MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhờ thâu tóm "dự án chết", công ty địa ốc này đang vươn lên là một trong những đơn vị chiếm lĩnh thị phần nhà ở Tp.HCM

11-02-2017 - 09:19 AM | Bất động sản

Từ một đơn vị phân phối nhà đất được thành lập năm 2002, nhưng đến nay công ty BĐS này được biết đến là một trong những nhà phát triển BĐS cung ứng lượng nhà ở khá lớn trên thị trường địa ốc Tp.HCM.

Sự vươn lên và chuyển đổi mô hình này là nhờ chiến lược thâu tóm các dự án "chết lâm sàng", hợp tác phát triển cùng nhiều đối tác. Đó là công ty Hưng Thịnh, hiện đang được khách hàng, nhà đầu tư biết đến thông qua các đợt chào bán dự án chung cư trên thị trường.

Thợ săn "dự án chết" trong cơn khủng hoảng

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh Land - Công ty thành viên Hưng Thịnh Corp, cho biết lợi nhuận đầu tư vào BĐS không nhiều, nhưng thông qua việc M&A đã làm sống lại được nhiều dự án, giải quyết nhu cầu nhà ở bức thiết của xã hội.

Theo đó, cú lao dốc của thị trường bất động sản trong nhiều năm qua đã vắt kiệt sức của nhiều doanh nghiệp địa ốc, hàng loạt dự án đang xây dựng dở dang đã phải “trùm mền” vì chủ đầu tư cạn vốn. Trong khi đó, Hưng Thịnh Corp xác định đây chính là giai đoạn để hiện thực hóa chiến lược của mình.

Chiến lược này thực thi từ năm 2011 đến nay, Hưng Thịnh Corp liên tục "săn" các dự án của đối tác đang triển khai dở dang nhưng thiếu vốn triển khai để “bắt tay” hợp tác đầu tư, xây dựng, giúp nhiều dự án hồi sinh.

Điển hình như Dự án Florita tại khu đô thị Him Lam (quận 7); 9 View (quận 9), Sky Dream (Bình Thạnh), MoonLights Residences (quận Thủ Đức), Sky Center (Tân Bình), Melody Residences (Tân Phú)… Đây đều là những dự án từng bị “đắp chiếu” trước đó nay đang được triển khai trở lại.

Hay một loạt các dự án 12 View (quận 12), 8X Plus ở (quận Tân Phú); 8X Thái An (Gò Vấp) và 8X Đầm Sen (Tân Phú); 91 Phạm Văn Hai (Tân Bình); 26 Nguyễn Thượng Hiền (quận 3); 155 Nguyễn Chí Thanh (quận 10); Metro Apartment (Thủ Đức) … từng có lịch sử bị “trùm mền” nay đã trở thành những khu dân cư hiện hữu, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho hàng ngàn người dân.

Được biết, riêng 2016 Hưng Thịnh thâu tóm gần 12 dự án lớn nhỏ nằm tại khu Đông, Nam và Tây Bắc bằng cách mua 100% các DN đang sở hữu đất hay dự án.

Chẳng hạn, mới đây nhất ngày 16/12/2016, công CP Đầu tư xây dựng Bình Chánh (BCI) đã có Nghị quyết quyết định chuyển nhượng dự án An Lạc Plaza cho Hưng Thịnh với giá trị hơn 234.5 tỷ đồng, bao gồm thuế giá trị gia tăng ( VAT ). Đối với dự án Western Plaza, giá trị chuyển nhượng cho Hưng Thịnh là 228 tỷ đồng.

An Lạc Plaza nằm tại phường An Lạc A, quận Bình Tân có diện tích 7.649m2, quy mô 463 căn hộ diện tích từ 45-112 m2/căn.Dự án này đã xây xong phần móng, giá bình trung bình khoảng 21 triệu đồng/m2. Dự án Western Palza tại 510 Kinh Dương Vương có diện tích 10.000 m2, đã đóng tiền sử dụng đất nhưng dự án này đang tạm dừng.

Trước đó, vào tháng 7/2016 Hung Thinh Corp cũng đã thâu tóm một dự án gồm 600 căn hộ tại quận Thủ Đức của Chương Dương Golden Land. Đây là dự án có tổng diện tích 14.852,6 m2, do Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Thành Phát (công ty con của Chương Dương Corp) làm chủ đầu tư. Để sở hữu dự án này, Hung Thinh Corp đã nhận chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Thuận Thành Phát với tổng giá trị hợp đồng chuyển nhượng là 245 tỷ đồng.

Ngoài ra, Hưng Thịnh cũng đã mua 100% dự án chung cư Bàu Sen tại Tp. Vũng Tàu để hoàn thiện dự án với tên Vũng Tàu Melody.

Trước đó, Hưng Thịnh cũng đã thực hiện thâu tóm hàng chục dự án BĐS lớn nhỏ, chủ yếu ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT Hưng Thịnh cho rằng, công ty không dùng khái niệm "thâu tóm" mà là những thương vụ M&A thân thiện bởi khi Hưng Thịnh mua lại hay hợp tác phát triển ở các dự án đều đem lại kết quả tốt cho cả người bán, người mua và khách hàng, thay đổi diện mạo đô thị...

2.000 nhân viên kinh doanh và 5.000 căn nhà được bán

Trong một hai năm qua, Hưng Thịnh liên tục tuyển dụng rầm rộ môi giới BĐS để triển khai bán các dự án mà công ty này mua lại. Theo ông Nguyễn Nam Hiền, TGĐ Hưng Thịnh Land cho biết tính đến nay công ty có khoảng 2000 nhân viên kinh doanh.

Cũng theo ông Hiền, 2016 là một năm bán hàng thành công của Hưng Thịnh Land với số lượng căn hộ tiêu thụ trên thị trường đạt gần 5000 căn, tuy nhiên, vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Trong năm nay Hưng Thịnh dự kiến sẽ bung ra thị trường khoảng 15 dự án. Trong bối cảnh thị trường đang có nguồn cung lớn, sức mua bị chững lại thì đây sẽ là một áp lực cạnh tranh rất lớn cho doanh nghiệp!

Lý giải về việc dự án được tiêu thụ một cách nhanh chóng, ông Hiền cho rằng khi bắt tay đầu tư một dự án, Hưng Thịnh luôn nghiên cứu khá kỹ các yếu tố của dự án, từ tính pháp lý, vị trí, đến khả năng giải quyết đầu ra của thị trường... Quan điểm của Hưng Thịnh luôn xác định không nôn nóng, mà là chậm nhưng phải chắc.

Chủ yếu sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu được tích lũy để xoay xở trong giới hạn “liệu cơm gắp mắm”, chứ không vay vốn đầu tư bằng mọi giá. Vì vậy, khi triển khai dự án, Hưng Thịnh chỉ cần bỏ ra 20 - 30% vốn là có thể thành công.

Theo tiết lộ của ông Hiền, chiến lược của Hưng Thịnh là kinh doanh mô hình khép kín theo chuỗi cung ưng BĐS. Tức là đưa ra các giải pháp toàn diện từ thiết kế, xây dựng dự án, sản xuất trang thiết bị nội thất, đến tiếp thị, phân phối sản phẩm ra thị trường. Cách bán nhà của Hưng Thịnh là không giao dự án cho một đơn vị phân phối nào khác và ngược lại, cũng không nhận dự án của bất kỳ đơn vị nào để phân phối.

Đăng Khải

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên