Giá hạt nhựa biến động mạnh, cổ phiếu họ ngành nhựa về mức đáy 1 năm
Cổ phiếu APH rơi sâu còn 11.200 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày
Trên sàn chứng khoán, nhóm cổ phiếu cuả Tập đoàn An Phát Holdings tiếp tục giảm sâu. Không chỉ APH mà các cổ phiếu công ty con của Tập đoàn này tiếp tục biến động cùng chiều với kết quả kinh doanh...
Trước hết là cổ phiếu của Công ty mẹ - Tập đoàn An Phát Holdings (HoSE: APH) giảm sâu xuống còn 11.000 đồng/cp. Như vậy so với đỉnh trên 30.000 đồng/cp thì APH đã mất đi ½ thị giá. Nhiều nhà đầu trót ôm cổ phiếu APH đã thua lỗ khi giá cổ phiếu này rơi từ đỉnh xuống.
Chưa dừng lại đó, ngày 10/9 vừa qua, quỹ MV Index Solutions (MVIS) công bố kết quả cơ cấu danh mục quý III của chỉ số MVIS Vietnam Index - chỉ số cơ sở của quỹ VanEck Vectors Vietnam ETF (V.N.M ETF).
Ở kỳ cơ cấu này có đến một cổ phiếu Việt Nam được thêm vào danh mục của chỉ số MVIS Vietnam Index là HAG của HAGL (HAG ). Trong khi đó, hai cổ phiếu, trong đó có APH của An Phát Holdings bị loại khỏi danh mục của MVIS Vietnam Index. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến APH giảm sâu trong thời gian qua.
APH có 2 mảng kinh doanh chính gồm sản phẩm nhựa và thương mại hạt nhựa. Do diễn biến giá hạt nhựa giảm trong quý II giúp biên lợi nhuận mảng sản xuất bao bì, nhựa kỹ thuật và nhựa xây dựng cải thiện nhưng mảng thương mại hạt nhựa giảm. Mảng thương mại hạt nhựa chiếm 62-44% tổng doanh thu tập đoàn khiến biên lợi nhuận gộp chung giảm. Cụ thể, biên lợi nhuận gộp mảng thương mại hạt nhựa giảm từ 6% quý II/2021 xuống 2,4%, mảng sản xuất sản phẩm nhựa duy trì mức 19,3%. Biên lợi nhuận chung giảm từ 12,2% xuống 9,1%.
Theo báo cáo tài chính doanh thu của APH tăng 35% lên 5.080 tỷ đồng, lợi nhuận gộp giảm nhẹ từ 450 tỷ xuống 444 tỷ đồng. Hoạt động tài chính khởi sắc cùng giảm lỗ hoạt động liên doanh liên kết đã giúp lợi nhuận ròng APH tăng 54% đạt 29 tỷ đồng. Tuy nhiên trái với diễn biến của doanh thu và lợi nhuận, cổ phiếu APH tiếp tục biến động trái chiều.
Tiếp đó Nhựa An Phát Xanh (AAA) – đơn vị thành viên của APH đạt doanh thu 4.612 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận ròng đi ngang ở mức 87 tỷ đồng âm 19,7% so với cùng kỳ. Cổ phiếu AAA cũng tiếp tục rơi sâu, phiên giao dịch 19/9 còn 10.600 đồng/cp.
Cổ phiếu An Tiến Industries (HII) kinh doanh mảng hạt nhựa cũng tiếp tục dò đáy rơi sâu dưới giá trị sổ sách. Doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu quý II tăng 44,5% nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 37%. Theo HII, thị trường hạt nhựa nguyên liệu thế giới giảm giá do xung đột Nga – Ukraine và dịch bệnh, đã khiến lợi nhuận hoạt động thương mại của Công ty giảm mạnh kéo theo giá cổ phiếu tiếp tục dò đáy. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/09, cổ phiếu HII còn 6.900 đồng/cp...
Nhựa Hà Nội (NHH) chuyên cung ứng sản phẩm nhựa kỹ thuật (linh kiện, phụ kiện nhựa ngành ôtô, xe máy, điện tử…) của Tập đoàn APH cũng không tránh khỏi số phận bị suy giảm giá trị cổ phiếu, dù công ty này có báo cáo lợi nhuận tăng 21% lên 10,3 tỷ đồng với doanh thu gần như đi ngang ở mức 533 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp tăng từ 15,6% lên 16,4% và giảm lỗ hoạt động liên doanh liên kết về 0 là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận của NHH. Tuy nhiên giá cổ phiếu NHH cũng biến động cùng chiều với nhóm cổ phiếu Công ty mẹ. Tính đến phiên giao dịch ngày 19/09, NHH còn 13.800 đồng/cổ phiếu. Đây là mức giá NHH thấp nhất trong vòng 10 năm qua.
Theo các chuyên gia, cùng với sự trồi sụt của thị trường thì nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp đều chịu chung số phận; riêng với nhóm cổ phiếu APH rơi sâu về sát giá trị sổ sách cho thấy sự khó khăn của doanh nghiệp dẫn đến kỳ vọng thấp của nhà đầu tư. Trong đó, ngoài đầu vào nguyên liệu khó khăn của doanh nghiệp thì việc phát hành trái phiếu riêng lẻ cũng là một nguyên nhân khiến giá cổ phiếu bị pha loãng, khiến nhà đầu tư bán mạnh cổ phiếu nhóm sản xuất kinh doanh.
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ của Tập đoàn An Phát, công ty đã trình các cổ đông thông qua không tiếp tục thực hiện phương án phát hành riêng lẻ tối đa 800 tỷ đồng trái phiếu đã được thông qua tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2021. Năm 2021, APH đã phát hành riêng lẻ thành công 450 tỷ đồng trái phiếu, số lượng còn lại chưa phát hành sẽ không được thực hiện. Ngoài hủy phát hành trái phiếu, APH cũng sẽ hủy kế hoạch phát hành 20 triệu cổ phiếu qua sàn HOSE. Năm nay, APH lên kế hoạch kinh doanh đạt 16.500 tỷ đồng, lãi sau thuế 585 tỷ đồng, lần lượt tăng 11,5% và 145% so với thực hiện năm 2021.
Diễn đàn doanh nghiệp