãi suất gửi tiết gửi 6,5%, thời gian tới có thể vẫn chỉ giữ ở mức như vậy. Tuy nhiên đầu tư vào doanh nghiệp có P/E 15 lần, song tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm tới có thể lên đến 20%. Do đó, nếu lãi suất tiếp đi ngang, P/E hiện đang ở mức rất hấp dẫn.
Còn theo quan điểm của ông Cao Minh Hoàng – Giám đốc đầu tư Công ty Quản lý quỹ IPA: "Triển vọng của năm nay tương đối lạc quan nhờ dư địa của những gói hỗ trợ của Chính phủ còn rất nhiều. Đồng thời, nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu sôi động trở lại sau hai năm chịu ảnh hưởng mạnh từ Covid. Mặt khác, tôi cho rằng những dự báo tăng lãi suất đã được phản ánh vào giá trị thị trường hiện tại. Với những triển vọng nêu trên, tôi cho rằng P/E thị trường xứng đáng ở mức 15 – 17 lần".
Trải qua nhiều biến động, ông Hoàng cho rằng thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư rất hiệu quả nếu ta đi dài hạn, những nhà đầu tư dài hạn đều có cơ hội chiến thắng sau mỗi biến động của thị trường, còn nếu đầu tư ngắn hạn thì phải chấp nhận những biến động của thị trường do nhiều yếu tố khác nhau.