MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhờ bầu cử thay là cử tri tự tước quyền công dân của mình

18-05-2016 - 07:54 AM | Xã hội

Mỗi cử tri cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình, dùng lá phiếu để lựa chọn những đại biểu ưu tú nhất.

Mỗi cử tri khi tham gia bầu cử không chỉ thực hiện quyền dân chủ mà còn là nghĩa vụ công dân, thể hiện trách nhiệm chính trị của mình đối với đất nước. Lá phiếu bầu còn là biểu hiện sinh động của lòng tin của dân với Đảng, với chế độ.

Đã ở tuổi 90 nhưng trí nhớ của Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn tinh anh. Ông vinh dự là người được tham gia đầy đủ 13 kỳ bầu cử Quốc hội Việt Nam.

Nhớ lại cảm xúc và ký ức về lần đầu tiên trong đời được cầm lá phiếu, thể hiện quyền của công dân một quốc gia độc lập, Trung tướng Phạm Hồng Cư gọi lá phiếu đầu tiên ấy là “lá phiếu của tự do” và hồi tưởng cảm giác lâng lâng khi cầm lá phiếu trên tay. Đó là khoảng thời gian mà chỉ cách đó ít lâu - trước Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta vẫn còn mang thân phận nô lệ, thuộc địa.

Chủ nhật, ngày 22/5 tới đây đánh dấu lần thứ 14 vị tướng già đi bỏ phiếu để bầu người đại diện cho mình tại Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp. Trung tướng Phạm Hồng Cư giải thích, việc ông gọi đó là “lá phiếu của tự do” là vì mỗi lần bầu cử cử, tri cầm lá phiếu ngoài việc chọn những đại biểu đại diện cho mình còn gửi gắm vào đó một kỳ vọng.

Sắp tới bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông kỳ vọng các đại biểu sẽ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thoát nạn tụt hậu so với các nước để sánh vai cùng các cường quốc năm châu, tiếp tục đổi mới, tiếp tục phát triển, chống nội xâm tham nhũng, cũng như chống được lãng phí, chống ngoại xâm gây căng thẳng ở Biển Đông.

Ý thức được trách nhiệm của bản thân, sinh viên Trần Thị Thúy, Học viện Báo chí và Tuyên truyền Hà Nội cho rằng, đi bầu cử là niềm vinh dự, là quyền làm chủ thực sự của người dân nói chung, của thế hệ trẻ Việt Nam nói riêng. Bởi thế, mỗi bạn trẻ cần thấu hiểu và nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình, sáng suốt lựa chọn người đủ điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ người đại biểu nhân dân.

“Cầm lá phiếu đi bầu là quyền lợi và trách nhiệm công dân, của tuổi trẻ. Trách nhiệm làm chủ đất nước, trách nhiệm lựa chọn và xây dựng bộ máy Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Bởi vậy khi nhận được lá phiếu, trách nhiệm của mỗi thanh niên là phải theo dõi danh sách đại biểu, sáng suốt lựa chọn người có điều kiện hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ những việc làm nhỏ nhất, như đi bầu cử đúng giờ, phát huy tối đa quyền làm chủ của mình cũng thể hiện ý thức trách nhiệm của sinh viên đối với xã hội”, sinh viên Trần Thị Thúy bày tỏ.

Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng nhắn nhủ tới cử tri: “Hiến pháp 2013 quy định quyền tự do dân chủ, quyền trực tiếp và gián tiếp của người dân trong xây dựng chính quyền. Trực tiếp cầm lá phiếu để bầu ra người thay mặt cho chính mình tham gia vào chính quyền địa phương và bộ máy nhà nước, đó là bầu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Toàn dân nô nức đi bầu, không bầu thay, bầu hộ. Nếu bầu thay, bầu hộ tức là tước quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong việc xây dựng nhà nước, xây dựng chính quyền”.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày hội trọng đại của đất nước. Cử tri trên khắp mọi miền Tổ quốc sẽ dùng lá phiếu để lựa chọn những người ưu tú về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, đại diện xứng đáng cho mình trong các cơ quan dân cử.

Lúc này, mỗi cử tri cần phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm của mình, nghiên cứu kỹ các thông tin liên quan để có sự lựa chọn sáng suốt. Đó cũng là cách để người dân thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, phát huy quyền làm chủ của mình trong xây dựng bộ máy cơ quan công quyền để quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước./.

Theo Lại Hoa

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên