Nhờ duy trì 1 thói quen trong nhiều năm mà tôi tiết kiệm được thêm vài triệu mỗi tháng, mua được cả đất
Nhiều người đã hình thành thói quen ghi chép thu chi trong suốt nhiều năm
- 19-12-2024Cuối cùng tôi đã hiểu tại sao thế hệ ông bà, cha mẹ có thể tiết kiệm tiền dù thu nhập thấp như thế!
- 18-12-2024Đây là cuộc sống tối giản "chuẩn chỉnh" cho phụ nữ trung niên: Tiết kiệm tiền, giữ nhà sạch và tập thể dục
- 17-12-2024U70 về hưu, dồn tiền tiết kiệm để chu du thế giới chứ không cho con một đồng: Khẳng định làm như vậy là tốt cho con cái!
- 15-12-2024Mẹ Hà Nội chia sẻ bí quyết có 2 căn nhà từ bàn tay trắng: Nhìn 1 thói quen suốt nhiều năm mà ai cũng trầm trồ
Quản lý tài chính tốt không chỉ là kiếm được tiền, mà còn là học cách thu chi hiệu quả với đồng lương kiếm được. Để không tiêu hết sạch thu nhập hàng tháng, còn dư tiền cho các mục đích khác thì nhiều người đã duy trì thói quen ghi chép thu chi trong suốt nhiều năm. Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc sử dụng tiền lương hiệu quả thì hãy thử lắng nghe câu chuyện của những cô nàng dưới đây.
Ghi lại từng khoản thu chi hàng tháng từ 10 năm trước
Thuý Ngân (SN 1992, TP. Hà Nội) chia sẻ cô đã bắt đầu ghi chép chi tiêu bằng app từ cách đây 10 năm. Ngay từ khi còn nhỏ, cô đã hình thành suy nghĩ phải tiết kiệm. Lớn lên, khi bắt đầu đi làm, Thuý Ngân luôn có ý thức không bao giờ tiêu hết tiền lương kiếm được và phải nghĩ đến cách để tích lũy tiền. Ghi chép chi tiêu hàng tháng chính là một cách để cô luôn có tiền trong túi và tài chính rủng rỉnh hơn.
“Mình đã học cách ghi chép chi tiêu từ 10 năm trước. Khoảng 6 năm gần đây thì muốn xem chi tiêu của năm nào, tháng nào là chỉ cần mở app ra là có đủ. Nhờ vậy, mình biết được một năm bản thân thu được bao nhiêu, chi mục nào ít, mục nào nhiều. Mình ghi chép chi tiêu từ khi lương chỉ có 10 triệu, tiêu 7 triệu. Giờ lương mình đã tăng lên gấp 3 lần, tiêu 20 triệu nhưng mình vẫn đều đặn ghi chép, vì đã là thói quen rồi” , cô nàng cho hay.
Thuý Ngân chia sẻ, cô từng giới thiệu nhiệt tình phương pháp ghi chép chi tiêu này cho người quen. Song một số bạn bè lại nói cô kiệt sỉ, vì chỉ tiêu vài ngàn đồng cũng ghi chép lại. Thế nên, giờ cô đã học được cách lặng lẽ ghi chép chi tiêu một mình, từ đó có được số vốn phòng thân và một miếng đất.
“Khi mình chia sẻ về thói quen ghi chép chi tiêu, nhiều người nói việc ghi chép đau đầu, chỉ ghi thôi thì có thêm được đồng nào đâu. Tuy nhiên, khác nhau ở chỗ người khác ghi chép để nhìn, còn mình để thay đổi. Mình sẽ đánh giá bản thân đang tiêu tiền cho những khoản mục nào, khoản mục đó cần thiết hay không? Nếu mình đang tiêu tiền lãng phí thì có cách nào cắt giảm được để tiết kiệm hay không?
Kiếm ra được hàng chục triệu, hàng trăm triệu không phải dễ. Mình ghi chép chi tiêu không phải để sống bủn xỉn mà là chừa đường lui cho bản thân. Mình tâm niệm, quan trọng không phải bạn kiếm được bao nhiêu tiền, mà là bạn giữ lại được bao nhiêu cho mình”, cô nàng nói.
