MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN lý giải vì sao chưa thể thả nổi hoàn toàn tỷ giá?

09-04-2016 - 07:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý hiện nay là một lựa chọn phù hợp với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng, sau một quý áp dụng cách thức điều hành tỷ giá mới, tỷ giá giao dịch trên thị trường giảm nhanh xuống mặt bằng mới thấp xa so với mặt bằng tỷ giá cuối năm 2015.

Tính đến 7/4, tỷ giá trung tâm đã giảm 200 đồng/USD so với ngày công bố đầu tiên. Cùng kỳ năm ngoái, khi chưa áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm, sóng tỷ giá đã nổi lên theo diễn biến của thế giới, có thời điểm tỷ giá chỉ còn cách trần do NHNN công bố chưa đến 100 đồng. Thanh khoản của thị trường tốt. Tình trạng đầu cơ, găm giữ ngoại tệ giảm mạnh, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung Dự trữ ngoại hối Nhà nước. Tất cả các TCTD mua ngoại tệ kỳ hạn của NHNN ngày 31/12/2015 đã hủy giao dịch kỳ hạn để tự cân đối trên thị trường.

Cũng theo Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý hiện nay là một lựa chọn phù hợp với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam

Bởi lẽ, với cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn cho phép thị trường tự do quyết định mức tỷ giá hàng ngày. Tuy nhiên, tỷ giá thả nổi hoàn toàn thường biến động mạnh trong ngắn hạn trước tác động của các yếu tố tâm lý, kỳ vọng hay cú sốc kinh tế - tài chính trong và ngoài nước. Thực tế năm 2015 cho thấy tỷ giá nhiều nước đã biến động rất mạnh như Malaysia Ringit mất giá 22% hay Indonesia Rupia mất giá hơn 10%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cân đối vĩ mô của các nước này.

Ngoài ra, yếu tố tâm lý có thể khiến tỷ giá tăng cao hoặc giảm sâu một cách cực đoan mà không phản ánh đúng các cân đối vĩ mô của nền kinh tế trong một thời gian dài. Tỷ giá biến động mạnh sẽ gây khó khăn cho công tác lập kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả của nền kinh tế. Vì thế, chỉ có các nước có nền tài chính phát triển sâu với đầy đủ các công cụ để doanh nghiệp có thể bảo hiểm rủi ro về tỷ giá mới áp dụng cơ chế tỷ giá thả nổi hoàn toàn. Phần lớn các nước trên thế giới kể cả những nước có nền kinh tế tương đối phát triển như Singapore vẫn áp dụng cơ chế tỷ giá có quản lý.

Trong khi đó, việc điều hành tỷ giá quá cứng nhắc trong bối cảnh thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động phức tạp có thể gây áp lực lớn đối với kinh tế trong nước. Do đó, cơ chế tỷ giá thả nổi có quản lý hiện nay là một lựa chọn phù hợp với một nền kinh tế mới nổi như Việt Nam. Với việc tham gia vào một loạt các hiệp định thương mại tự do trong năm 2016, Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới hơn bao giờ hết.

Cơ chế tỷ giá hiện nay cho phép tỷ giá của Việt Nam thay đổi kịp thời với những thay đổi về tỷ giá của các đối tác, và do đó đảm bảo được sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Đồng thời, cơ chế tỷ giá hiện nay cũng tránh được những biến động thái quá về tỷ giá, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tránh được những cú sốc không cần thiết do các biến động về tỷ giá gây ra.

“Khi thị trường tài chính của Việt Nam thực sự phát triển sâu và doanh nghiệp có đầy đủ các công cụ để bảo hiểm tỷ giá thì tỷ giá có thể thả nổi hoàn toàn cho thị trường quyết định” – ông Dũng khẳng định.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên