MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhôm Hoa Kỳ trước nguy cơ đóng cửa hàng loạt vì Trung Quốc

07-08-2016 - 08:24 AM | Tài chính quốc tế

Giá nhôm từ mức 1.682 USD năm ngoái đã trượt dài còn 1.564 USD/ tấn USD vào đầu tháng 8 năm nay. Nếu giá tiếp tục giảm dưới 1.528 USD, đầu ra của nhôm Hoa Kỳ sẽ bi đe dọa và có thể khiến hàng loạt nhà máy phải đóng cửa.

Century và Alcoa là hai nhà sản xuất cuối cùng của Hoa Kỳ sản xuất nhôm nguyên chất, vật liệu được sử dụng để sản xuất từ lon bia cho đến phụ tùng cho chiếc máy bay chiến đấu F-16. Nhưng trong khi Alcoa chưa lên tiếng thì công ty đồng hương Century đang ra sức kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ bảo vệ các nhà máy luyện nhôm trong nước trước chính sách trợ giá từ Trung Quốc.

Vào mùa thu năm ngoái, giám đốc điều hành của Century, Michael Bless đã gửi lời mời tất cả các ứng cử viên tổng thống đến tham quan một nhà máy luyện nhôm nhưng đáp lại là những cái lắc đầu. Bless nói rằng ông thất vọng nhưng không hề nao núng khi nhà máy của mình thất thế trước việc Trung Quốc trợ giá cho các nhà máy luyện nhôm đến một mức độ vi phạm quy định Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tuy vậy, Michael Bless nên cảm thấy bất an cho tương lai khi quy mô bị thu hẹp trước sức cạnh tranh từ nhôm Trung Quốc. Hiện tại, Century có ba nhà máy ở Mỹ và một ở Iceland, có khoảng 1.778 nhân viên, ít hơn năm 2014 khoảng 25%. Trong đó, nhà máy hawesville ở thời kỳ đỉnh cao sản xuất 252.000 tấn mỗi năm và sử dụng 750 lao động nay chỉ còn 300 nhân viên và công suất đã bị cắt giảm khoảng 60%.

Nhưng dù cho tương lai đang âm u phía trước, nó cũng rất đáng để chờ đợi. Trước động thái hai ứng cử viên Tổng thống kế tiếp đang thể hiện sự cứng rắn với Trung Quốc, Bless hy vọng họ cũng sẽ đấu tranh cho quyền lợi của các nhà sản xuất nhôm Hoa Kỳ, như những gì mà ngành thép được chính phủ bảo vệ khi áp thuế với thép nhập khẩu Trung Quốc lên 500%.

Phát ngôn viên của Donald Trump, ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa từng nói Trump sẽ "đánh thuế quan phòng thủ trên bất kỳ quốc gia mà có dấu hiệu gian lận". Còn phát ngôn viên của bà Hillary Clinton cho biết, ứng cử viên Dân chủ "sẽ không tha thứ cho những nỗ lực của Trung Quốc nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế của đất nước họ trên lưng công nhân Mỹ".

Hiện tại, Trung Quốc đã chiếm 55% tổng lượng sản xuất nhôm của thế giới, và theo tiết lộ từ cuộc nghiên cứu Harbor Intelligent, đất nước đông dân nhất thế giới đang có kế hoạch tăng sản lượng lên 9% trong năm 2017. Đó hẳn là tin xấu đến nhiều nhà sản xuất nhôm trên thế giới, đặc biệt là đối với Bless.

“Nếu chúng tôi đợi sự hỗ trợ từ phía chính phủ thêm một năm nữa, có thể trò chơi sẽ kết thúc”, ông cho biết sau khi trở về từ nhà máy tại Hawesville, Kentucky, nơi nhân viên đã được cắt giảm hơn một nửa trong hai năm qua.

Quy mô bị thu hẹp

Giá nhôm giao dịch trên sàn kim loại Luân Đôn đã giảm từ mức trung bình 1.682 USD năm ngoái xuống còn 1.564 USD/ tấn, sau khi trượt dài từ mức 2.800 USD trong năm 2011. Nếu giá tiếp tục giảm dưới 1.528 USD, đầu ra của nhôm Hoa Kỳ sẽ bị đe dọa và có thể khiến năm nhà máy luyện nhôm có thể phải đóng cửa.

Trong khi nỗ lực vận động hành lang cho thép của Hoa Kỳ trên thị trường thương mại quốc tế đã thành công trong việc áp đặt thuế, nhôm không nhận được sự quan tâm tương tự.

Lý do cho sự thiếu công bằng này được cho là do sự chênh lệch về lực lượng lao động. Hiện tại, có khoảng 140.000 người lao động sản xuất thép trong khi nhôm chỉ có 3.500 lao động.

Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ lưỡng hơn, sẽ có khoảng 100.000 lao động làm trong những ngành phụ thuộc vào nhôm có nguy cơ mất việc. Hơn nữa, theo đánh giá của Lloyd O'Carroll, một nhà phân tích cao cấp tại CRU International, vì hầu hết các nhà máy luyện “nằm trong khu vực nông thôn, sự sụp đổ của ngành công nghiệp này sẽ tàn phá những nền kinh tế địa phương”.

Bí mật của Trung Quốc

Giám đốc điều hành của Alcoa – một trong hai gã khổng lồ ngành nhôm của Hoa Kỳ - cho rằng Trung Quốc có thể gia tăng sản lượng là nhờ việc bán thành phẩm - hầu hết không phải chịu thuế xuất khẩu. Chưa kể, nhôm thành phẩm của Trung Quốc có chi phí rẻ hơn khi được sản xuất từ việc tái chế nhôm phế liệu, thay vì khai thác từ quặng.

“Hình thức căn bản của nhôm Trung Quốc khi thâm nhập vào phần còn lại của thế giới là thông qua kim loại phế liệu, cái mà đất nước đông dân nhất thế giới luôn dư thừa. Đó đang là vấn đề gây khó khăn cho chúng tôi”.

Trong khi đó, công ty đồng hương của Alcoa, Century cho rằng việc cắt giảm thuế và chi phí điện năng mà chính phủ hỗ trợ cho các nhà máy luyện Trung Quốc mới là những vấn đề chính.

"Chúng tôi cố gắng để làm ra một sản phẩm tốt, chúng tôi rất tự hào về nó, nhưng chúng tôi không thể cạnh tranh với đối thủ nếu họ không tuân theo cùng các quy tắc chung," Jessie Applegate, nhà điều hành nhà máy Hawesville, Mỹ.

Đinh Lộc

Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên