"Nhóm Chứng khoán đang phải cạnh tranh khốc liệt, Ngân hàng cần cảnh giác với rủi ro suy thoái"
Ông Bùi Văn Huy, chuyên gia chứng khoán.
Theo chia sẻ của chuyên gia Chứng khoán Bùi Văn Huy, cơ hội giao dịch trên thị trường hiện không thực sự dồi dào. Một số nhóm ngành Năng lượng, Chứng khoán, Ngân hàng vẫn ẩn chứa rủi ro.
Thị trường đã có 3 tuần giảm liên tiếp triệt tiêu hết 3 tuần hồi phục trước đó. Trong khi đó, thanh khoản cũng đang về mức thấp nhất kể từ đầu năm. Với trạng thái này, ông đánh giá xu hướng thị trường có thể xấu hơn trong thời gian tới?
Về diễn biến thị trường, hiện tại thị trường chứng khoán Việt Nam chịu tác động lớn từ thị trường chứng khoán toàn cầu đang rất biến động, cũng như các yếu tố riêng trong nước.
Về yếu tố quốc tế, như chúng ta đều quan sát thấy, thị trường thế giới và các loại tài sản rủi ro có các phiên phục hồi khá tốt, điều này có thể hỗ trợ ít nhiều về mặt tâm lý trong các phiên đầu tuần. Tuy nhiên xu hướng dài hạn của nhiều thị trường quan trọng, nổi bật là thị trường Mỹ vẫn trong xu hướng giảm dài hạn.
Về thị trường trong nước, việc nảy lên từ vùng hỗ trợ 1.155-1.160 (vùng đáy cũ tháng Năm) là điều rất bình thường. Tuy nhiên thanh khoản thực sự là yếu tốt đáng lo ngại ở thời điểm hiện tại. Việc HOSE khớp lệnh chưa đến 10 ngàn tỷ trong phiên cuối tuần thực sự là diễn biến đáng chú ý. Trong phân tích kỹ thuật, một trong những quy tắc quan trọng nhất mà hầu như ai cũng biết là "khối lượng đi trước giá". Nếu thanh khoản không được cải thiện, thị trường vẫn sẽ rất dễ suy yếu nếu các yếu tố tiêu cực bên ngoài xấu trở lại.
Cá nhân tôi thấy cũng chưa có bằng chứng thuyết phục rằng thị trường đã tạo đáy. Lực mua ở vùng đáy cũ trong nhịp này yếu hẳn. Tất nhiên trong tuần này, giá có thể tiếp tục hồi phục nếu bên bán tiết cung. Tuy nhiên, hiện tại trên HOSE cũng đã có khoảng gần 80% cổ phiếu dưới MA200. Thực tế đó kèm thanh khoản thấp khiến các cơ hội giao dịch không nhiều.
Trong 4 tuần gần nhất, khối ngoại đã rất tích cực giải ngân. Ông đánh giá thế nào về sự tham gia của nhà đầu tư ngoại trong bối cảnh hiện tại?
Đương nhiên khi giá chiết khấu sâu, dòng tiền bắt đáy được kích hoạt, trong đó có khối ngoại. Theo quan sát của tôi, dòng tiền khối ngoại mua ròng tập trung chủ yếu ở các quỹ ETFs. Mà động thái của các quỹ ETFs thì khó đoán, do họ không mua bán trên cơ bản doanh nghiệp.
Xu hướng đầu tư qua ETFs cá nhân tôi đánh giá vẫn sẽ chiếm ưu thế trong thời gian tới.
Tôi cho rằng dòng tiền chủ đạo vẫn là nhà đầu tư cá nhân, trong nước, chiếm phần lớn giao dịch. Như cá nhân tôi cũng không theo dõi thường xuyên và đánh giá không cao tác động của giao dịch tự doanh, khối ngoại. Họ cũng là một thành phần tham gia thị trường mà thôi.
Một số nhóm ngành như Năng lượng, Phân bón, Thủy sản vẫn có sự vận động tốt hơn so với mặt bằng chung trong khi Chứng khoán, Ngân hàng vẫn nhiều bất ổn. Lời khuyên của ông cho nhà đầu tư đang quan tâm tới các nhóm này là gì?
Về nhóm ngành Năng lượng, Phân bón, Thủy sản, sự vận động tốt hơn mặt bằng thị trường chung là dễ hiểu bởi đang được hưởng lợi từ việc giá hàng hóa tăng cao và xung đột Nga-Ukraine. Kết quả kinh doanh quý của các doanh nghiệp này tôi đánh giá vẫn rất tích cực trong quý 2/2022. Tuy nhiên nhà đầu tư cần quan sát kỹ giá hàng hóa liên quan, bởi lẽ một khi giá hàng hóa tạo đỉnh, các cổ phiếu chu kỳ như các nhóm vừa nêu sẽ giảm giá rất nhanh và mạnh.
Nhóm Chứng khoán với thanh khoản và diễn biến thị trường hiện tại, ngành chứng khoán khó có thể quá tích cực. Cần nói thêm, ngành này đang cạnh tranh rất cao. Trong thời gian tới, cuộc cạnh tranh sẽ ngày càng khốc liệt, điều đó sẽ ít nhiều được thể hiện qua con số thị phần quý 2/2022.
Với nhóm ngành Ngân hàng, nhiều Ngân hàng đã chiết khấu sâu từ đỉnh. Trong vài ngày qua, Ngân hàng cũng rục rịch sóng. Tuy nhiên ngành Ngân hàng rất khó đánh giá trước rủi ro suy thoái của nền kinh tế toàn cầu. Tất nhiên ở mỗi thị trường có những đặc điểm riêng, nhiều Ngân hàng Việt Nam có chất lượng tài sản tốt và tiềm năng tăng trưởng cao.
Nhưng tôi có lúc giật mình khi quan sát định giá ngành Ngân hàng toàn cầu. Các Ngân hàng ở Mỹ, P/B chỉ quanh 1 lần. Đặc biệt các ngân hàng lớn ở châu Âu, tôi khá giật mình mức P/B chỉ có 0,5 lần như HSBC, Barclay…
Những con số đó khiến những người làm định giá ngành Ngân hàng Việt Nam nên có sự cân nhắc nhất định. Nếu có điều gì đó tiêu cực với thị trường chứng khoán toàn cầu trong tháng Bảy, tôi nghĩ đó có thể là châu Âu và khả năng ở chính các Ngân hàng.
Trong ngày cuối tuần, MSCI đã công bố giữ nguyên xếp hạng thị trường Việt nam ở nhóm Cận biên. Các thay đổi của MSCI sẽ tác động như thế nào tới thị trường Việt Nam?
Điều này không làm những người theo dõi kỹ càng bất ngờ. Trong khoảng 5 năm gần đây, đánh giá của MSCI tôi thấy không có nhiều thay đổi. Ai cũng hiểu, con đường nâng hạng không xa, nhưng chắc cũng không quá gần.
Chúng ta đều tin vào triển vọng Nâng hạng, tuy nhiên sẽ không dễ dàng và cần sự phối hợp của nhiều bên. Có những vấn đề nằm ngoài phạm vi của ngành chứng khoán.
Nhịp sống kinh doanh