Học ghi chép thu chi từ bố
Một trường hợp khác, Hiền Hoa (SN 1995, Hà Nội) cũng được cha mẹ rèn cho thói quen tiết kiệm từ khi còn nhỏ. Cô nàng cho biết: “Từ khi học cấp 2, bố mẹ đã cho mình một khoản để tiêu vặt và mua sắm đồ dùng học tập. Mỗi lần như vậy, bố mẹ bảo mình cần cân nhắc mua sắm, chỉ được mua trong từng đó tiền. Tốt hơn cả là mình nên dành lại một khoản để bỏ lợn, sau này dùng số tiền đó mua đồ mình thích. Dần dần mình học được cách sống tiết kiệm, có ý thức với đồng tiền nắm trong tay”.
Không chỉ học được lối sống tiết kiệm, cô nàng còn học được cách ghi chép chi tiêu từ bố mình - một người làm Kế toán giỏi. “Từ khi đi làm, mình đã học cách ghi chép kỹ càng từng chút một, dù đồng lương còn thấp. Đặc biệt khi về nhà chồng, mình cũng đã bắt đầu tính toán chi li từng chút một các khoản chi phí. Nhờ đó, mình biết được hàng tháng bản thân tiêu bao nhiêu, cũng như sức mạnh của đồng tiền lẻ mà chúng ta thường hay bảo nhau đôi ba đồng tiền lẻ thì làm được cái gì”.
Hiền Hoa chia sẻ trong hành trình quản lý tài chính, có những tháng cô nàng không đều đặn ghi chép chi tiêu. Sau đó khi tổng kết vào cuối tháng, cô phát hiện bản thân đã tiêu nhiều hơn so với kế hoạch 10 triệu đồng - một con số khiến Hiền Hoa tự nhắc nhở bản thân không được phép quên phải theo dõi thu chi chặt chẽ hàng tháng.
“Với những người bắt đầu ghi chép thu chi thì có thể thấy bất tiện vì tiêu gì cũng phải ghi vào. Nhưng chỉ sau 2 tháng làm quen bạn sẽ thấy việc ghi chép này thuận tiện, vì nhiều khoản tiêu dùng hàng tháng là cố định. Thói quen này thực sự giúp mình rất nhiều trong việc biết bản thân đang có bao nhiêu tiền tiết kiệm, tháng kiếm được thu nhập bao nhiêu hoặc mức sinh lời từ đầu tư như thế nào.
Mình thường ghi chép chi tiêu vào buổi sáng khi mới lên công ty. Lúc này, mình ghi chép lại các khoản chi của ngày hôm qua, dựa theo ghi chép từ lịch sử giao dịch của khoản ngân hàng và trí nhớ khi dùng tiền mặt. Nói chung, mình tiêu khá ít nên việc ghi nhớ cũng dễ dàng”, Hiền Hoa nói thêm.
Hàng ngày phải tính toán chuyện tiết kiệm thì có khổ không?
Theo quan điểm của Hiền Hoa, tiết kiệm không thể tách rời khỏi cuộc sống bình thường, kể cả khi bạn đã có thu nhập cao. Cô nàng chia sẻ, gia đình cô vốn không khá giả. Từ nhỏ, mức lương của bố mẹ chỉ đủ để trang trải những nhu cầu cơ bản của gia đình nên chưa bao giờ các thành viên không nghĩ đến tích lũy tiền.
“Càng lớn, mình càng hiểu được tầm quan trọng của việc tiết kiệm và chuẩn bị tiền bạc. Đừng xem thường chuyện tiết kiệm. Vì chỉ khi bản thân ốm đau hoặc bố mẹ mắc bệnh tật, chúng ta mới nhanh chóng thấy hối hận. Ngoài ra, mình nghĩ tiết kiệm ít cũng là tiết kiệm. Tích lũy tiền bạc theo tháng không giúp ta dư dả nhanh chóng, nhưng nó tạo cho mình một thói quen cần làm hàng ngày”.
Còn đối với Thuý Ngân, lối sống tiết kiệm rất cần thiết đặc biệt là khi bạn đã có gia đình. Tuy nhiên, tiết kiệm thôi là không đủ mà bạn cần học cách đa dạng hóa danh mục đầu tư cá nhân và gia tăng thu nhập.
“Ai cũng có những cách riêng để tạo nên sự an tâm cho cuộc sống, và với mình sống tiết kiệm là cách tốt nhất. Mình tin rằng luôn có khoản tiền phòng thân thì cuộc sống của bản thân và gia đình sẽ an toàn hơn. Tuy nhiên, tiết kiệm và kiếm tiền phải làm song song. Nếu cứ chỉ tiết kiệm thì số tiền mãi ít ỏi. Ngược lại, nếu cứ mãi kiếm tiền mà không tiết kiệm được thì tài khoản không thể dư dả”, Thuý Ngân bày tỏ.
Thanh niên Việt