Nhớ bát canh ốc nấu chuối
Mùa mưa về nên chợ có nhiều ốc: ốc nhồi đen óng, ốc vặn, ốc bươu vàng... Nhìn những mớ ốc, gợi lại bao ký ức ấm nồng năm nao. Đó không phải là những buổi chiều bên lề con phố Hà Tĩnh gió mưa ngồi nhâm nhi dĩa ốc xào cay xé lưỡi. Càng không phải tô bún ốc thanh thanh chua bên Hồ Tây của đêm thu Hà Nội.
- 25-08-20224 điểm bất thường khi ngủ cần lưu ý, cảnh báo căn bệnh nguy hiểm
- 24-08-2022Cơ thể của người uống nước lọc hay người uống trà khỏe mạnh hơn?
- 20-08-20227 mẹo đơn giản cha mẹ nên áp dụng để con thông minh hơn
Lòng rưng rưng nhớ món canh ốc nhồi nấu chuối xanh của mẹ giữa tiết thu, mưa nhiều. Biết bao nhiêu lần, thuở bé thơ, tôi theo anh chị rồi một mình đi mò cua, bắt ốc mỗi dịp mùa mưa lũ đến. Những cánh đồng Đức Thọ, Can Lộc năm xưa chưa bị ốc bươu vàng xâm thực, ốc nhồi, ốc vặn đích thực là nguồn thức ăn có từ đồng ruộng nhiều dinh dưỡng, ngon và an toàn. Mưa xuống, nước dâng lên, ốc cua từ các khe núi, đầm lầy theo về ven ruộng lấp xấp nước, người dân chỉ bì bõm vài giờ sẽ được dăm ký cua và ốc. Mùa này, quê tôi mưa nắng chen nhau, đường ngập nhầy nhụa, vài trận mưa cóc có khi là cả làng bị cô lập trong nước... Những món ăn dân dã từ đồng quê như canh ốc lúc này càng trở nên vô cùng quý giá, nuôi sống nhiều gia đình.
Ốc ngày ấy sinh sôi, nảy nở khiêm nhường từ sông, khe, suối đến ao, hồ, đầm, đồng ruộng rất thanh bình. Ốc nhồi có màu đen tuyền như mắt những con trâu hiền lành; ốc vặn nhỏ hơn thường lặn sát bùn hoặc bám cọc rêu, lục bình để kiếm ăn. Ốc mới bắt về đem ngâm nước sạch chừng ba giờ vớt ra ngâm lại nước gạo, rồi cắt ít lát ớt cho ốc nhả bớt nhớt bẩn. Mẹ đem ốc chà rửa sạch nhất là ốc vặn, khi rảnh thì tỉ mẩn chặt đuôi từng con, thêm sả, lá chanh cho vào nồi đem luộc.
Ốc chín, tôi cùng mẹ cẩn thận dùng gai bưởi gỡ thịt ở miệng từng con ốc ra khỏi vỏ. Thịt ốc lấy được, mẹ ướp với gia vị để thấm đều muối, tiêu, ớt, đằm đặm nước mắm, ruốc và sả giã nhuyễn.
Một vài trái khế, dăm quả chuối xanh tước vỏ, chẻ vuông dài ngâm muối, nhánh nghệ giã nhỏ vàng tươi cùng và nắm lá lốt, tía tô mọc lặng lẽ góc vườn. Khi không có chuối thì nấu với dọc mùng, hoa chuối, ruột cây chuối hột… Ở quê ngày đó, có gì nấu nấy, được ăn là quý rồi, lúc đói ăn cái gì cũng thấy ngon. Chứ đừng nói gì đến món "canh ốc" được mẹ nấu một cách bài bản, ăn một lần nhớ suốt đời.
Mẹ đập vài nhánh tỏi, ít củ hành tăm, băm nhuyễn. Phi thơm hỗn hợp ấy bằng chút mỡ lợn, xào thịt ốc lên tạo ra một tổ hợp mùi kích thích tận cùng khứu giác. Cho ít nước chín, thả chuối xanh, khế thái mỏng, rồi tuần tự cho các gia vị khác vào...
Sản phẩm cuối cùng là một nồi canh ốc bốc khói "bổ dưỡng và an toàn", nước canh có màu đục trắng, màu đen của thịt ốc, vàng tươi của nghệ thấm vào từng lát chuối và khế, lấp ló xanh đỏ của lá lốt, tía tô, ngầy ngậy của tóp mỡ. Nhắm mắt lại hít hà, tôi nhận rõ mồn một tô canh ốc ăm ắp tình yêu của mẹ dành cho gia đình. Sự hòa quyện từ hương vị đến màu sắc giống như tính cách luôn ôn hòa, trìu mến của mẹ.
Món canh ốc đó nuôi bảy chị em chúng tôi lớn khôn thành người. Những năm tháng sau này, tôi đem tất cả những gì học được từ món ăn canh ốc ấm nồng của mẹ vào trong cuộc sống của chính mình. Nhưng dù có cố gắng đến đâu thì thành phẩm của tôi không thể ngon bằng món canh ốc chính bàn tay mẹ nấu.
Người lao động