MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN nhắc nhở các ngân hàng cho vay lãi suất cao

05-05-2023 - 21:05 PM | Tài chính - ngân hàng

NHNN nhắc nhở các ngân hàng cho vay lãi suất cao

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, tốc độ giảm lãi suất cho vay cũng như huy động khá tích cực trong 4 tháng đầu năm.

Chiều 5/5, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023, báo chí đặt câu hỏi về thời gian tới doanh nghiệp có thể kỳ vọng việc lãi suất cho vay sẽ tiếp tục điều chỉnh giảm nữa hay không?

Trả lời vấn đề này, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, chính sách hạ lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp là một trong tám chính sách được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai trong 4 tháng đầu năm. Theo ông Tú, hạ lãi suất cho vay là chính sách sách quan trọng, có ý nghĩa rất thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí. 

Phó Thống đốc cho biết, từ đầu năm đến nay, NHNN đã thực hiện chính sách hạ lãi suất cho vay bằng việc 2 lần giảm lãi suất điều hành. Theo ông Tú, việc 2 lần hạ lãi suất điều hành trong thời gian ngắn vừa tạo thông điệp, cũng như vừa tạo định hướng cho các ngân hàng thương mại trong việc giảm lãi suất huy động cũng như hạ lãi suất cho vay. 

"Thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã giảm lãi suất huy động bình quân từ 1-1,2%, còn giảm lãi suất cho vay chung trong cả hệ thống ngân hàng khoảng 0,5-0,65%. Riêng các ngân hàng thương mại nhà nước, mức giảm tích cực hơn, khi lãi suất huy động giảm từ 1-1,5%, lãi suất cho vay giảm từ 1,5-2%", Phó Thống đốc thông tin.

Ông Tú cho biết, theo thống kê hiện các khoản tiền gửi mới bình quân có mức lãi suất từ 6,0-6,1% (cộng tất cả các kỳ hạn chia bình quân), còn cho vay từ 9-9,2%. 

"Những con số này cho thấy tốc độ giảm lãi suất đang khá tích cực thời gian qua", ông Tú nhấn mạnh.

Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, hợp lý đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phá, ổn định giá trị đồng tiền, đảm bảo hài hoà giữa tỷ giá và lãi suất. Trong đó, điều hành lãi suất trên tinh thần vận động, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cắt giảm chi phí để tạo điều kiện hạ lãi suất cho doanh nghiệp và người dân. 

"Tại Hội nghị vào ngày 25/4, NHNN đã đặt ra vấn đề với những ngân hàng còn cho vay ở mức cao đã được nhắc nhở, chỉ đạo để có mặt bằng cho vay thống nhất. Tất nhiên là tuỳ vào tình hình tài chính của mỗi tổ chức tín dụng để quyết định lãi suất của mình, song cần có tính thống nhất chung của hệ thống. Thời gian gần đây, hầu hết các ngân đều rất chủ động trong việc giảm lãi suất", ông Tú cho biết.

Theo Phó Thống đốc, 4 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại trong đã có 2 đợt giảm lãi suất cho vay. Sắp tới trên tinh thần chỉ đảo cũng như định hướng, vận động các ngân hàng thương mại thông qua Hiệp hội Ngân hàng sẽ tiếp tục thực hiện giảm lãi suất cho doanh nghiệp. 

NHNN nhắc nhở các ngân hàng cho vay lãi suất cao - Ảnh 1.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú

Liên quan đến lãi suất cho vay, trong tờ trình gửi Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 04 tháng năm 2023; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công, triển khai 3 Chương trình Mục tiêu Quốc gia, liên quan đến những khó khăn, hạn chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết tăng trưởng tín dụng đến ngày 24/4 tăng trưởng ở mức khiêm tốn, đạt 2,66%. So với năm ngoái, tính đến ngày 25/4/2022, tín dụng tăng 6,75% so với cuối năm 2021.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế còn hạn chế. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao.

Để đảm bảo mục tiêu hỗ trợ sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy các động lực phát triển của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tập trung phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Giữ ổn định thị trường ngoại tệ, điều hành tỷ giá phù hợp với tình hình. 

Bên cạnh đó là theo dõi chặt chẽ tình hình triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, việc trích lập dự phòng của các tổ chức tín dụng, để có giải pháp chỉ đạo, điều hành trong trường hợp cần thiết, bảo đảm các quy định về dự phòng rủi ro của tổ chức tín dụng. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan trong điều hành chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.


Theo Thùy An

vtv.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên