MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN và KBNN luân phiên bơm tiền cho hệ thống ngân hàng: Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì?

27-12-2021 - 15:05 PM | Tài chính - ngân hàng

NHNN và KBNN luân phiên bơm tiền cho hệ thống ngân hàng: Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì?

NHNN và KBNN luân phiên mua ngoại tệ và bơm sang hệ thống ngân hàng hàng trăm nghìn tỷ đồng trong nửa cuối năm 2021. Động thái này thể hiện thiện chí của các cơ quan chức năng trong việc duy trì thanh khoản thị trường dồi dào để hỗ trợ cho nền kinh tế.

Hiếm thấy khi nào các đợt chào mua ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước lại diễn ra với tần suất dày và quy mô lớn như những tuần gần đây.

Chỉ tính từ đầu tháng 12, cơ quan này đã có 4 lần thông báo về nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại, tổng khối lượng mua vào dự kiến là 900 triệu USD. Với loại hình giao dịch giao ngay và giá mua vào niêm yết trên NHNN là 22.650 VND/USD, tương ứng lượng tiền VND được bơm sang hệ thống ngân hàng là 20.400 tỷ đồng.

Nếu tính cả tháng 10 và tháng 11, KBNN đã có 6 đợt chào mua ngoại tệ từ các ngân hàng với tổng khối lượng 1,3 tỷ USD, tương ứng lượng nội tệ đối ứng chuyển vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 29.000 tỷ đồng.

Không chỉ KBNN, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng liên tục mua vào một lượng lớn ngoại tệ, qua đó đẩy hàng trăm tỷ đồng nội tệ vào hệ thống ngân hàng trong nửa cuối năm 2021.

Theo số liệu của SSI Research, chỉ riêng trong vòng 3 tuần đầu tháng 11, lượng VND bơm ra thị trường thông qua kênh mua ngoại tệ của NHNN lên tới hơn 60.000 tỷ đồng,

Trước đó, trong tháng 7 và tháng 8, hệ ngân hàng đã nhận thêm hơn 127.000 tỷ đồng thông qua kênh đáo hạn ngoại tệ. Đây là các hợp đồng bán ngoại tệ kỳ hạn 6 tháng cho NHNN với tổng giá trị thực hiện ước tính khoảng 5,5 tỷ USD.

Hoạt động mua ngoại tệ của hai cơ quan trên đã giúp hệ thống ngân hàng liên tục có thêm lượng tiền Đồng mới. Qua đó duy trì thanh khoản và ổn định mặt bằng lãi suất trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường huy động dân cư.

Thực tế, dù chịu tác động từ yếu tố mùa vụ do bước vào mùa cao điểm thanh toán và tín dụng cuối năm, lãi suất liên ngân hàng ở thời điểm hiện tại vẫn đang duy trì ở mặt bằng tương đối thấp khi vẫn đang tương đương so với mức trung bình của năm 2020 và thấp hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm 2019.

Thanh khoản hệ thống ngân hàng cũng vẫn đang được duy trì ở trạng thái ổn định và dồi dào thể hiện qua việc NHNN gần như không sử dụng công cụ thị trường mở trong suốt gần 10 tháng nay.

NHNN và KBNN luân phiên bơm tiền cho hệ thống ngân hàng: Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì? - Ảnh 1.

Công cụ thị trường mở gần như không được NHNN sử dụng trong suốt gần 10 tháng nay. (Nguồn: BVSC)

Trên thị trường huy động tiền gửi dân cư, lãi suất tiết kiệm tại một số ngân hàng có bước điều chỉnh tăng nhẹ đối với đối tượng khách hàng cá nhân. Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm nhích tăng chủ yếu chỉ mang tính cục bộ, xuất hiện tại một số ngân hàng nhỏ trong khi biểu lãi suất tại các ngân hàng lớn vẫn được giữ nguyên so với những tháng trước.

Hiện, mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục duy trì ở mức thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây, dao động từ 3 - 4% đối với kỳ hạn dưới 6 tháng, 3,7 - 5% đối với kỳ hạn 6 - 12 tháng và 4,2 - 6,5% đối với kỳ hạn trên 12 tháng.

NHNN và KBNN luân phiên bơm tiền cho hệ thống ngân hàng: Chính sách nới lỏng tiền tệ sẽ tiếp tục được duy trì? - Ảnh 2.

Chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục được duy trì?

Đánh giá về động thái mua ngoại tệ của KBNN, Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng điều này thể hiện thiện chí của các cơ quan chức năng trong việc duy trì thanh khoản thị trường dồi dào để hỗ trợ cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, KBNN cũng có thể tận dùng thời điểm hiện tại khi giá mua vào ngoại tệ ở mức thấp (thấp nhất kể từ 2018 tới nay) để tăng dự trữ ngoại tệ và phục vụ cho các nhu cầu chi tiêu bằng ngoại tệ.

Trong khi đó, NHNN cũng tiếp tục truyền đi thông điệp tiếp tục duy trì thanh khoản dồi dào cho hệ thống ngân hàng nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.

Chia sẻ tại Diễn đàn bàn về phục hồi kinh tế do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cho biết trong hai năm qua, NHNN đã mua thêm gần 25 tỷ USD ngoại tệ, tương ứng với lượng tiền đồng bơm ra nền kinh tế. Theo ông Hà, cung ứng tiền của NHNN đã thể hiện việc hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế khi duy trì thanh khoản tốt trên thị trường liên ngân hàng, cung ứng vốn đều đặn với mức lãi suất thấp so với mặt bằng trước đó.

‘’Điều hành của NHNN nhằm đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế, cho hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như doanh nghiệp’’, Phó Thống đốc chia sẻ.

Dự báo về định hướng điều hành trong thời gian tới, giới phân tích cho rằng Chính phủ mà đại diện là Bộ Tài chính và NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách nới nới lỏng tài chính, tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

Theo SSI Research, chính sách tiền tệ trong thời gian tới sẽ được duy trì nới lỏng để hỗ trợ sự hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch, trong bối cảnh lạm phát đang được kiểm soát tốt.

Các biện pháp của NHNN có thể bao gồm giảm lãi suất điều hành, tăng hạn mức tín dụng nhằm tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, các gói cho vay lãi suất thấp cũng có thể được triển khai đến các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề như hàng không, du lịch hoặc các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

SSI Research cũng cho rằng chính sách tài khóa nới lỏng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ trong và sau dịch. Trong bối cảnh các nước trong khu vực đã phải tăng trần nợ công để tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, không gian tài khóa của Việt Nam vẫn còn đủ mạnh để có thể thực hiện thêm các gói hỗ trợ tài khóa bên cạnh các gói chính sách như hiện tại.

Đồng quan điểm, BVSC nhận định chỉ số lạm phát CPI của Việt Nam đạt 1,84% trong 11 tháng đầu năm, thấp nhất kể từ năm 2016 tới nay. Với mặt bằng thấp này, nhóm phân tích dự báo lạm phát sẽ chỉ ở khoảng 2% cho năm 2021.

''Đây là một yếu tố tích cực, cho phép NHNN tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng để kích thích nền kinh tế hồi phục trong những tháng cuối cùng của năm, đặc biệt khi nhiều tỉnh thành phố mới chỉ bắt đầu nới lỏng lệnh giãn cách từ đầu tháng 10. Do đó, chúng tôi tiếp tục đánh giá lãi suất ngân hàng sẽ duy trì ở mức thấp trong các tháng tới'', nhóm phân tích cho biết.

Mạnh Đức

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên