MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhọc nhằn quá trình dẫn độ “công chúa Huawei” sang Mỹ

07-06-2019 - 14:39 PM | Tài chính quốc tế

Phiên tòa xem xét khả năng dẫn độ Giám đốc tài chính Tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Chu sang Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 20-1-2020.

Đội ngũ pháp lý của bà Mạnh đã đề nghị phiên tòa xem xét khả năng dẫn độ kết thúc vào tháng 10-2020 và gia hạn đến tháng 11-2020 trong trường hợp cần thiết.

Luật sư Daniel Coles cho hay thẩm phán đã chấp nhận lịch trình đề xuất của đội ngũ pháp lý của bà Mạnh chỉ với thay đổi nhỏ. Bà Mạnh, 47 tuổi, con gái nhà sáng lập Tập đoàn Huawei Nhậm Chính Phi, bị bắt tại sân bay ở TP Vancouver hồi tháng 12 năm ngoái theo lệnh bắt giữ của Mỹ.

Nữ giám đốc tài chính này đang đấu tranh pháp lý nhằm tránh bị dẫn độ sang Mỹ với cáo buộc lừa dối các ngân hàng toàn cầu về mối quan hệ giữa Huawei và một công ty hoạt động ở Iran, bị cho là vi phạm lệnh trừng phạt lên Tehran của Washington. Bà Mạnh được tại ngoại sau khi nộp 7,5 triệu USD và đang bị quản thúc trong căn nhà trị giá 10 triệu USD.

Nhọc nhằn quá trình dẫn độ “công chúa Huawei” sang Mỹ - Ảnh 1.

Bà Mạnh Vãn Châu đang bị quản thúc trong căn nhà trị giá 10 triệu USD. Ảnh: Reuters

Ông David Martin, một trong những luật sư của bà Mạnh cho biết nếu tòa có thể đưa ra phán quyết về việc dẫn độ bà Mạnh đến Mỹ trong vòng 2 năm thì đó cũng là khoảng thời gian kỷ lục.

Trong khi đó, phía Huawei cho rằng không có bằng chứng cho thấy bà Mạnh lừa dối bất kỳ ngân hàng nào và những cáo buộc nhằm vào bà không phải là hành vi phạm tội tại Canada. Theo luật của Canada, một cá nhân nước ngoài phạm tội chỉ bị dẫn độ khi họ vi phạm tội bị cáo buộc ở Canada.

Quan hệ ngoại giao giữa Canada và Trung Quốc đóng băng sau khi bà Mạnh bị bắt giữ và chính quyền Bắc Kinh bắt hai công dân Canada với cáo buộc gián điệp.

Nhọc nhằn quá trình dẫn độ “công chúa Huawei” sang Mỹ - Ảnh 2.

Căn nhà mà bà Mạnh đang ở chờ phiên tòa xem xét khả năng dẫn độ sang Mỹ. Ảnh: Reuters

Việc phiên tòa xét xử bà Mạnh kéo dài có thể khiến ảnh hưởng của bà như quân cờ trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung bị giảm xuống.

Phán xét của tòa thậm chí có thể được đưa ra sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 kết thúc. Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng nói ông có thể trực tiếp can thiệp nếu như việc dẫn độ bà Mạnh giúp đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Tập đoàn thiết bị viễn thông của Trung Quốc cũng cho rằng những bình luận của Tổng thống Trump cho thấy trường hợp của bà Mạnh mang động cơ chính trị và tài chính hơn chứ không liên quan đến pháp luật.

 (Theo Reuters)

Theo Xuân Mai

Người Lao động

Trở lên trên